Tiếng Việt | English

10/03/2017 - 10:37

Về miền Tây thưởng thức món chuột đồng

Nếu có dịp về miền Tây vào mùa nước nổi, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc trưng vùng sông nước. Trong đó, không thể không kể đến chuột đồng hay còn gọi là “sóc tràm” hoặc "heo hang" - món ăn độc đáo từ cái tên cho đến cách chế biến.

Hàng năm, khi mùa nước nổi đổ về, những hang chuột dọc theo bờ ruộng bị chìm sâu trong nước cũng là lúc chuột đồng leo lên làm ổ trên cây tràm. Có lẽ vì thế mà mỗi khi nhắc đến chuột đồng, người dân nơi đây thường gắn với mỹ từ “sóc tràm”.

Vào mùa này, chuột có mặt ở hầu hết cánh đồng. Đây là thời điểm thích hợp nhất để bắt chuột. Lúc này, chuột đồng mập mạp, lông bóng mượt, thịt rất ngọt vì nguồn thức ăn chủ yếu của chúng là lúa, ốc, mầm cây non,... Thịt chuột vừa ngon lại vừa rẻ nên được nhiều người ưa chuộng.

Từ chuột đồng, người dân miền Tây có thể chế biến thành những món ăn hấp dẫn: Chuột nướng muối ớt, quay lu, rô ti nước dừa,... Không chỉ xuất hiện trong các bữa cơm gia đình, chuột đồng còn là mồi nhậu “bén” của dân miệt vườn.


Chuột nướng muối ớt.   Ảnh sưu tầm

Món đơn giản và dễ chế biến nhất là chuột đồng nướng muối ớt. Chuột sau khi làm thịt, rửa sạch với muối và gừng để khử mùi tanh. Chờ ráo nước thì ướp đều gia vị: Sả, ớt, tỏi, muối, hạt nêm, đường để khoảng 30 phút cho thấm. Sau đó, nướng chuột với lửa than cho đến khi thịt vàng đều hai mặt và dậy mùi thơm.

Chuột nướng xong, xé ra bên trong có màu trắng, mềm và ngọt không thua thịt gà. Tùy theo cách thưởng thức của mỗi người mà thịt chuột có thể cắt ra hoặc để nguyên con ăn kèm rau răm hoặc dưa leo.

Cầu kỳ hơn một chút là món chuột đồng rô ti nước dừa. Đây là món ăn được nhiều người dân vùng sông nước ưa chuộng.


Chuột rô ti nước dừa.    Ảnh sưu tầm

Cũng như rô ti các loại thịt khác, chuột đồng sau khi lột da, cắt bỏ tứ chi, nội tạng, rửa lại với nước sạch; chặt thành 3-4 khúc tùy vào con to hay nhỏ, ướp với ngũ vị hương, tỏi băm, ớt băm, nước mắm, đường, muối, bột ngọt,... sao cho vừa ăn. Bắc chảo lên bếp, phi tỏi thật thơm rồi cho thịt chuột ướp vào xào cho săn.

Tiếp theo, cho nước dừa vào xăm xắp, để lửa liu riu đến khi nước dừa sánh lại và thịt chuyển sang màu vàng óng ánh. Vào những ngày mưa, ăn thịt chuột rô ti nước dừa với cơm nóng hổi thì không còn gì bằng! Vị béo của thịt chuột hòa quyện với vị ngọt thanh đậm đà của nước dừa tạo nên một sức hút không thể chối từ.

Một trong những món ăn độc đáo không thể bỏ lỡ là chuột quay lu. Để có món chuột quay lu ngon, trước tiên phải chọn loại chuột cống nhum. Đây là loại chuột sống trên các gò đất giữa đồng, béo múp, lông có màu đen xám, thịt ăn ngon mà không tanh.


Chuột quay lu.    Ảnh sưu tầm

Cách sơ chế chuột quay lu khác với các món khác là không bỏ phần da mà vẫn giữ nguyên. Chuột sau khi làm lông sạch sẽ, ướp với ngũ vị hương, muối, đường, bột ngọt đem gài vào móc sắt và treo ở giữa lu.

Lu dùng để quay chuột là những chiếc khạp da bò (thường dùng để chứa nước), người ta khoét một lỗ lớn dưới đáy lu thông ra ngoài nền đất để bỏ than đước vào. Đốt lửa cháy khoảng 30 phút thì lấy chuột ra, phết lên da một lớp mật ong nguyên chất để dậy hương thơm và thịt có màu đẹp. Đậy nắp lu lại, quay đến khi thịt chín đều, có mùi thơm, da giòn là được. Chuột quay chấm muối tiêu chanh, ăn kèm với rau răm, chuối chát, dưa leo, cà chua mới ngon.

Với người dân miền sông nước thì chuột đồng chính là sản vật được thiên nhiên ban tặng. Tuy không phải là cao lương mỹ vị nhưng những món ăn được chế biến từ chuột đồng làm say lòng biết bao thực khách. Nếu có dịp về miền Tây, đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức những món ngon độc đáo này./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết