Tiếng Việt | English

28/05/2018 - 20:10

VASEP khuyến cáo người nuôi tôm không nên “treo ao”

Theo VASEP, để giữ vững nguồn cung và thích ứng với thị trường, người nuôi không nên bỏ ao, bình tĩnh thả nuôi với mật độ thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi, chờ đến khi giá tôm hồi phục.

Thu hoạch tôm càng xanh ở xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Trước tình hình giá tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm sâu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đây chỉ là đợt giảm giá mang tính thời điểm và theo xu hướng giảm chung của thế giới.

Để giữ vững nguồn cung và thích ứng với thị trường, người nuôi không nên bỏ ao, bình tĩnh thả nuôi với mật độ thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi, chờ đến khi giá tôm hồi phục.

Theo VASEP và các doanh nghiệp, giá tôm nguyên liệu giảm là xu hướng chung của thế giới, không riêng gì Việt Nam.

Sản lượng tôm của các nước sản xuất chính trên thế giới được dự báo có thể đạt sản lượng 3,5 triệu tấn trong năm 2018, lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Sản lượng tôm nuôi thế giới tăng là do sản lượng của nhiều nguồn cung lớn dự kiến tăng như Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia… khi sản lượng của các nước đồng loạt tăng, nhà nhập khẩu muốn ép giá và chờ giá giảm.

Trong bối cảnh này, VASEP cho rằng, người nuôi nên bình tĩnh, theo dõi tình hình và theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Một số tổ chức, như Hiệp hội tôm Mỹ Thanh Sóc Trăng đã động viên người nuôi bình tĩnh thả nuôi mật độ thưa hơn dự kiến để giảm thiểu rủi ro, thu hoạch tôm cỡ lớn hơn. Đây được cho là giải pháp dung hòa và đúng đắn tại thời điểm này, bởi nếu dừng việc thả nuôi, chi phí cải tạo ao đã thực hiện bị lãng phí và duy trì sinh kế.

VASEP cũng cho rằng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần tập trung vào chất lượng để bán tôm chất lượng cao với giá cao. Đồng thời, tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng mà các nước xuất khẩu tôm lớn như Ấn Độ chưa có thế mạnh xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp.

Để vượt qua được giai đoạn khó khăn khi giá tôm giảm này cần phải có sự đồng lòng của cả hệ thống. Trong đó, tập trung vào các giải pháp thả nuôi giảm giá thành như khống chế sự tăng giá không rõ ràng về con tôm giống, thức ăn; được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tốt hơn…

Về lâu dài, việc xây dựng thương hiệu con tôm Việt có truy xuất nguồn gốc, tôm sạch, ao nuôi có chứng nhận đạt chuẩn nuôi… là giải pháp ngành tôm cần hướng đến để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo nhiều chuyên gia, sau khi giá tôm giảm mạnh, người nuôi tại Thái Lan, Ấn Độ đã bắt đầu giảm thả nuôi, dự báo nguồn cung tôm thế giới sẽ giảm.

Sang quý 3 tới, các nhà máy trong nước tăng cường mua nguyên liệu cùng với nhu cầu “ấm lên” từ các thị trường nhập khẩu, giá tôm sẽ bắt đầu tăng lên.

Nhu cầu tiêu thụ tôm của Mỹ được dự báo vẫn tốt với niềm tin tiêu dùng cao và triển vọng kinh tế tích cực. Nhập khẩu tôm của các thị trường nhập khẩu chính cũng được dự báo sẽ tăng trong cuối quý 2 này hoặc đầu quý 3 tới.

Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm của cả nước tăng 17% đạt gần 1 tỷ USD; trong đó, tôm chân trắng vẫn tăng cao 29% đạt 675 triệu USD, chiếm 68%, tôm sú tiếp tục giảm 11% đạt 219 triệu USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm trong tháng Tư vừa qua chỉ còn tăng gần 3% do giảm mạnh sang thị trường Mỹ và Trung Quốc./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết