Trung úy Dương Văn Tặng gia tăng sản xuất tại chốt biên phòng
Đáp lời Tổ quốc
Đến nay, Trung uý Dương Văn Tặng (SN 1992) là BĐBP tỉnh Ninh Bình, tình nguyện tăng cường tại Đồn BP Mỹ Thạnh Tây (xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ), tăng cường vào Long An được hơn 2 tháng. Là người con của gia đình gánh trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, nhà cửa, anh đã đáp lời Tổ quốc, gác lại tình cảm riêng tư vào Nam tham gia phòng, chống dịch. Lần đầu tiên xa quê, sống ở vùng đất khác, anh không khỏi bỡ ngỡ, nhớ nhà. Được biết, anh Tặng vừa lập gia đình cách đây không lâu thì đã xung phong lên đường chống dịch. Người vợ trẻ ở quê nhà đang mang thai đứa con đầu lòng.
Khi nhắc tới điều này, anh hướng ánh nhìn ra phía cánh đồng xa: “Kết hôn không lâu, tôi đã đi công tác, còn chưa biết khi nào hết dịch để về. Tôi biết vợ rất thiệt thòi khi một mình phải trải qua giai đoạn khó khăn. Lúc vợ sinh, tôi sẽ không được ở bên cô ấy, tôi nghĩ cô ấy rất buồn! Khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi tự hứa với lòng sẽ bù đắp thật đầy đủ cho mẹ con cô ấy. Tôi thật sự cảm thấy may mắn khi gia đình và vợ tôi luôn hết lòng ủng hộ và động viên tôi. Thương gia đình, thương vợ, tôi quyết tâm sát cánh cùng đồng đội giữ yên biên giới; phòng, chống dịch để con mình sau này có cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Những lúc nhớ gia đình, tôi chỉ có thể gọi điện thoại trò chuyện. Nhưng ở biên giới, sóng điện thoại cũng chập chờn, nhiều lúc không gọi được”.
Ở biên giới, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Những điều kiện thiết yếu ở nội địa: Điện, nước, sóng điện thoại, wifi,… thì ở biên cương lại phải chắt chiu từng chút một. Trung úy Phạm Văn Tới (SN 1991) được phân công nhiệm vụ tăng cường cho điểm chốt chốt kênh G3, Đồn BP Mỹ Thạnh Tây, kể: “Mỗi lần muốn gọi điện thoại về cho gia đình, tôi phải cầm điện thoại di chuyển nhiều chỗ, đến chỗ nào thấy có sóng thì đứng yên đó, di chuyển vị trí khác là mất sóng ngay!”.
Anh Tới là cha của 2 đứa trẻ đang tuổi học ăn, học nói. Mỗi ngày, anh đều dành chút thời gian gọi về nhà nghe tiếng con bi bô. Dẫu biết xa là nhớ nhưng được chung vai, sát cánh cùng đồng đội làm nhiệm vụ với anh là sự tự hào. Anh Tới kể, ngày xưa, cha của anh cũng đi bộ đội; tiếp nối truyền thống gia đình, ngay từ khi còn nhỏ, anh đã mong mình trở thành người lính BP để canh giữ đất trời, bảo vệ biên cương.
Chính vì niềm tự hào đó, trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, anh Tới tình nguyện, xung phong cùng đồng đội vào Long An tăng cường phòng dịch, để cha mẹ già, vợ, con thơ ở lại quê nhà. Biết chắc rằng “cuộc chiến chống dịch” vẫn còn dài, các cán bộ, chiến sĩ BP nói chung và cán bộ, chiến sĩ tăng cường nói riêng luôn giữ vững ý chí quyết tâm, tinh thần lạc quan, vững vàng, kiên trì bám chốt, góp phần cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.
Trung úy Phạm Văn Tới đang thực hiện nhiệm vụ
Căng mình chốn biên cương
Hàng ngày, các anh cùng đồng đội chia ca trực, thay phiên nhau tổ chức tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại các chốt chính và chốt phụ, quản lý xe ra vào, kiểm soát không để người dân xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Ngoài ra, các anh cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP, lực lượng tại chỗ của địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát biên giới, kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở, kịp thời ngăn chặn tình trạng xâm nhập biên giới trái phép, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới.
Là cán bộ, chiến sĩ tăng cường từ miền Bắc nên sự thay đổi khí hậu, sự khác biệt về văn hóa, ẩm thực phần nào gây khó khăn cho các anh. Nói về điều này, anh Tặng chia sẻ: “Lúc mới vào nhận nhiệm vụ, mặc dù gặp nhiều khó khăn từ thời tiết, khí hậu khu vực biên giới khắc nghiệt và thay đổi bất thường; nơi ăn, ở, sinh hoạt,… nhưng được sự động viên, giúp đỡ thắm tình đồng chí, đồng đội, tôi đã hòa nhập rất nhanh, thích nghi, làm quen văn hóa, con người, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Không những thế, đặc điểm khu vực biên giới cộng thêm thời tiết bước sang mùa hè, nóng ẩm, mưa bão khiến các anh gặp không ít khó khăn, phải “căng quân” liên tục để bảo vệ tốt nhất đường biên, cột mốc. Mặc dù điều kiện sinh hoạt khó khăn nhưng các cán bộ, chiến sĩ BĐBP tại Long An và lực lượng tăng cường luôn động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, tuần tra, canh gác, các anh còn cùng đồng đội tại điểm chốt tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà để cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, các anh còn nuôi những chú chó để làm bạn cũng như giúp các anh cảnh giới, phát hiện người xâm nhập biên giới bất hợp pháp.
Hơn lúc nào hết, trách nhiệm đang đè nặng trên vai những chiến sĩ BĐBP. Chúng tôi thật sự cảm phục những hy sinh thầm lặng của họ nơi biên cương. Dù thời bình hay thời chiến, họ cũng đều có một mệnh lệnh từ trái tim, luôn sẵn sàng gác lại mọi việc của gia đình, ngày đêm chắc tay súng để bảo vệ quê hương, đất nước và vững vàng trên tuyến đầu chống dịch vì nhân dân, Tổ quốc.
Những bước chân không mỏi, những ánh mắt sáng ngời ý chí trong đêm tối và sự kiên cường, mạnh mẽ của người lính như tiếp thêm sức mạnh vào niềm tin chống dịch của cả dân tộc./.
Trà Long