"... Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón Giêng hai, chim én gặp mùa
Như trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng, bỗng gặp cánh tay đưa...".
Tôi muốn mượn lời thơ của cố thi sĩ Chế Lan Viên trong thi phẩm Tiếng hát con tàu để nói hộ mình cảm xúc khi về lại chiến trường xưa, về lại với người dân Đức Hòa (tỉnh Long An) - những người đã cưu mang, nuôi dưỡng chúng tôi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và để cùng dâng hương đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại tại nghĩa trang liệt sĩ nơi đây sau bao ngày xa cách.
Đã hơn 5 mùa xuân, kể từ năm 2018, tôi chưa có dịp về lại mảnh đất năm xưa - nơi ngập tràn bom đạn Mỹ, không một thời khắc nào ngưng tiếng súng; thương vong, chết chóc thường nhật như “cơm bữa” với những người chiến sĩ chúng tôi.
Nhớ, mong và khát khao trở về, bởi tôi cảm thấy như mình vẫn đang mắc nợ đồng đội cùng cô bác và vùng đất nơi đây. Dẫu biết rằng mình chẳng hề có lỗi.
Một sáng cuối tháng 4/2023, trên chiếc xe ôtô 7 chỗ của Phan Văn Quê (giáo viên Trường THPT An Ninh đã nghỉ hưu), từ xã An Ninh Đông lên TP.HCM đón về mà lòng tôi bồi hồi với bao cảm xúc đan xen. Phan Văn Quê là con của liệt sĩ Phan Văn Tải - bộ đội hy sinh năm 1968 trong một trận đánh lính Mỹ càn quét. Mẹ của Quê là bà Huỳnh Thị Dạ - cơ sở bí mật cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tôi được gặp lại em Trong (vợ của Quê) cũng từng là giáo viên của Trường THPT An Ninh. Em mừng vui ra mặt khi gặp lại “anh Hai" sau những năm dài xa cách.
Sau ngày giải phóng, Quê và Trong là học sinh cùng lớp của Trường THPT An Ninh. Sau đó, họ vào Đại học Sư phạm. Ra trường, họ cùng về lại ngôi trường cũ làm giáo viên Ngữ văn rồi nên duyên chồng vợ. Nay cả 2 đều nghỉ hưu. Sự ân cần và chu đáo của vợ chồng Quê khiến bao mỏi mệt của tôi trên đường nhanh chóng tan biến.
16 năm trước, tôi có chuyến về thăm chiến trường xưa lần đầu tiên là vào dịp Trường THPT An Ninh mời tôi về giao lưu nhân dịp cuốn Ký ức chiến tranh được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành vào tháng 4/2006, đã đến tay độc giả cả nước, trong đó có thầy, trò ngôi trường này.
Thắp nén hương trước di ảnh song thân Quê mà lòng tôi bùi ngùi nhớ tiếc 2 người đồng chí đã cống hiến công lao và máu xương cho Tổ quốc; rồi nối tiếp là những câu chuyện đan xen không dứt về kỷ niệm của vợ chồng Quê với tôi cách đây 16 năm và lần gần đây vào năm 2018.
Tác giả Vương Khả Sơn (phải) vui mừng gặp lại má Hai Dỡn sau bao nhiêu năm xa cách
Thật bất ngờ, lần này hay tin "Hai Sơn Hà Tĩnh" lại về An Hiệp, buổi chiều, má Hai Dỡn (Võ Thị Dỡn - vợ liệt sĩ) ở tuổi 82 đã vội chạy xe máy đến thăm tôi. Má mừng vui khôn tả vì 16 năm trước, trong lần tôi về đầu tiên, má là một trong những nhân chứng cùng mẹ của Quê đã kể lại toàn bộ diễn biến sau trận đánh không thành của Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 vào ngày 11/5/1972, giúp tôi hoàn thành bài viết (từng được đăng trên Báo Long An), cùng với sự quyết tâm bảo vệ sự thật lịch sử của người dân nơi đây đã xóa đi dòng chữ "Địch chôn chung vào 1 hố" trên tấm bia tưởng niệm 62 liệt sĩ (ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông) mà trước đó, những người xây dựng bia đã ghi không chính xác.
Bia tưởng niệm 62 liệt sĩ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 tại ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa. Ảnh minh họa: Internet
Ngoài má Huỳnh Thị Dạ (má của Quê) và má Hai Dỡn thì còn có nhiều người khác là những người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh với địch để được chôn cất 62 đồng đội tôi, trong đó có má Tư Cào (Võ Thị Cào) - người từng đối đầu xe tăng Mỹ năm 1966 và dang 2 tay chặn không cho xe tăng đi vào ruộng dưa và lúa, buộc xe tăng phải rẽ lối khác, đi vào bãi mìn của du kích, nổ tung. Họa sĩ Lê Lam đã vẽ bức tranh có tiêu đề Dừng lại về người phụ nữ Long An anh hùng này. Hiện bức tranh Dừng lại về bà Võ Thị Cào còn được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tại Hà Nội.
Những người tham gia chôn cất liệt sĩ còn có ông Trần Văn Rịa, bà Huỳnh Thị Gan, bà Trần Thị Săng (Chín Săng), ông Võ Văn Thưởng, ông Nguyễn Văn Tờ và con trai ông là Nguyễn Văn Giấy - người dùng xe lôi chạy qua Trảng Bàng (Tây Ninh) mua xăng để hỏa thiêu, chôn cất thi thể 62 liệt sĩ, ông Nguyễn Văn Chóng, bà Huỳnh Thị Đẩu (chị của Quê - con má Huỳnh Thị Dạ) và ông Hồ Khắc Phục - cháu ông Nguyễn Văn Tờ. Chính họ là những người có công đầu cùng với người dân An Hiệp đấu tranh với tên xã trưởng và đồn trưởng ác ôn thời đó để được chôn cất các anh. Sau trận đánh không thành đó, kẻ địch tàn bạo đã cấm không cho chôn cất các anh. Chúng phơi thi thể các anh trên cánh đồng An Hiệp hơn 2 tuần đến phân hủy. Người dân đã đấu tranh khôn khéo nhưng cương quyết với kẻ địch, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng bí mật. Cuối cùng, chúng đã phải nhượng bộ để người dân được chôn cất các anh.
Sau chiến tranh, 62 liệt sĩ đã được đưa vào an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Hòa. Má Dỡn ngậm ngùi cho biết, trong số nhân chứng từng gặp tôi năm 2007, nay chỉ còn má và má Chín Săng cùng ông Hồ Khắc Phục. Nhưng má Chín Săng đã bị lẫn và già yếu, không thể đi lại được nữa. Những nhân chứng năm đó, nay hầu hết đã qua đời, để lại một khoảng trống tiếc thương không thể lấp đầy. Má Hai Dỡn, vợ chồng Quê và tôi cùng cúi đầu ngậm ngùi tưởng nhớ người đã khuất.../.
(còn tiếp)
Vương Khả Sơn
Bài 2: Lộc Giang yêu thương