Tiếng Việt | English

29/07/2019 - 03:50

Vì sao Microsoft 'ngó lơ' vi phạm bản quyền Windows và Office?

Nếu bạn tìm kiếm các phiên bản Microsoft Office giá rẻ trên Bing hay Google, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy hàng loạt trang web lậu rao bán công khai các phiên bản Office giá rẻ, bên cạnh các quảng cáo của Microsoft.

Microsoft đang ngó lơ các vi phạm bản quyền của người dùng. Ảnh: Shutterstock

Microsoft đang ngó lơ các vi phạm bản quyền của người dùng. Ảnh: Shutterstock

Mẫu số chung của các trang web này là họ đều chào bán Microsoft Office với giá rẻ một cách vô lý. Thậm chí, TechRadar có thể tìm thấy một phiên bản kích hoạt cho 5 thiết bị kèm gói 5 TB lưu trữ trên OneDrive với số tiền “bản quyền” chưa đầy 2 USD. Nếu so sánh với gói Office 365 Home rẻ nhất của Microsoft dành cho 6 người dùng kèm 1 TB dung lượng OneDrive hiện có giá 99,99 USD, rõ ràng mức giá “trọn đời” rẻ siêu tưởng kia khiến bạn dễ hoang mang.

Nếu đồng ý mua và thanh toán, bạn sẽ được cấp mật khẩu, tên đăng nhập và địa chỉ liên kết thông qua eBay. Qua đó, bạn có thể đăng nhập và tải xuống bản Office từ trang dành cho người dùng cuối của tài khoản Office 365 Education hợp lệ (Office 365 A1 Plus phiên bản dành cho sinh viên).

Theo TechRadar, Office không phải là sản phẩm duy nhất của Microsoft được chào bán giảm giá đáng ngạc nhiên. Bạn có thể mua khóa (key) Windows 10 Pro với giá tương tự, sau đó sẽ được cung cấp một liên kết Google Drive để tải xuống dưới định dạng ISO và thậm chí có thể liên hệ với người bán qua WhatsApp.

Trên eBay lúc này có hàng trăm tài khoản chào bán các key giá siêu rẻ của Microsoft Office và Windows 10. Rõ ràng đây là các tài khoản vi phạm bản quyền ở quy mô lớn khiến Microsoft thiệt hại hàng chục triệu USD và thậm chí là hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Quan điểm của Microsoft về thị trường đen này khá rõ ràng: Ngoại trừ các sản phẩm bán dưới dạng hộp kèm key (Product Key Cards) được phân phối qua các đại lý được cấp chứng thực Certificates of Authenticity (COA), thì Microsoft không hề bán sản phẩm độc lập dưới dạng các key lẻ. Do vậy, nếu bạn thấy một trang web chào bán các key lẻ thì đó có khả năng là các key lậu hoặc key giả và Microsoft không hề ủy quyền cho họ bán sản phẩm.
 

Các trang web chào bán key Windows lậu công khai tràn lan trên mạng. Ảnh chụp màn hình

Các trang web chào bán key Windows lậu công khai tràn lan trên mạng. Ảnh chụp màn hình

Đại diện Microsoft cho biết, “chúng tôi khuyến khích khách hàng mua Windows và Office 365 chính hãng từ Microsoft hoặc các đối tác đáng tin cậy của chúng tôi. Theo các chuyên gia trong ngành, việc sử dụng các sản phẩm lậu có thể dẫn tới nguy cơ bị đánh cắp thông tin và lừa đảo trực tuyến cao hơn”.

Quá nhẹ nhàng phải không? Đó là một tín hiệu cởi mở của Microsoft về hàng tỉ USD tiềm năng bị thị trường lậu chiếm đoạt với các phần mềm vi phạm bản quyền của họ. Điều gì đã khiến Microsoft thay đổi?

Triết lý kinh doanh mới

Microsoft có vẻ đã trưởng thành sau khi trải qua nhiều thăng trầm dưới thời cựu CEO Ballmer. Qua sự quản lý của CEO mới Satya Nadella, hãng đã lấy lại vị thế của họ sau một cuộc khủng hoảng ngắn và giờ đây Microsoft nổi lên với hình ảnh mới đầy sức sống. Việc tích hợp nhân Linux vào Windows 10, nhúng Android vào hay đẩy mạnh phần mềm của họ trên iOS và Android ở vài năm trước có thể bị coi là “dị giáo”, nhưng giờ đây nó đã và đang diễn ra tốt đẹp.

Dưới trướng Nadella, giá cổ phiếu công ty tăng từ 37,5 USD lên mức 138 USD, đưa Microsoft trở thành công ty có giá trị nghìn tỉ USD và quan trọng hơn họ không bị vướng vào các scandal về quyền riêng tư như bộ tứ GAFA (Google, Apple, Facebook và Amazon) đang dính phải.

Nhưng Microsoft vẫn đang giậm chân tại chỗ khi thất bại trong việc tìm ra giải pháp thay thế Android (của Google) và tăng gấp đôi thị phần ở mảng doanh nghiệp, lĩnh vực công. Họ nhận ra rằng họ khó có thể kiếm lời nhiều từ việc bán dữ liệu người dùng, nên dưới thời Nadella, Microsoft chuyển đổi thành một công ty dịch vụ.

Với việc kinh doanh và đám mây là ưu tiên trọng tâm, thì việc vi phạm phần mềm bản quyền ở cấp độ người dùng cuối trở nên ít quan trọng với họ. Bằng chứng là trên trang chủ của Microsoft, bạn rất hiếm khi tìm thấy các chủ đề liên quan tới “vi phạm bản quyền”, thay vào đó chỉ có một vài trang đề cập đến phần mềm giả mạo và đăng ký gian lận được đăng tải vào tháng 4.2018, đề cập đến hàng chục ngàn người báo cáo hành vi này cho hãng mỗi năm.

Các tài liệu chống vi phạm bản quyền quan trọng gần như không tìm thấy, Microsoft đã từ bỏ các sáng kiến như Play it Safe - một sáng kiến toàn cầu được đưa ra năm 2013 nhằm tăng cường nhận thức về vi phạm bản quyền và tội phạm sở hữu trí tuệ. Một vài nội dung khác được nêu trong blog Windows, nhưng không đáng kể. Liệu có phải do họ quá cẩu thả hay coi thường vi phạm bản quyền?

Khi phần mềm không còn là... phần mềm

Phần mềm tương lai sẽ bán theo dạng thuê bao. Ảnh: Zdnet

Phần mềm tương lai sẽ bán theo dạng thuê bao. Ảnh: Zdnet

Microsoft đã xây dựng thành công của họ dựa trên các dòng lệnh được lưu trữ nội bộ, nhưng họ đang xây dựng tương lai trên các dòng lệnh được bảo mật trong các trung tâm dữ liệu. Khái niệm phần mềm vi phạm bản quyền dường như đang trở nên lỗi thời, trong một thế giới luôn kết nối internet. Microsoft không đơn độc trong cuộc cách mạng phần mềm dưới dạng dịch vụ thuê bao, ngoài họ thì Adobe, Bitdefender… và hàng tá nhà phát triển đang triển khai theo hướng này.

Các giấy phép phần mềm vĩnh viễn có thể sẽ trở nên lỗi thời trong thập kỷ tới và có lẽ không có minh chứng nào mạnh bằng việc một lượng lớn tìm kiếm các từ khóa Crack đã biến mất, nếu so với lượng từ khóa này được tìm vào năm 2014.

Dù vẫn còn nhiều lỗ hổng lớn, đặc biệt là các phần mềm của Microsoft, các giấy phép Windows 10 về cơ bản là một chuỗi các ký tự và số (hay gọi là key), được phát hành rộng rãi qua các doanh nghiệp và hội/nhóm - thậm chí nhiều trong số đó đã ngừng hoạt động, một số khác là qua các kênh như MSDN, OEM, Volume Key…

Tất cả họ sớm hay muộn cũng sẽ phải liên hệ với các máy chủ của Microsoft để kích hoạt và nhận các bản vá bảo mật. Điều tương tự cũng xảy ra với Microsoft Office 365, phần mềm được bán thường là các bản Office miễn phí dành cho giáo dục ở Anh và Mỹ hoặc các nước ở thế giới thứ ba. Các nhà cung cấp này lén tuồn các key bản quyền ra ngoài, bỏ qua các điều khoản cam kết của họ với Microsoft.

Điều này khiến nhiều người dùng nhầm lẫn, cho rằng đã mua key “có bản quyền” nên nghĩ rằng bản Windows của họ đã kích hoạt là hợp pháp.

Vậy tại sao Microsoft không tìm các khóa hay block hàng loạt các bản “lậu” như trước?

Một cách giải thích ngắn gọn có thể là do… Google, với các lựa chọn mở như ChromeOS và G Suite, đây là mối đe dọa nhỏ nhưng ngày càng phình to đối với mảng giao thoa giữa người dùng cuối và doanh nghiệp. Nên thông qua việc lơ đi các vi phạm này, họ gián tiếp ngăn chặn đà phát triển (và tâm trí người dùng) của đối thủ.

Cứ thêm một người dùng Office 365 (dù là hàng lậu) thì có nghĩa là sẽ bớt đi một người dùng G Suite. Điều tương tự với Windows 10, có lẽ đó là lý do hãng khuyến khích người dùng nâng cấp từ Windows 7 và Windows 8.1 (hiện chiếm khoảng 40% thị phần máy tính toàn cầu) lên Windows 10 miễn phí.

Điều này dẫn chúng ta tới kết luận: Microsoft đang hướng tới phát triển về số lượng để giúp ích cho hãng chiếm phần đa số trong nền tảng, qua đó chiếm lợi thế về kinh doanh (và giá cổ phiếu).

Quay lại năm 2005, Microsoft tuyên bố tham vọng cán mốc 1 tỉ người dùng Windows 10 vào năm 2018, nhưng rõ ràng điều đó đã không xảy ra, thậm chí Windows 10 Mobile còn dần biến mất, để lại tiếc nuối cho người dùng.

Dù chưa có thống kê chính xác trong lần báo cáo gần nhất, nhưng doanh thu có được từ mảng Windows OEM đã tăng lên đáng kể trong mỗi quý, có 600 triệu người dùng hoạt động hằng tháng (MAU) vào tháng 11.2017 và tăng lên 700 triệu vào tháng 6.2018 và hiện tháng 3.2019 con số này là 800 triệu người dùng. Thời hạn ngừng hỗ trợ Windows 7 đã cận kề (1.2020), đó có thể là chất xúc tác cho cả doanh nghiệp lẫn người dùng cuối.

Một dạng miễn phí đặc biệt

Nếu đã quá quen thuộc Windows thì khó có thể chuyển qua nền tảng khác. Ảnh: Softpedia

Nếu đã quá quen thuộc Windows thì khó có thể chuyển qua nền tảng khác. Ảnh: Softpedia

Nhìn về tương lai, Windows 365 và Microsoft 365 sẽ chạy dưới dạng thuê bao có thời hạn, tương tự như cách mà Adobe đang làm với Photoshop CC, bạn sẽ không thể mua các sản phẩm của họ dưới dạng cấp phép vĩnh viễn và không có kết nối web.

Có không ít trường hợp xảy ra về việc người dùng Windows 10 và Office 365 lậu đã mất quyền truy cập hoàn toàn vào dịch vụ của họ, có vẻ đây là biện pháp chống vi phạm bản quyền mà hãng “ngẫu nhiên” áp dụng để mọi người biết rằng Microsoft vẫn biết bạn đang xài hàng lậu, chỉ có điều hãng đã “lờ” đi mà thôi. Năm 2007, Microsoft từng dùng dữ liệu từ phần mềm Windows Genuine Advantage (WGA) để hạ bệ một hệ thống cấp phép lậu Windows Vista ở Trung Quốc.

Qua những phân tích trên, thái độ của Microsoft đối với vi phạm bản quyền có thể được hiểu là sự thừa nhận ngầm về tính hữu dụng của thị trường lậu này và biến nó thành một công cụ tiếp thị miễn phí. Nếu công khai, việc bị bẻ khóa quá nhiều có thể dẫn tới ảnh hưởng xấu tới dư luận và Microsoft sẽ khó bán hàng hơn, doanh thu Windows và Office sẽ giảm mạnh. Qua đó tạo cơ hội cho đối thủ hoặc thúc đẩy các phần mềm giả mạo, đó không phải là điều họ muốn.

Thay vào đó, hãng chủ động lờ đi và cho phép bạn dùng lậu như là một cách áp đặt thói quen dùng Windows cũng như hệ sinh thái Windows, đến mức bạn khó có thể thay đổi thói quen, qua đó tác động đến nguồn thu của phần cứng tới phần mềm mà Microsoft âm thầm “hút máu” qua các đối tác OEM của họ, kể cả khi bạn… dùng lậu. Một kiểu miễn phí “thả con săn sắt, bắt con cá rô”!/.

Theo thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích