Trước tình hình đó, nhiều mô hình được triển khai thực hiện nhằm đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.
Làm tốt công tác tuyên truyền người dân khu vực biên giới về bảo vệ đường biên, cột mốcNhiều mô hình phát huy hiệu quả
Ra đời từ năm 2012, mô hình Tiếng kẻng vùng biên góp phần đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm và cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an ninh biên giới. Qua thời gian thực hiện, người dân phát huy tinh thần tự giác, đoàn kết, trách nhiệm. Các lực lượng trên biên giới phối hợp tốt, tạo sự đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Từ khi triển khai mô hình, tình hình tội phạm giảm hẳn, cướp có vũ trang không còn diễn ra.
“Thực hiện mô hình, xã trang bị cho mỗi hộ 1 cây kẻng treo ở nơi thuận tiện để khi có tình huống xảy ra, người dân thực hiện hiệu lệnh báo động, nhanh chóng hỗ trợ, thông báo lẫn nhau và báo cáo địa phương, các lực lượng chức năng kịp thời xử lý. Người dân được hướng dẫn nội dung, cách thức sử dụng và nhận biết tín hiệu kẻng. Nhờ vậy, tình hình ANTT trong ấp được bảo đảm, tệ nạn xã hội giảm hẳn, người dân phấn khởi, yên tâm lao động, sản xuất” - ông Nguyễn Minh Giang, ngụ ấp Thái Quang, xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng nói.
Qua 4 năm thực hiện mô hình kết nghĩa xã - xã 2 bên biên giới giữa chính quyền 2 xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An (Việt Nam) với xã Chàm, huyện KongPong TroBek, tỉnh Prey Veng (Campuchia), đời sống người dân 2 bên biên giới từng bước ổn định, phát triển, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hai bên triển khai kế hoạch, cụ thể hóa nội dung cam kết; duy trì giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trên một số lĩnh vực nhằm phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân. Đồng thời, 2 bên còn làm tốt công tác đối ngoại, trao đổi thông tin về tình hình biên giới, góp phần duy trì, phát triển mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân 2 nước.
Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng Quy chế Biên giới
Ngoài ra, chính quyền địa phương, đoàn thể, ngành chức năng còn làm tốt công tác tuyên truyền người dân khu vực biên giới về bảo vệ đường biên, cột mốc, từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân khu vực được nâng lên. Ông Lê Hồng Thắng, ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, cho biết: “Tăng cường mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân 2 xã là cơ sở thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng cường quan hệ gắn bó lâu đời giữa người dân 2 bên biên giới để cùng giữ gìn và bảo vệ đường biên, cột mốc, không tham gia, không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, giúp nhau phát triển kinh tế nhằm xây dựng biên giới hòa bình, ổn định”.
Còn mô hình Ánh sáng ANTT góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ ANTT trên tuyến biên giới. Tại xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, mô hình này được triển khai từ năm 2016, có 5 ấp thực hiện, gắn đèn chiếu sáng vào ban đêm với chiều dài 24km, tổng kinh phí 500 triệu đồng, trong đó, người dân đóng góp 200 triệu đồng. Theo ông Lê Văn Thành, ngụ ấp Trung Liêm, xã Thái Bình Trung, từ khi mô hình được triển khai, người dân đồng tình hưởng ứng, góp tiền mua trụ, đèn và hỗ trợ 100% tiền điện sử dụng hàng tháng. Đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm ANTT, trật tự, an toàn giao thông, hạn chế tình trạng trộm cắp, tụ tập đêm khuya uống rượu, gây rối;...
Mô hình Ánh sáng an ninh, trật tự góp phần giảm tệ nạn xã hội
Nhân rộng cách làm hay
Thiếu tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Trăng, cho biết: Từ khi thực hiện mô hình Tiếng kẻng vùng biên kết hợp nhiều mô hình khác, ý thức tự phòng, tự bảo vệ tài sản của người dân được nâng lên, xuất hiện nhiều gương quần chúng phát hiện, tố giác và tham gia truy bắt tội phạm. Người dân cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng làm rõ, xử lý nhiều vụ, việc liên quan đến ANTT.
Chủ tịch UBND xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Văn Họ nhận định: “Thời gian qua, ý thức của người dân về chủ quyền biên giới được nâng lên. Các phong trào, cuộc vận động bảo vệ đường biên, cột mốc luôn được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Chính vì vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương luôn được giữ vững, người dân yên tâm sản xuất, gắn bó với biên giới. Mô hình Ánh sáng ANTT bước đầu mang lại hiệu quả, tệ nạn xã hội giảm hẳn, thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình này đến các ấp còn lại trong xã”.
Khám bệnh cho người dân biên giớiChủ tịch UBND xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng - Nguyễn Vũ Linh cho rằng: Qua thời gian kết nghĩa, chúng tôi đánh giá đây là mô hình rất tốt, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân 2 bên biên giới. Thông qua việc kết nghĩa, người dân giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Thời gian tới, 2 bên tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng hiệp định về Quy chế Biên giới được ký kết giữa Việt Nam - Campuchia. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; giúp nhau phòng, chống dịch bệnh ở người, vật nuôi, cây trồng. Phối hợp tự quản đường biên, cột mốc, phòng, chống các loại tội phạm và tạo điều kiện cho người dân 2 xã kết nghĩa được qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa,.../.
Trung Kiên