Nhu cầu tất yếu
CĐS trong nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa các nguyên liệu, phế phụ phẩm tái chế thành các sản phẩm, tạo thành cơ chế tuần hoàn trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đây chính là nội dung cốt lõi của phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng trong nền nông nghiệp tuần hoàn.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân tiếp cận, thực hiện CĐS. Trong 9 tháng năm 2024 đã hỗ trợ 2.511.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 21 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; tiếp tục hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nông nghiệp kết nối tiêu thụ nông sản an toàn trên sàn thương mại điện tử Kết nối cung cầu nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh (hiện đã ngừng hoạt động và đang thực hiện các thủ tục, chuyển dữ liệu sang Sàn mua bán nông sản Mạng nhà nông https://mangnhanong.vn của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp); đồng thời, hỗ trợ cơ sở, HTX, doanh nghiệp đăng tải thông tin “Đăng ký mua - bán nông sản, hàng hóa” trên trang web https://htx.cooplink.com.vn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: "Nhờ áp dụng CĐS, các quy trình sản xuất được tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm, giúp sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về an toàn và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, CĐS còn tạo điều kiện để nông dân, HTX, doanh nghiệp dễ dàng kết nối với thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, từ đó mở rộng thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản. Đây còn là bước đi cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao đời sống nông dân".
Hệ thống tưới tự động cung cấp nước đồng đều cho cây trồng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp
HTX Rau an toàn Mười Hai (huyện Cần Đước) ra đời từ tổ hợp tác sản xuất rau Mười Hai với hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề trồng rau. Sự nhiệt huyết và yêu nghề của các thành viên đã thúc đẩy HTX không ngừng học hỏi và cải tiến, từng bước ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Thành lập năm 2017, HTX từng đối mặt với nhiều khó khăn về vốn đầu tư và đầu ra sản phẩm khi chưa có tên tuổi trên thị trường.
Tuy nhiên, chỉ sau một năm hoạt động, nhờ sự nhiệt huyết của thành viên và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng tỉnh và huyện Cần Đước, HTX đã mở rộng quy mô canh tác lên 30ha. Được đầu tư hệ thống nhà lưới, tưới tự động với chi phí phù hợp (tính trên 1.000m2, vốn đầu tư cho nhà lưới và péc tưới tự động khoảng 35 triệu đồng) và thiết lập quy trình trồng rau bán hữu cơ, HTX đã đưa sản phẩm rau an toàn đến gần hơn với người tiêu dùng.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy cho biết: “CĐS trong nông nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho HTX. Nhờ ứng dụng chữ ký số và phát triển trang web, HTX đã tăng độ nhận diện thương hiệu và mở rộng thị trường, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận nguồn rau an toàn. Những ứng dụng này không chỉ giúp HTX tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn mà còn nâng cao uy tín và niềm tin từ phía người tiêu dùng”.
Hướng đi bền vững
Thành lập năm 2018, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) là một trong những đơn vị tiên phong CĐS trong quản lý, điều hành và kinh doanh. Ngay từ khi bắt đầu triển khai CĐS, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh đối mặt với nhiều thử thách, nhất là chuyển đổi từ ghi chép sổ sách thủ công sang sử dụng các phần mềm quản lý.
Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) bảo đảm nông sản rõ nguồn gốc, xuất xứ
Giám đốc Kinh doanh HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Lê Thị Hằng cho biết: “HTX đã tạo điều kiện để kế toán, thủ quỹ và thành viên tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý, bán hàng, kế toán và ghi nhật ký sản xuất. HTX còn chủ động đăng ký mua phần mềm để áp dụng vào các quy trình quản lý, điều hành và kinh doanh. Nhờ những phần mềm này, HTX đã tiết kiệm chi phí sản xuất; quy trình xuất, nhập hàng hóa được quản lý chặt chẽ, giảm sai sót”.
Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử giúp tiếp cận đa dạng thị trường
Hiện mỗi ngày, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh cung ứng ra thị trường khoảng 5 tấn rau, củ, quả như dưa leo, bầu, bí xanh, khổ qua, mướp hương,... Nông sản của HTX đã có mặt trong hệ thống Co.opMart, Bách Hóa Xanh trên địa bàn tỉnh, TP.HCM và các tỉnh lân cận. Sự hỗ trợ từ các phần mềm và nhóm Zalo đã giúp HTX duy trì liên lạc hiệu quả với thành viên và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Đồng thời, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh còn hợp tác với Sàn thương mại điện tử Sendo để mở rộng thị trường, phạm vi tiếp cận khách hàng.
HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh là 1 trong 22 đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia mô hình điểm áp dụng truy xuất nguồn gốc tại Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh (Hệ thống do Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện). Sau khi được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng triển khai thí điểm việc áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa, HTX xây dựng kế hoạch thực hiện quy trình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản và triển khai trong hệ thống cán bộ quản lý, nhân viên HTX và các thành viên sản xuất của HTX, thành viên liên kết để có sự thống nhất thực hiện từ khâu gieo trồng, bón phân, phun thuốc đến sơ chế, đóng gói và chuyển giao đến các công ty (thị trường, người tiêu dùng).
Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giúp minh bạch thông tin sản phẩm từ khâu sản xuất tới người tiêu dùng
HTX đã chọn vùng trồng, hộ sản xuất là thành viên HTX, thành viên liên kết để xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 40,2ha và 73 hộ sản xuất với các loại nông sản chính: Bầu, bí xanh, bí đỏ, mướp hương,... Đây là điều kiện thuận lợi, cơ sở vững chắc cho việc quản lý truy xuất nguồn gốc trong quá trình sản xuất nông sản. Để quản lý nhật ký quy trình sản xuất, HTX sử dụng phần mềm Facefarm.vn để cập nhật, nhật ký lại các hoạt động sản xuất của từng hộ sản xuất, từ thời điểm gieo trồng, bón phân, phun xịt và các loại phân, thuốc trong sản xuất.
HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh sử dụng Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh trên 2 phiên bản: Website tại địa chỉ txng.longan.gov.vn và app điện thoại với 27 sản phẩm rau, củ, quả và 13 sản phẩm giống các loại. Trong đó, nhiều nông sản có lượng lớn được truy xuất nguồn gốc như dưa leo, bầu, bí xanh, bí đỏ, khổ qua,... Để bảo đảm người tiêu dùng dễ dàng, thuận tiện tra cứu, truy xuất nguồn gốc, HTX còn phối hợp Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần iCheck xây dựng tem, nhãn phù hợp với sản phẩm của đơn vị theo quy định.
Theo bà Lê Thị Hằng, qua ứng dụng truy xuất nguồn gốc đã nâng cao nhận thức và ý thức của các thành viên HTX trong quá trình tham gia vào Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh, vì họ hiểu rằng sự công khai, minh bạch sẽ tăng giá trị hàng hóa thì người sản xuất sẽ có quyền lợi cao hơn. Từ đó, nông sản hàng hóa và thương hiệu HTX được nhiều thị trường trong nước, người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.
CĐS trong nông nghiệp giúp tăng cường kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa cung - cầu, hạn chế tình trạng “được mùa - rớt giá”, “được giá - mất mùa”, từ đó, sản xuất nông nghiệp hiệu quả và có tính bền vững hơn, góp phần phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững./.
|
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo chuyên đề về chuyển đổi số Quốc gia; thảo luận một số vấn đề liên quan về chuyển đổi số trong lĩnh vực NN&PTNT .
|
Khánh Duy