Tiếng Việt | English

28/09/2022 - 19:34

Việt Nam chú trọng hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người

Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.


Ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tại tất cả các diễn đàn, Việt Nam luôn chủ trương đối thoại, hợp tác với các nước trong vấn đề bảo vệ quyền con người. Điều này càng được coi trọng trong quá trình Việt Nam ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Đó là thông tin ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 28/9 nhằm điểm lại tình hình công tác nhân quyền cũng như cập nhật kết quả vận động ứng cử thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Theo Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc từ khi cơ quan này được thành lập.

Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng nhân quyền, như về quyền sức khoẻ sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xoá bỏ phân biệt đối xử và bạo lực giới…

“Với cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, ủng hộ đối thoại và hợp tác, Việt Nam chú trọng tăng cường thông tin đến cộng đồng quốc tế về những chính sách, nỗ lực và thành tựu trong bảo đảm quyền con người,” ông Đoàn Công Huynh khẳng định.

Không chỉ ở Hội đồng Nhân quyền, mà tại các diễn đàn đa phương khác, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hành động và đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến về quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, các vấn đề an ninh phi truyền thống thuộc quan tâm chung, đặc biệt là ứng phó với đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, thể hiện cam kết mạnh mẽ về bảo đảm quyền con người với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trong năm 2020, với 112 nước đồng bảo trợ, Việt Nam đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy thông qua bằng đồng thuận nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung của thế giới nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Vũ Minh, Trợ lý Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) đã cung cấp thông tin cho báo chí về bối cảnh quốc tế cũng như hoạt động hiện nay của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.

Ông Nguyễn Vũ Minh cho hay việc ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 sẽ góp phần triển khai chỉ thị của Ban Bí thư về “đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030”; khẳng định nỗ lực, cam kết và thành tựu cũng như khả năng đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Nhà nước.

Ở góc độ đối ngoại, việc ứng cử giúp nâng cao vị thế, hình ảnh một nước Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước bạn bè, các nước đối tác, kể cả những nước có điểm khác biệt về quyền con người./.

Gần đây, một số tổ chức nhân quyền nước ngoài có ý kiến trái chiều đối với việc Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Như đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Việt Nam luôn tích cực thể hiện tinh thần hợp tác với các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đồng thời cũng thường xuyên duy trì các cơ chế đối thoại nhân quyền song phương với một số nước; sẵn sàng cung cấp, trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau.”

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết