Tiếng Việt | English

20/01/2022 - 08:09

Vấn đề Ukraine thêm nóng, Đông Âu tiến gần chiến tranh hơn

Phương Tây tăng hỗ trợ ngoại giao - quân sự cho Ukraine trong khi Nga đổ thêm quân và không ngại Mỹ, NATO đe dọa.

Sau đợt đối thoại đi vào bế tắc hồi tuần trước, Đông Âu và Ukraine tiếp tục trở thành điểm nóng về an ninh giữa Nga với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hai bên tiếp tục có các động thái leo thang quân sự để đe dọa lẫn nhau. Nguy cơ nổ ra xung đột đang cận kề hơn bao giờ hết nhưng cánh cửa ngoại giao vẫn chưa đóng hẳn.


Xe tăng Nga tham gia diễn tập tại vùng Krasnodar ngày 6-1. Ảnh: AP

Phương Tây viện trợ thêm cho Ukraine, Nga tăng áp lực quân sự

Ngày 19/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Ukraine trong chuyến thăm nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho giới chức Kiev trước các căng thẳng gần đây với Nga. Ông dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy về những hỗ trợ mà Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine nhằm củng cố năng lực quốc phòng của nước này, đài CNN cho biết.

Trước đó một ngày, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đã thăm Ukraine và khẳng định sẽ viện trợ cấp vũ khí cho Kiev, có thể gồm tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không vác vai Stinger, các loại vũ khí nhỏ và tàu chiến. Nhóm nghị sĩ này còn tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “phạm sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp”, khẳng định Mỹ sẽ áp đặt “các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo” nếu Nga tấn công Ukraine.

Hồi ngày 17/1, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace phát biểu trước Quốc hội rằng chính phủ đã bắt đầu cung cấp vũ khí chống tăng cho Ukraine để giúp nước này tự vệ trước mối đe dọa từ Nga. Lô vũ khí đầu tiên đã được chuyển giao vào cùng ngày, cùng một nhóm nhỏ nhân sự Anh đi theo để tham gia đào tạo cho phía Ukraine về cách sử dụng vũ khí mới, theo hãng tin AFP.

Chính phủ Anh trước đó cũng đã có một số phát ngôn cảnh báo Nga về những hậu quả nghiêm trọng nếu nước này phát động một cuộc tấn công quân sự mới nhắm vào Ukraine, đồng thời hỗ trợ tài chính cho Ukraine nhằm nâng cao năng lực hải quân của nước này.

Trong khi đó, Canada mới đây đã triển khai một đội đặc nhiệm đến Ukraine, tờ Global News đưa tin. Lực lượng này được cho là một phần của nỗ lực do NATO hợp lực triển khai nhằm hỗ trợ Ukraine đối phó nguy cơ mà họ cho là đến từ Nga. Đơn vị này cũng được giao nhiệm vụ xây dựng các kế hoạch sơ tán ngoại giao đoàn Canada ở Ukraine trong trường hợp cần thiết.

Về phần mình, Nga vừa điều động một số đơn vị quân đội và khí tài quân sự về phía biên giới để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung với Belarus vào tháng 2. Cuộc tập trận chung có tên gọi “Allied Resolve” (Quyết tâm Đoàn kết) và sẽ diễn ra tại vành đai phía tây của Belarus, tức giáp với Ukraine ở mạn phía nam và cũng gần biên giới hai thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania.

Một số nhà phân tích quân sự bình luận rằng Nga có thể đưa các lực lượng của họ đi xuyên qua Belarus trong trường hợp thực hiện một cuộc tấn công Ukraine trên diện rộng và khiến các tuyến phòng thủ của Ukraine phải căng mình đối phó vì hai nước này có biên giới dài hơn 1.000 km, theo tờ The Guardian.

Chúng tôi sẵn sàng đối thoại nghiêm túc với Nga, bởi ngoại giao là cách duy nhất có thể để xoa dịu tình hình rất nguy hiểm hiện nay. Không quốc gia nào có quyền ra lệnh cho quốc gia khác phải đi theo hướng nào, có thể có quan hệ gì và có thể tham gia liên minh nào.

Ngoại trưởng Đức ANNALENA BAERBOCK

Nga quyết giữ vững lập trường trước phương Tây

Những động thái này rõ ràng đang làm gia tăng hơn nữa bầu không khí căng thẳng bao trùm Đông Âu. Dù vẫn để ngỏ các giải pháp ngoại giao, song giới chức Nga cũng cảnh báo về những giới hạn đỏ và khẳng định nếu phương Tây tiếp tục không đáp ứng các yêu cầu về an ninh của Moscow, Nga có thể sẽ có những động thái đáp trả mạnh mẽ hơn và phương Tây sẽ phải chịu tổn thất lớn.

“Chúng tôi vẫn đang chờ đợi phản hồi đối với các đề xuất. Nga có lý do để tin rằng Mỹ và các đồng minh hiểu được sự cần thiết phải có một phản ứng nhanh chóng, chính xác và có thể kiểm chứng bằng văn bản về những lo ngại an ninh của Nga. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không chờ đợi mãi mãi” - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần trước nhấn mạnh.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo nhân chuyến thăm chính thức Tây Ban Nha hôm 17-1 cũng cảnh báo nguy cơ bùng phát chiến tranh ở châu Âu đang cận kề hơn bao giờ hết nếu hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ông khẳng định châu Âu rất cần Nga thực thi các bước đi cụ thể nhằm giảm bớt căng thẳng.

“Không có cách nào khác để diễn tả tình hình hiện nay. Do đó điều quan trọng là châu Âu cần đề nghị các bước đi rõ ràng từ phía Nga để hạ nhiệt căng thẳng. Việc của chúng tôi là làm tất cả những gì có thể để đảm bảo tránh được xung đột bởi nếu không thì kết cục là tất cả các bên đều sẽ gánh chịu hậu quả” - hãng thông tấn DW dẫn lời ông Scholz nhấn mạnh.

Cùng thời điểm ông Scholz thăm Tây Ban Nha, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng đã có chuyến thăm Ukraine để gặp gỡ các lãnh đạo nước này và thảo luận về tình hình căng thẳng hiện nay trong quan hệ với Nga. Bà Baerbock tiếp tục nhắc lại lời cảnh báo rằng Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng về chính trị và kinh tế nếu có hành động quân sự với Ukraine và Nga không có nhiều lựa chọn ngoài việc ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với các bên liên quan.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã đánh tiếng mời Nga và các nước thành viên NATO tham gia vòng đàm phán tiếp theo ở Brussels. Tuy nhiên, việc các bên liên tục đưa ra những lằn ranh đỏ và những răn đe quân sự lẫn nhau khiến triển vọng đàm phán trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.•

Mỹ chuẩn bị 18 kịch bản phản ứng Nga tấn công Ukraine

Hãng tin Sputnik ngày 18-1 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Washington đã chuẩn bị 18 kịch bản phản ứng trong trường hợp Moscow tấn công Kiev. Tuy không nêu cụ thể các biện pháp trừng phạt trong trường hợp Nga tấn công Ukraine nhưng bà Nuland cho biết Mỹ và đồng minh sẽ buộc Nga phải trả giá đắt trong trường hợp có hành động gây hấn với Ukraine.

“Nói đơn giản, chúng tôi có cam kết với các đồng minh về việc áp dụng nhanh chóng các lệnh trừng phạt nếu Nga có bất cứ hành động gây hấn nào” - bà Nuland cho hay. Cũng theo bà, Mỹ và các đồng minh tại châu Âu sẽ có những lệnh trừng phạt khác nhau đối với Nga.

Theo PLO.VN

Chia sẻ bài viết