Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao mang lại thu nhập ổn định mùa hạn, mặn
Tạo thu nhập, giảm chi phí sản xuất
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU
của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Huyện ủy Tân Trụ ban hành Nghị quyết số 07 về phát triển nông nghiệp ƯDCNC, trong đó, chọn 3 cây (lúa, rau, thanh long) và 1 con (con bò). Đến nay, huyện thực hiện được 5 mô hình lúa ƯDCNC với tổng diện tích 250ha, 2 mô hình rau khoảng 1ha ở xã Lạc Tấn và 20ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tập trung tại các xã: Lạc Tấn, Quê Mỹ Thạnh, Bình Tịnh,... Riêng về bò thịt, công tác triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn về vốn và con giống.
“Năm nay, do xâm nhập mặn diễn ra gay gắt nên nhiều diện tích lúa Đông Xuân bị thiếu nước dẫn đến thiệt hại nặng. Phần lớn những diện tích lúa bị thiệt hại đều nằm ở các xã vùng hạ, nơi khó tiếp cận nguồn nước và hầu hết gieo sạ không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp về nguy cơ hạn, mặn có thể đến sớm. Còn ở những diện tích lúa thực hiện ƯDCNC của huyện đều đã thu hoạch và đạt năng suất cao, nông dân có lãi từ 25-30 triệu đồng/ha. Các mô hình rau và thanh long ƯDCNC trên địa bàn huyện vẫn được duy trì. Hầu hết các mô hình đều sử dụng nước giếng và hệ thống tưới, tiêu tiết kiệm để duy trì sản xuất” - ông Hoàng thông tin thêm.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau sạch hữu cơ Khôi Nguyên (ấp 5, xã Lạc Tấn) - Nguyễn Việt Thịnh cho biết: “Từ khi thành lập
đến nay, sản phẩm rau của HTX đều được trồng hoàn toàn từ phân hữu cơ, do đó chất lượng rau luôn bảo đảm và được người tiêu dùng ưa chuộng. Bình thường, tổng diện tích rau màu của HTX là 5,4ha, mỗi tháng cung cấp cho thị trường hàng tấn rau, củ, quả. Tuy nhiên, trong điều kiện hạn, mặn như hiện nay, nhiều thành viên không chủ động được nguồn nước để sản xuất nên diện tích sản xuất giảm xuống chỉ còn khoảng 1,5ha. Hiện, toàn bộ 1,5ha rau này được trồng trong nhà lưới và sử dụng nguồn nước giếng đã qua xử lý để tưới”.
Được biết, hiện nay, HTX chủ yếu trồng rau muống để cung ứng cho thị trường. Giá rau muống cũng đang ở mức cao, từ 10.000-12.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi ngày, người trồng có thu nhập từ 500.000-800.000 đồng.
Hạn, mặn kéo dài nhiều tháng qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tưới tiêu và phát triển của thanh long trên địa bàn huyện Tân Trụ. Tuy vậy, một số diện tích thanh long nhờ ƯDCNC vào sản xuất nên vẫn duy trì tốt. Ông Lê Thành Nam, ngụ xã Bình Tịnh, chia sẻ: “Thời gian qua, tôi ƯDCNC vào sản xuất trên 1,2ha thanh long của gia đình. Nhìn chung, sản xuất ƯDCNC giúp thanh long phát triển tốt, ít sâu, bệnh. Đồng thời, trong mùa hạn, mặn như hiện nay, hệ thống tưới nước tiết kiệm giảm được áp lực về nguồn nước tưới nhưng vẫn bảo đảm cho thanh long sinh trưởng và phát triển bình thường”.
Theo ngành chuyên môn đánh giá, mô hình tưới tiết kiệm không chỉ giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động (công tưới nước, bón phân), tiết kiệm điện năng, lượng nước sử dụng,... mà còn nâng cao lợi nhuận khoảng 2,5-5 triệu đồng/ha.
Hệ thống tưới tiết kiệm nước giúp nông dân giảm chi phí sản xuất
Duy trì sản xuất trong mùa hạn, mặn
Tại huyện Thạnh Hóa, để thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh, huyện đã xây dựng vùng quy hoạch 2.000ha lúa ƯDCNC tại 3 xã: Tân Tây, Thủy Đông và Thạnh An. Bên cạnh đó, huyện còn mở rộng thêm 300ha sản xuất lúa ƯDCNC tại 3 xã: Tân Đông, Thủy Tây và Thạnh Phước. Lũy kế đến nay, huyện thực hiện được 2.041/2.000ha lúa ƯDCNC, đạt 102% so với Nghị quyết của Tỉnh ủy. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 77 tổ hợp tác (THT) sản xuất nông nghiệp, 11 HTX, trong đó có 5 THT và 4 HTX trong vùng lúa ƯDCNC.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An - Mai Văn Thảo, địa phương được quy hoạch thực hiện Chương trình nông nghiệp ƯDCNC trên cây lúa đến năm 2020 là 1.200ha. Đến nay, tổng diện tích thực hiện được 1.233ha, đạt 102,8% so với Nghị quyết Huyện ủy. Toàn xã có 1 HTX và 5 THT sản xuất lúa ƯDCNC. Hiện, nông dân trên địa bàn xã đã tiến hành gieo sạ vụ Hè Thu được gần 20 ngày với diện tích trên 1.600ha, trong đó có khoảng 300ha lúa ƯDCNC vào sản xuất. Để hỗ trợ người dân, UBND xã phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thường xuyên đo độ mặn các tuyến kênh trên địa bàn với tần suất 2 ngày/lần để kịp thời nắm bắt tình hình và thông tin đến người dân.
Tổ trưởng Tổ THT Tổ 9, ấp 3, xã Thạnh An - Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ, toàn bộ thành viên của THT đều đã xuống giống vụ Hè Thu được khoảng 20 ngày với giống lúa chủ yếu là OM4625. Hiện tình trạng hạn, mặn được người dân rất quan tâm. Tuy nhiên, với đặc thù là vùng đất ít chịu ảnh hưởng của hạn, mặn nên người dân vẫn mạnh dạn gieo sạ và áp dụng đầy đủ các bước sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo đảm chất lượng lúa.
“THT có 32 thành viên với khoảng 110ha lúa nằm trong vùng quy hoạch sản xuất ƯDCNC của huyện từ năm 2018 đến nay. THT đã được hỗ trợ san phẳng mặt ruộng và sử dụng phân hữu cơ,… Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến khích triển khai thực hiện các mô hình như giảm lượng giống gieo sạ, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”, công nghệ sinh thái. Qua đó, giúp nông dân tăng lợi nhuận trong sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường” - ông Xuân chia sẻ thêm.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Hiện nay, một phần diện tích khoảng 10ha ở 2 xã Tân Đông và Tân Tây của huyện cũng chịu ảnh hưởng hạn, mặn. Tuy ảnh hưởng không đáng kể nhưng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì nguy cơ sản xuất nông nghiệp của huyện bị ảnh hưởng cũng rất lớn. Nguồn nước sản xuất lúa ƯDCNC trên địa bàn xã Thạnh An chủ yếu là từ kênh Bắc Đông (một nhánh của sông Tiền) nên hiện tại độ mặn vẫn còn giữ ở mức thấp, dao động từ 0,3-0,5g/l. Bên cạnh đó, phòng cũng đã lên kế hoạch dự trù nếu có hạn, mặn xảy ra trên địa bàn huyện. Theo đó, nếu độ mặn có dấu hiệu tăng gần vượt mức cho phép, phòng sẽ kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho đắp kín tạm đầu kênh Cá Tôm (tiếp giáp huyện Tân Thạnh) để tích trữ nước, bảo đảm cho việc sản xuất, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất cho nông dân”./.
Bùi Tùng