Tiếng Việt | English

07/10/2022 - 09:12

Vạn tấm lòng hướng về cụ Nguyễn

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực cùng những chiến công lừng lẫy trên sông Vàm Cỏ Đông đã được ghi vào sử sách. Công lao của ông được con cháu đời sau tưởng nhớ. Người dân quen gọi Nguyễn Trung Trực bằng cách gọi vừa gần gũi, vừa tôn kính - cụ Nguyễn.

Ở Xóm Nghề (ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức), hầu như bàn thờ nhà nào cũng có ảnh cụ Nguyễn Trung Trực

Tấm lòng hậu thế

Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

Nguyễn Trung Trực được xem là ngọn cờ đầu của phong trào chống Pháp ở Nam bộ. 2 câu thơ đầy hào khí tóm tắt cuộc đời oanh liệt của người Anh hùng dân tộc và trở thành biểu tượng khi nhắc đến ông. Câu nói “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” của ông cũng được bao thế hệ khắc ghi, nhắc nhớ và tiếp nối.

Quê hương Long An tự hào là nơi chàng trai Nguyễn Văn Lịch (Nguyễn Trung Trực) sinh ra và lớn lên, cũng là nơi hun đúc lòng yêu nước, cái nôi tập rèn võ nghệ của người dũng tướng trước khi lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp và lập nhiều chiến công hiển hách. Tại dòng sông Vàm Cỏ Đông, nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực chỉ với áo vải, vũ khí thô sơ đã nhấn chìm chiến hạm hiện đại của Pháp lúc bấy giờ. Con tàu rực cháy và chìm xuống đáy sông đã thôi thúc, khơi dậy tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của biết bao người con đất Việt nói chung và Long An nói riêng.

Người dân đến viếng cụ Nguyễn Trung Trực tại di tích Vàm Nhựt Tảo từ sớm trước khi lễ kỷ niệm diễn ra

Đến khu vực Xóm Nghề (ấp 1, xã Thạnh Đức) hỏi về cụ Nguyễn thì không ai không biết, từ ông lão ngoài 80 tuổi đến đứa trẻ tiểu học, bởi câu chuyện kể về ông được truyền từ đời này sang đời khác bằng tất cả niềm tự hào rằng ông được sinh ra và lớn lên tại chính vùng đất đó. Nhiều gia đình trong khu vực là hậu duệ của cụ Nguyễn nên nhà nhà, người người đều rất hiểu về ông, bàn thờ gia tiên mỗi gia đình đều có ảnh ông.

Ông Nguyễn Phước Lộc (ấp 1, xã Thạnh Đức) kể: “Tôi là hậu duệ đời thứ tư của cụ Nguyễn. Những chiến công của ông thì không cần phải nói, chúng tôi được học trong trường học, được ông bà, cha mẹ kể lại chi tiết và kỹ lưỡng. Giờ đây, tôi cũng kể lại cho con cháu như vậy, dặn dò các cháu hãy biết noi gương cụ Nguyễn, sống tốt và có ích cho xã hội”. Theo ông Lộc, con cháu Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề không chỉ kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của ông mà còn luôn nhắc nhở ngày ông rời nhà làm việc lớn. Ông Lộc nói: “Tôi được nghe kể lại ngày ông chính thức xuất quân là 10-3 Âm lịch. Từ sau khi ông mất, người trong thân tộc tưởng nhớ đến ngày đó nên năm nào cũng làm một lễ nhỏ gọi là lễ khao quân để nhớ ngày ông đi”.

Vừa nói chuyện, ông Lộc vừa chuẩn bị lập bàn thờ tưởng nhớ cụ Nguyễn kỷ niệm ngày hy sinh của ông. Điều đó đã trở thành thông lệ của tất cả người dân Xóm Nghề (huyện Bến Lức) và khu vực Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ) từ rất nhiều năm nay để thể hiện tấm lòng tưởng nhớ tới anh hùng Nguyễn Trung Trực cùng chiến công của ông. Người nông dân anh hùng Nguyễn Trung Trực sinh ra tại Xóm Nghề và chiến công hiển hách đầu tiên của ông là tại Vàm Nhựt Tảo nên cứ đến các dịp lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của ông thì người dân ở cả hai địa phương đều chung tay chuẩn bị.

Năm nay, lễ cúng tại cả hai khu di tích (KDT) Xóm Nghề và Vàm Nhựt Tảo đều có quy mô lớn hơn so với 2 năm trước. Thời gian ngắt quãng do dịch Covid-19 khiến người dân mong mỏi. Dự kiến lượng khách đến có thể tăng hơn nhiều so với các năm trước.

Định hướng của tương lai

Người dân từ khắp nơi tìm đến với 2 di tích Vàm Nhựt Tảo và Xóm Nghề ngày một nhiều hơn nên việc mở rộng, phát triển hoạt động du lịch tại các địa điểm trên được các địa phương hết sức quan tâm nhằm có thể tiếp đón du khách đến tham quan, tìm hiểu và tưởng nhớ anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Theo Quyền Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung, huyện đã có kế hoạch đầu tư thêm một số hạng mục nhằm giúp KDT Vàm Nhựt Tảo có thể phát triển du lịch. Cụ thể là mô hình chiến hạm Hy Vọng với kích cỡ như thật và cầu phà để phát triển du lịch đường sông. Ông Trịnh Phước Trung cho biết: “Mô hình tàu Hy Vọng đang chìm trên sông Vàm Cỏ với kinh phí dự kiến trên 3 tỉ đồng sẽ là địa điểm tham quan thú vị cho du khách. Ngoài ra, UBND huyện cũng dự kiến xây dựng cầu phà để các đoàn khách di chuyển bằng đường sông có thể ghé vào KDT một cách thuận lợi. Hiện tại, các đoàn vẫn phải ghé tạm ở cầu phà khác bên ngoài KDT”.

Văn bia nhắc nhở chiến công của Nguyễn Trung Trực tại di tích Vàm Nhựt Tảo

KDT Vàm Nhựt Tảo nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông được xác định là một điểm đến ý nghĩa trên tour du lịch đường sông. Kết hợp với một số điểm đến khác trong huyện, Tân Trụ đang kỳ vọng có thể kết nối, phát triển du lịch thời gian tới, bắt đầu từ điểm đến KDT Vàm Nhựt Tảo. Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, UBND huyện Tân Trụ chủ động kết nối, thông tin đến các đơn vị lữ hành về thời gian tổ chức lễ hội với mong muốn sẽ có những đoàn khách ghé thăm di tích vào ngày lễ hội.

Cũng có định hướng phát triển du lịch tại di tích Xóm Nghề, UBND huyện Bến Lức đã triển khai vận động xã hội hóa để xây dựng KDT Xóm Nghề. Theo dự kiến, KDT mới sẽ có diện tích khoảng 2ha, với nhiều công trình: Nhà trưng bày, khu nhà tái hiện lịch sử, sân tập võ, sân trưng bày vũ khí, bến thuyền,... với tổng kinh phí xây dựng là 60 tỉ đồng.

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bến Lức - Trần Ngọc Ẩn, dự kiến KDT vừa là địa điểm tưởng nhớ anh hùng Nguyễn Trung Trực, vừa là điểm vui chơi, giải trí cho người dân. Đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sắp hoàn tất. Công trình nhận được sự đồng thuận và ủng hộ rất lớn từ phía người dân. Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 1, xã Thạnh Đức - Nguyễn Văn Đậm cho biết: “Từ khi có thông tin về việc mở rộng xây dựng KDT lịch sử Xóm Nghề, bà con ở đây mừng lắm! Đó là nguyện vọng của bà con từ nhiều năm nay nên khi có chủ trương là bà con sẵn sàng ủng hộ. Từ năm nay, huyện đứng ra tổ chức Lễ kỷ niệm ngày cụ Nguyễn hy sinh nên chắc chắn sẽ chu đáo và có quy mô lớn hơn, người dân sẽ biết đến nhiều hơn”.

Nguyễn Trung Trực, vị anh hùng đã trở thành biểu tượng cho tinh thần kiên trung, bất khuất và tấm lòng yêu nước của người dân Nam bộ. Với những nỗ lực của chính quyền các địa phương, đặc biệt là tấm lòng của người dân, những câu chuyện về cụ Nguyễn sẽ luôn được lưu truyền và sáng mãi với đời sau./.

Tôi là người An Giang nhưng năm nào lễ cúng cụ Nguyễn ở Long An tôi cũng tới. Qua những gì lịch sử kể lại, tôi biết về những chiến công, tấm lòng yêu nước của cụ. Cụ đã hy sinh vì nước, vì dân thì người dân đến viếng, thắp hương cho cụ để tỏ lòng biết ơn là chuyện nên làm. Năm nào cũng vậy, tôi thấy trong lòng mình có sự thôi thúc, nên dù đường xa tôi cũng đến viếng cụ”.

Bà Nguyễn Thị Phương, ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang

Năm nào ở Vàm Nhựt Tảo có lễ, đoàn của chúng tôi cũng từ Lai Vung lên để phục vụ nước uống cho khách viếng thăm. Chúng tôi phục vụ lễ cúng cụ từ Kiên Giang đến Long An. Tôi ở Đồng Tháp nhưng cũng biết về cụ Nguyễn Trung Trực. Cụ đã đốt tàu Pháp, hiên ngang, không sợ hãi trước kẻ thù, hết lòng thương người dân. Chúng tôi đến đây phục vụ nước miễn phí cho bà con tới viếng như góp một chút tấm lòng cho lễ cúng cụ”.

Ông Đinh Văn Chón (70 tuổi), ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp

Vừa tan học là con và các bạn xuống di tích Vàm Nhựt Tảo luôn. Từ ngày bắt đầu có lễ hội là ngày nào con và các bạn cũng tới đây chơi hết vì không khí lễ hội rất vui và vì con rất ngưỡng mộ anh hùng Nguyễn Trung Trực. Cụ là vị anh hùng của dân tộc, đã đốt được tàu Pháp tại đây, là tấm gương về tinh thần yêu nước. Con thích lắm nên muốn được tới để xem không khí lễ hội và để cùng mọi người tưởng nhớ về cụ. Con cảm thấy rất tự hào về quê hương mình!”.

Nguyễn Trần Phương Vy - học sinh Trường THCS Nguyễn Thành Nam, huyện Tân Trụ

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết