Tiếng Việt | English

28/07/2021 - 14:20

Từ tiếng loa truyền thanh cơ sở...

Trên “mặt trận” chống dịch Covid-19, tiếng loa phát thanh lại vang khắp đường làng, ngõ xóm, tuyên truyền những thông tin về tình hình dịch bệnh. Qua đó, người dân nâng cao ý thức, chung sức, đồng lòng cùng hệ thống chính trị quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch.

Từng bước nâng cấp đài truyền thanh cơ sở

Cuối năm 2019, Long An đưa vào sử dụng 52 đài truyền thanh (ĐTT) xã, nâng tổng số ĐTT cấp xã hiện có trong toàn tỉnh lên con số 188; ngoài ra, còn có 1.356 cụm loa truyền thanh ấp, khu phố, phủ sóng gần 95% địa bàn dân cư. Hệ thống truyền thanh cơ sở từng bước được nâng cấp hiện đại, phục vụ tốt hoạt động thông tin, tuyên truyền ở địa bàn dân cư.

Ngoài bảo đảm tiếp âm các chương trình phát thanh 3 cấp (Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, ĐTT cấp huyện), các ĐTT cấp xã còn tăng thời lượng, nâng cao chất lượng các chương trình tự sản xuất, đưa thông tin đa dạng, đầy đủ, kịp thời đến người dân ở cơ sở.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Đức Huệ - Nguyễn Thị Hồng Luyn chia sẻ: “Cơ sở vật chất truyền thanh của huyện còn nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của tỉnh, trong Dự án đầu tư 52 ĐTT xã, huyện được đầu tư tại 6 xã (Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, Bình Hòa Hưng, Mỹ Bình, Bình Thành và Mỹ Thạnh Đông) với đầy đủ thiết bị hiện đại để phục vụ tác nghiệp. Qua thời gian sử dụng, hệ thống hoạt động tốt, chất lượng âm thanh to, rõ, đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, tuyên truyền của địa phương”.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trương Thanh Liêm cho biết: “Xác định truyền thanh cơ sở là kênh thông tin gần gũi, hữu hiệu nhất nên huyện luôn quan tâm đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị, cơ sở vật chất và quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ tuyên truyền. Hiện nay, hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở đã và đang từng bước tự động hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phát thanh thông minh. Cụ thể, mỗi năm, huyện đầu tư trên 1 tỉ đồng để trang bị mới, cải tạo, nâng cấp toàn bộ hệ thống đài, trạm truyền thanh. Riêng năm 2020, 2021, trên lĩnh vực truyền thanh, huyện đầu tư trên 5 tỉ đồng. Huyện đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi theo lộ trình để đến năm 2024 chuyển sang sử dụng thiết bị truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền”.

“Binh chủng” truyền thanh cơ sở tham gia “mặt trận” chống dịch

Cùng các lực lượng thông tin, tuyên truyền khác, “binh chủng” truyền thanh cơ sở vào cuộc rất đồng bộ, quyết liệt, nhanh và linh hoạt trên “mặt trận” chống dịch. Đó là cập nhật thông tin từ ban chỉ đạo các cấp, tại các “điểm nóng” để đưa tin nhanh, chính xác về tình hình dịch bệnh; tuyên truyền kịp thời các thông báo khẩn, các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền địa phương, ngành Y tế,…

Theo ông Trương Thanh Liêm, hệ thống loa, cụm loa cố định, lưu động đã “làm chủ” mặt trận thông tin, tuyên truyền ở địa phương, góp phần quan trọng cùng các cấp, các ngành kiểm soát, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Hệ thống truyền thanh cơ sở một lần nữa khẳng định vị trí không thể thay thế, tiếng loa tuyên truyền đã đóng góp rất hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như đóng góp thiết thực cho sự phát triển chung của địa phương.

Cùng với nhiệm vụ tuyên truyền thường xuyên, lúc cao điểm, các đài xã tăng khung giờ phát thanh gấp 5-6 lần ngày thường; bố trí lực lượng, phương tiện thông tin lưu động len lỏi vào tận các khu phố, góc phố, ấp, tổ dân cư, chợ, nơi tập trung đông người, khu, cụm công nghiệp,… để tuyên truyền, phủ kín thông tin trên địa bàn. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, bình quân mỗi cụm loa truyền thanh ấp/khu phố đã tiếp âm khoảng 1.100 tin, bài, thông báo về phòng, chống dịch Covid-19.

Từ tiếng loa phát thanh, người dân nắm được thông tin nhanh nhất, qua đó nâng cao cảnh giác, ý thức chấp hành, chủ động phòng, chống dịch bệnh, góp phần cùng hệ thống chính trị ngăn chặn, sớm đẩy lùi dịch Covid-19./.

Truyền thanh cơ sở đã, đang và sẽ là thiết chế thông tin thiết yếu trong công tác tuyên truyền ở cơ sở. Để nâng tầm “sứ mệnh” của mình, truyền thanh cơ sở phải thích ứng, sớm chuyển đổi toàn bộ sang công nghệ ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông, chuyển đổi số; không ngừng nâng cao chất lượng nội dung chương trình, sản phẩm để thu hút đông đảo người nghe.

Minh Hoàng

Chia sẻ bài viết