Tiếng Việt | English

30/04/2020 - 10:50

Ứng dụng Ban Quản trị Khu cách ly - Quaranhome

Ứng dụng Ban Quản trị Khu cách ly - Quaranhome đã giành giải Nhất bởi tính thiết thực của dự án tại cuộc thi Online Hackathon “Hack Cô Vy 2020”.

Tại cuộc thi Online Hackathon “Hack Cô Vy 2020” do Angelhack Việt Nam và Thành đoàn Hà Nội - Hội Sinh viên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và UNDP tổ chức từ ngày 24/04 đến 26/04, Ứng dụng Ban Quản trị Khu cách ly - Quaranhome đã giành giải Nhất bởi tính thiết thực của dự án.

Tác giả của ứng dụng là 5 chàng sinh viên: Đỗ Thành Long, Phạm Đình Cường, Nguyễn Tuấn Minh, Đỗ Hoài Nam, Lưu Kim Khánh. Cả 5 thành viên đều là du học sinh, đang sinh sống và học tập tại nước ngoài, tại 5 thành phố khác nhau. Họ hoàn toàn tình cờ gặp nhau trong cuộc thi.


Danh sách đoạt giải tại cuộc thi Online Hackathon “Hack Cô Vy 2020” 

Nguyễn Tuấn Minh là du học sinh ở Đức về và từng ở trong khu cách ly. Trong thời gian ở khu cách ly, sinh viên này đã quan sát và cảm thông với sự vất vả của các y bác sĩ, nhân viên phục vụ nơi đây. Các y bác sĩ thường phải cung cấp thông tin, giải thích cho từng bệnh nhân, từng người bị cách ly về kiến thức phòng, chống Covid-19. 

Tuấn Minh đã từng chứng kiến một bác sĩ đi qua từng phòng để thông báo về trường hợp kết quả dương tính. Điều bất hợp lý thứ hai là sự dư thừa các nhu yếu phẩm không cần thiết của những người thân ở ngoài gửi vào trong khu cách ly. Thứ ba là rào cản ngôn ngữ khiến những người nước ngoài trong khu cách ly gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Từ đó, Tuấn Minh và các bạn trong nhóm đã bàn nhau xây dựng ứng dụng Quản trị Khu cách ly-Quaranhome để giúp quản lý các khu cách ly tập trung. 

 Ứng dụng bao gồm các tính năng:

 1. Bảng tin: tại đây hiện thông báo từ Ban Quản trị Khu cách ly gửi đến toàn bộ cư dân một cách kịp thời, tạo nên một cổng thông tin thống nhất, nhanh chóng, tất cả trong một và đồng thời dịch thuật bằng nhiều ngôn ngữ khác nhằm hỗ trợ cho người nước ngoài.

 2. Nhóm chat: Nơi hỏi đáp, trao đổi đồ dùng nhu yếu phẩm, chia sẻ thông tin giữa các cư dân, đồng thời giúp cho người nước ngoài trong vấn đề ngôn ngữ. Một điểm ấn khác biệt với các nhóm chat trên zalo và facebook đó là tính bảo mật cho người dùng. Khi vào khu cách ly không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ số điện thoại và thông tin cá nhân khác của mình cho người lạ. Và hai là, không phải tất cả khu cách ly đều có 1 nhóm chat chung trên facebook hay các trang mạng xã hội khác.

 3. Hotline: đường dây nóng tới Ban quản trị: gồm cấp cứu khẩn cấp, trực ban, tổng đài hỗ trợ.

 4. Yêu cầu: nơi cư dân gửi yêu cầu/đề xuất lên Ban quản trị. Một người hay một nhóm không muốn ăn tối có thể báo lên Ban quản trị cắt suất cơm của mình để tránh lãng phí.

 5. Nội quy: Cung cấp những lưu ý thiết yếu, quy định về đảm bảo an toàn cũng như những lời khuyên cho sức khỏe.

 6. Thời gian biểu: xem lịch hoạt động trong ngày, gồm thời gian và địa điểm

 7. Kiểm tra triệu chứng: gồm các Quiz (câu hỏi) để chẩn đoán khả năng mắc Covid-19. Để từ đó có những phương pháp điều trị kịp thời

 8. Bản đồ: bản đồ Khu cách ly, sơ đồ mặt bằng. Có thể yêu cầu vị trí để hỗ trợ kiểm soát cư dân.

 Giao diện được thiết kế đơn giản, trực quan, dễ sử dụng nhất, phổ cập cho mọi lứa tuổi, đặc biệt cho người cao tuổi, những người không rành về công nghệ. Phần dành cho Ban quản trị khu cách ly dễ hiểu và dễ sử dụng, thêm cả hướng dẫn sử dụng trực tiếp và tương tác, khi hoàn thiện sản phẩm.

 Ứng dụng sẽ được sử dụng nội bộ trong từng khu cách ly. Người dùng khi vào khu cách ly sẽ được cung cấp 1 mã code để truy cập vào, nhằm tránh tình trạng người lạ có thể truy cập vào. Và chức năng sẽ tự động hỏi lại mã code sau 14 ngày, nếu người dùng vẫn còn trong khu cách ly mới được tiếp tục truy cập. Tất nhiên Ban quản trị khu cách ly có thể xoá người dùng khi cho họ xuất khu.

 Hiện nhóm mong muốn có thêm các thành viên tham gia nghiên cứu để hoàn thiện và sớm đưa vào sử dụng rộng rãi cho các khu cách ly tập trung./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết