Vươn lên phát triển kinh tế
Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng tại ấp 3, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, ông Phan Minh Phát là tấm gương sáng trong việc nuôi con ăn học, làm kinh tế giỏi và tích cực tham gia công tác xã hội. Vợ chồng ông hiện sống cùng Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Tới (SN 1928), có chồng và người con trai hy sinh trong kháng chiến.
Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, ông Phan Minh Phát tích cực lao động phát triển kinh tế gia đình
Trước đây, kinh tế gia đình ông rất khó khăn. Vợ làm giáo viên cấp 2 với đồng lương ít ỏi, còn ông thì sản xuất 0,6ha đất lúa. Thế nhưng, sau nhiều năm tích góp, đến nay, gia đình ông có 3,5ha đất trồng thanh long ruột đỏ. Thời gian gần đây, ông chuyển một ít đất trồng thanh long sang trồng 2.000 gốc mai vàng và 200 cây vú sữa hoàng kim.
Không những cần cù lao động để phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng ông còn phụng dưỡng mẹ già chu đáo, nuôi dạy 2 con học hành đến nơi, đến chốn. Người con trai của vợ chồng ông đã tốt nghiệp đại học, ngành Điện tử tại Vương quốc Anh, còn con gái thì tốt nghiệp sau đại học (thạc sĩ), ngành Quản trị kinh doanh tại Vương quốc Anh. Hiện các con ông đều có việc làm ổn định.
Dù nhà cửa khang trang, các con thành đạt nhưng vợ chồng ông vẫn chưa chịu “về hưu” mà miệt mài lao động, sản xuất. Gia đình ông luôn đi đầu trong việc đóng góp kinh phí, hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn và tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động.
Ông Phan Minh Phát cho biết: “Bà nội và bà cố của tôi đều là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, vợ chồng tôi thường xuyên nhắc nhở con cháu tích cực học tập, lao động, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vào dịp lễ, tết và đám tiệc, con cháu về sum họp đầy đủ. Trong những câu chuyện của gia đình, con cháu đều được nghe kể về những năm tháng chiến tranh hào hùng của đất nước và truyền thống cách mạng gia đình. Đây cũng là niềm tự hào, động lực phấn đấu của mỗi thành viên trong gia đình”.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Văn Hiệp (khu phố 11, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) khi ông chuẩn bị hành trình mưu sinh với chiếc xe máy quen thuộc của mình. Ông Hiệp là người con thứ 2, hiện nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Hoa (SN 1944), có chồng và con hy sinh trong kháng chiến. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, ông Hiệp rất tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình. Chính vì thế, dù kinh tế còn khó khăn nhưng ông luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua, vươn lên trong cuộc sống. Ông Hiệp chia sẻ: “Gia đình tôi có 1,2ha đất trồng lúa nhưng vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống. Bản thân là trụ cột của gia đình nên tôi cố gắng kiếm thêm thu nhập. Lớn tuổi không thể làm việc tại các công ty, xí nghiệp nên tôi chạy xe ôm mỗi ngày để có thêm đồng vô, đồng ra”.
Ông Lê Văn Hiệp là người phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Hoa và thờ cúng cha là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Dù bận rộn với công việc nhưng ông Hiệp vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Là thành viên Ban Hòa giải của khu phố, Ban Quản trị đình Bình Thành nên ông thuận tiện trong việc vận động người dân đóng góp ngày công, kinh phí xây dựng và sửa chữa đường giao thông nông thôn; thực hiện nếp sống văn minh, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Những năm qua, Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Hoa luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể xã
Góp sức xây dựng quê hương
Trở về cuộc sống đời thường, mang thương tật trên người nhưng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và tinh thần tự lực, tự cường, ông Đinh Tiến Bé (ấp 4, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Năm 19 tuổi, theo tiếng gọi của đất nước, ông Bé tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông. “Tham gia kháng chiến được 1 năm thì tôi bị thương nên chuyển sang công tác khác. Sau đó, tôi được Nhà nước tạo điều kiện ra miền Bắc học đến năm 1974 trở về công tác tại Ban Kinh tài Khu 8. Năm 1975, tỉnh Mỹ Tho được giải phóng, tôi cùng đồng đội về tiếp quản trong niềm vui chiến thắng” - ông Bé bồi hồi nhớ lại.
Chiến tranh kết thúc, ông Bé trở về với gia đình và tiếp tục đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau tại xã Hòa Phú. Với khoản thu nhập ít ỏi không đủ trang trải chi tiêu trong gia đình, ông nỗ lực vươn lên. Bên cạnh trồng lúa, chăn nuôi gia súc, ông Bé còn làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhờ chăm chỉ lao động, sản xuất, kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển. Năm 2008, gia đình ông xây dựng được ngôi nhà khang trang. Ông Bé cho biết: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, phải chạy ăn từng bữa nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng cho con học hành đến nơi, đến chốn. Hiện 2 con trai của tôi đều trưởng thành, có gia đình, công việc ổn định. 1 đứa thì tốt nghiệp cử nhân kế toán, 1 đứa là kỹ sư công nghệ thông tin. Các con, cháu đều ngoan hiền, hiếu thảo. Đây là niềm vui tuổi già của vợ chồng tôi”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Bé còn tích cực tham gia công tác xã hội. Gia đình ông luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động và vận động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, ông Bé là 1 trong 9 đại biểu của tỉnh vinh dự được tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Trong thời chiến, nhiều gia đình đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Truyền thống cách mạng tốt đẹp của cha ông chính là niềm tự hào, động lực để thế hệ hôm nay tiếp tục phấn đấu, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Ngọc Mận - Huỳnh Hương