Tiếng Việt | English

31/03/2017 - 21:34

Về Hậu Giang thăm Lung Ngọc Hoàng

Miền Tây Nam bộ hấp dẫn du khách bởi sự yên bình, trữ tình với những cảnh đẹp, sông nước, hoang sơ của 13 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.


Du khách có thể đi thuyền vào lung dọc theo các tuyến kênh

Mỗi vùng, miền trên đất nước Việt Nam đều có nét đặc trưng riêng. Nếu như miền Bắc với những khu di tích lịch sử của vùng đất cố đô ngàn năm văn hiến; miền Trung được biết đến với những bãi biển thật hiền hòa; Tây Nguyên được nhắc nhiều về cái nắng, cái gió và cả không khí lạnh của xứ sở sương mù thì miền Tây Nam bộ hấp dẫn du khách bởi sự yên bình, trữ tình với những cảnh đẹp, sông nước, hoang sơ của 13 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trong chuyến công tác tại tỉnh vùng sông nước Hậu Giang, chúng tôi được giới thiệu về Khu Bảo tồn (KBT) thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Đây là một trong những KBT đa dạng sinh học nổi tiếng của khu vực ĐBSCL, được mệnh danh là “lá phổi xanh” của miền Tây Nam bộ và là địa điểm lý tưởng cho những ai thích du lịch sinh thái.

Con đường bêtông vào lung dài khoảng 5km

KBT thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cách thành phố Vị Thanh khoảng 40km.

Về Lung Ngọc Hoàng, chúng tôi có dịp đi xuồng len lỏi trong rừng tràm rợp mát, xem tận mắt những gốc tràm to lớn, xòe bộ rễ như chiếc đầm độc đáo,... và ngắm những bầy le le, cò trắng tung cánh chao liệng giữa bốn bề thiên nhiên xanh mướt. Thêm phần thú vị là có thể đi câu và được hướng dẫn kéo vó, đặt lờ, lọp bắt cá,... đúng chất nông dân.

Sau đó, với các sản vật quanh Lung Ngọc Hoàng và với tài chế biến của “thổ địa” xứ này, chúng tôi lại được thưởng thức thành quả đánh bắt với đủ thứ món ngon hấp dẫn, đậm chất dân dã.

Lung Ngọc Hoàng là vùng đất ngập nước mang đầy vẻ hoang sơ, huyền bí, tồn tại từ rất lâu đời. Ngày xưa, nơi đây được mệnh danh là “vùng đất chết”, nước ngập quanh năm, cỏ dại mọc cao ngút ngàn. Đi lạc vào vùng này, khó có thể tìm được lối ra, do địa hình mênh mông và dây leo chằng chịt, hoang sơ, vắng vẻ.

Vì thế, cư dân quanh vùng gọi vùng đất ngập nước này là “Lung Ông Trời” để thể hiện sự ngưỡng mộ của người dân trước sự bao la, rộng lớn của thiên nhiên.

Theo tiếng địa phương, “lung” là vùng đất trũng lầy hoang dã. Lâu ngày, hai từ “Ông Trời” được đổi thành “Ngọc Hoàng” cho thêm phần tôn nghiêm. Thế là cái tên “Lung Ngọc Hoàng” xuất hiện!

Cây cầu bắc ngang kênh trong lung

Đường vào Lung Ngọc Hoàng rợp bóng cây, chỉ có một vài ngôi nhà đơn sơ. Trên đường vào lung, chúng tôi được anh hướng dẫn của KBT kể, nơi đây ngày xưa có rất nhiều lau, sậy, khó đi nhưng nay, đường được tráng nhựa nên việc đi lại rất dễ dàng. Xung quanh bao bọc bởi rừng tràm càng làm cho không gian nơi đây thêm thoáng mát, xanh tươi. KBT thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng rộng trên 2.800ha.

Với hệ thống lung trũng phong phú và hoang sơ kết hợp rừng tràm được bảo vệ nghiêm ngặt, Lung Ngọc Hoàng là nơi thích hợp cho các loài lưỡng cư, cá, tôm về sinh sống nhiều vô kể và là nơi quy tụ nhiều loài động vật quý hiếm (có tất cả 206 loài, trong đó có loài đang nằm trong Sách Đỏ Việt Nam).

Tại lung, hiện tồn tại trên 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ; trong số này, có 56 loài mới phát hiện. Với số loài thực vật phong phú như vậy, Lung Ngọc Hoàng thích hợp là nơi nghiên cứu khoa học, bảo vệ các thảm thực vật quý, đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tái tạo các mảng sinh cảnh trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại của khu vực ĐBSCL.

Khi chiếc vỏ lãi chạy dọc theo các tuyến kênh tiến vào sâu vùng đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng, chúng tôi mới cảm nhận được sự hùng vĩ của nó. Bây giờ, tôi mới biết vì sao nơi đây từng được mệnh danh là “rốn cá” của khu vực phía Tây sông Hậu và một “vựa rắn” của miền Tây.

Bởi, đây là một vùng đầm lầy, nê địa, ngập nước quanh năm, chỗ nào cũng toàn bưng trấp, năn, lác và lau, sậy dày đặc nên các loài lưỡng cư và cá, tôm quần tụ về đây vô số kể.

Có thể nói, nơi đây là một vùng du lịch sinh thái lý tưởng với không gian êm ả và thanh bình sẽ mang đến cho du khách những niềm vui trọn vẹn.

Đầm sen

Theo Giám đốc KBT thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng - Lư Xuân Hội, với điều kiện tự nhiên đặc hữu và giàu có, KBT thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng trở thành điểm đến lý tưởng cho chuyến du lịch sinh thái.

Hiện nay, nơi đây được đầu tư các hạng mục: Đường giao thông, cầu, nhà nghỉ, điểm câu cá, chỗ nuôi chim, thú, nhà ăn,...

Tuy nhiên, cái tên KBT thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có lẽ chưa phải là thân thuộc, bởi dự án khai thác du lịch sinh thái ở đây vẫn còn là một cánh cửa mở. Hiện nay, nơi đây chủ yếu bảo tồn, bảo vệ và phục vụ nghiên cứu khoa học, thỉnh thoảng mới có vài đoàn khách đến thăm./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết