Tiếng Việt | English

20/08/2017 - 15:33

Việt Nam nên ưu tiên lựa chọn phát triển ngành công nghiệp nào?

Do nguồn lực quốc gia có hạn, Việt Nam cần thiết phải lựa chọn những ngành công nghiệp ưu tiên để phát triển một cách hiệu quả nhất phù hợp với bối cảnh quốc tế của mỗi giai đoạn.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Theo tiến sỹ Phạm Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), do nguồn lực quốc gia có hạn, Việt Nam cần thiết phải lựa chọn những ngành công nghiệp ưu tiên để phát triển một cách hiệu quả nhất phù hợp với bối cảnh quốc tế của mỗi giai đoạn.

Việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên một cách phù hợp, cộng với các chính sách ưu đãi khéo léo, hiệu quả sẽ tạo động lực phát triển cho toàn ngành công nghiệp.

Từ năm 2014, Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định bảu nhóm ngành công nghiệp ưu tiên, gồm cơ khí và luyện kim; hoá chất; chế biến nông-lâm-thủy sản, dệt may, da giày, điện tử viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, với nguồn lực đầu tư có hạn, để thúc đẩy phát triển công nghiệp trong thời gian ngắn, yêu cầu phải thu hẹp phạm vi các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên trở nên bức thiết hơn bao giờ.

Theo Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), Việt Nam đã có tới năm ngành công nghiệp ưu tiên có tốc độ tăng trưởng cao trong tốp 10 ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2015 là dệt may, da giày, hóa chất, thép và điện tử.

Song, các ngành công nghiệp này đều phát triển mang tính “hớt váng” và chỉ thực sự tham gia được ở một vài khâu trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp này. Do đó, giá trị gia tăng mang lại đều thấp và phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu... Trong giai đoạn 2011-2015, nhập siêu ngành công nghiệp trung bình khoảng 5 tỷ USD/năm.

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho rằng, trong thời gian qua, các chính sách phát triển công nghiệp còn mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm trong việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Đặc biệt không xây dựng được cơ chế đặc thù trong phát triển các ngành công nghiệp này để tạo đột phá trong tăng trưởng.

Ngoài ra, đầu tư vào các ngành công nghiệp thiếu sự tập trung một cách đồng bộ và có trọng tâm dẫn đến đầu tư dàn trải, hầu hết là kém hiệu quả trong các doanh nghiệp công nghiệp của nhà nước. Các ngành công nghiệp công nghệ thấp vẫn còn chiếm tỷ trọng cao với khoảng 65% trong hoạt động chế biến, chế tạo ở Việt Nam, trong khi con số này của toàn cầu chỉ là 18%.

Đây là một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển công nghiệp khi Việt Nam cần từng bước chuyển dịch sang các ngành chế tạo sử dụng công nghệ cao hơn để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

TS. Phạm Ngọc Hải cho rằng, tiêu chí xác định các ngành công nghiệp ưu tiên có thể kể đến như các ngành có tác động về chất đối với toàn ngành công nghiệp, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho các ngành nghề khác phát triển, công nghệ kỹ thuật mới...

Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp cũng đưa ra một số ngành nghề phát triển ưu tiên như ngành cơ khí, luyện kim. Theo đó, đến năm 2025, các sản phẩm ưu tiên có thể kể đến như máy móc, thiết bị nông nghiệp, linh kiện phụ tùng cơ khí, đóng tàu, kim loại màu và vật liệu mới. Hay nhóm ngành chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dệt may – da giày; nhóm ngành về điện tử viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo...

Về phía ngành cơ khí, một ngành nền tảng trong phát triển công nghiệp, mục tiêu tổng quát của ngành cơ khí đến năm 2025 là sản xuất cơ khí khai thác từ trên 90-95% năng lực ngành và đáp ứng tối thiểu từ 55-60% nhu cầu thị trường nội địa, sản phẩm xuất khẩu chiếm từ 34-36% giá trị sản lượng. Các doanh nghiệp cơ khí đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị hiện đại theo chuỗi phân công sản xuất khu vực.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), ông Nguyễn Văn Thụ cho rằng, phát triển các sản phẩm cơ khí ưu tiên cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm có thị trường; tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm này bằng các chính sách đặc thù.

Một số lĩnh vực mũi nhọn trong chiến lược phát triển cơ khí mà Việt Nam có thể làm được và vươn xa như: trang thiết bị ngành giao thông vận tải: tàu thuỷ, đường sắt, dịch vụ hàng không và vận tải biển; thiết bị chế biến nông lâm thuỷ sản; kết cấu thép kích thước, khối lượng lớn, độ chính xác cao...

Ông Nguyễn Văn Thụ cũng kiến nghị, cần có cơ chế bảo hộ sản phẩm cơ khí trong nước. Đơn cử như đối với các dự án đầu tư, mua sắm sử dụng vốn ngân sách hoặc trái phiếu Chính phủ bắt buộc trong hồ sơ mời thầu phải có tiêu chí đánh giá về tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật tư, thiết bị, các sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất mà đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật; ban hành các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất các sản phẩm cơ khí trong nước.

Cùng với đó, nhà nước có thể hỗ trợ về vốn và thuế. Bởi ngành cơ khí chế tạo, đặc biệt là chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu, Việt Nam đang tồn tại một chế độ thuế bất hợp lý.

“Trong khi các thiết bị của các dự án đầu tư của các nhà thầu nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam được miễn thuế thì các doanh nghiệp cơ khí trong nước nhập khẩu vật tư về chế tạo thay thiết bị nhập khẩu phải chịu đến 2 loại thuế: Thuế nhập khẩu từ 5-20%, thuế giá trị gia tăng nhập khẩu 10%. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam”, ông Thụ nói.


Công nhân lắp ráp ôtô tại Nhà máy Ôtô Hyundai Thành Công, Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2017- 2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến mới đây, cũng chỉ ra rằng, sẽ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp; tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên có khả năng lan toả cho toàn ngành công nghiệp khác; đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững.

Theo ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, trong giai đoạn này, Bộ sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng Kế hoạch thực hiện một số dự án đầu tư phát triển trong các ngành công nghiệp ưu tiên. Cùng với đó là xây dựng các chiến lược hành động phát triển các ngành ô tô, phụ tùng ô tô, công nghiệp máy nông nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt là xây dựng đề án về phát triển nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp xuất khẩu như dệt may, da giày, giấy, thép...

Hy vọng rằng, với việc tổng hợp ý kiến từ phía các ngành hàng, các chuyên gia, chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn tới sẽ đi sâu vào các phân ngành của các ngành công nghiệp ưu tiên hơn; lựa chọn sâu hơn ở cấp 2 hoặc cấp 3 ở cụ thể từng nhóm ngành hàng, tạo điều kiện hợp lý cho phát triển ngành và lan toả đến tăng trưởng các ngành công nghiệp khác.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết