Tiếng Việt | English

13/07/2023 - 14:19

Vĩnh Long nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt

Sau 2 năm gần như đóng băng hoàn toàn bởi dịch COVID-19, đến nay ngành du lịch Vĩnh Long đã có những khởi sắc. Những nỗ lực phục hồi các hoạt động xúc tiến, quảng bá, làm mới sản phẩm đã mang lại những tín hiệu lạc quan cho ngành du lịch, góp phần quan trọng trong phục hồi kinh tế của tỉnh Vĩnh Long.

Để tránh trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các điểm đến vùng sông nước, Vĩnh Long đã phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, trong đó tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực như: Du lịch homestay nghỉ dưỡng, tạo dựng thương hiệu homestay trên nền tảng thương hiệu các homestay đạt chuẩn ASEAN; Du lịch văn hóa, trong đó hướng đến các lễ hội và di tích, điểm đến mang tính độc đáo bản địa Công Thần Miếu, Văn Thánh Miếu, di sản đương đại Mang Thít. Từ đó, khách du lịch khi đến Vĩnh Long sẽ được thưởng thức những sản phẩm rất riêng của địa phương.


Sản phẩm du lịch vùng sông nước Vĩnh Long.

Sau dịch bệnh, các cơ sở du lịch tư nhân trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư phát triển các trò chơi, các điểm tham quan, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Khu du lịch Vinh Sang tọa lạc trên cù lao An Bình, ấp An Thuận, xã An Bình, huyện Long Hồ, hiện nay đã phát triển được gần 30 sản phẩm du lịch, tạo cho gần 100 lao động có việc làm ổn định. Hiện nay đơn vị đang phát triển nhiều loại hình khác để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.

Anh Cao Văn Tùng, Giám đốc Công ty Bến Thành - Vinh Sang cho biết thêm: "Sắp tới sẽ có đầu tư tốt hơn về hạ tầng, tăng thêm phòng nghỉ, xây dựng hệ thống phòng hội nghị để đón đa dạng khách. Công ty nhắm đến những cuộc hội họp của các doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị. Đáp ứng nhiều nhu cầu của du khách hơn thì hy vọng doanh thu sẽ tốt hơn".


Du khách đến với khu du lịch Vinh Sang.

Nằm giữa cù lao sông nước, một căn nhà được làm hoàn toàn bằng cây dừa của của vợ chồng ông Dương Văn Thưởng và bà Nguyễn Ngọc Giác ở ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, cũng thu hút sự tò mò của các du khách. Đến đây, du khách còn được tham gia tát mương bắt cá, hái rau sạch mọc tự nhiên trong vườn và tự tay nấu ăn. Đây là một trong những sản phẩm du lịch mới thu hút sự chú ý của du khách.

Ông Dương Văn Thưởng, chủ cơ sở du lịch Nhà dừa cho biết thêm: "Điểm chính ở đây khách đến tham quan là nhà dừa độc đáo, chỉ có một cái duy nhất mà thôi. Ngoài ra chúng tôi trang trí những tiểu cảnh nhỏ nhỏ này để du khách chụp ảnh chơi. Bên kia có nhà vườn, làm cầu khỉ, du khách có thể tát mương bắt cá và có cả homestay để nghỉ ngơi".

Trà Ôn là huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Vĩnh Long, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đất đai màu mỡ thuận lợi để phát triển du lịch sông nước. Đặc biệt 2 xã cù lao Lục Sĩ Thành và Phú Thành nổi tiếng với nghề trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Trà Ôn phát triển du lịch sinh thái miệt vườn “Cù Lao Mây” 2 xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành. Cù lao Mây có đặc sản nổi tiếng là bánh tráng. Bánh tráng Cù lao Mây đa dạng với nhiều loại: bánh tráng nem, bánh tráng ngọt, bánh tráng mè đen, bánh tráng nướng, bánh tráng ngọt sữa, bánh tráng thanh long, bánh tráng ớt. Khi đến Vĩnh Long du khách thường không bỏ qua các điểm du lịch ở Trà Ôn để được hòa mình với thiên nhiên, vườn cây ăn trái.


Khách du lịch tìm hiểu nghề nuôi mật ong ở huyện Long Hồ.

Để khôi phục nhanh ngành du lịch, tỉnh Vĩnh Long đặc biệt quan tâm đến phát triển hệ thống homestay. Đây là nơi để khách du lịch đến nghỉ, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt văn hóa, văn nghệ với dân bản địa. Đến nay Vĩnh Long đã phát triển được 26 điểm homestay, trong đó 9 homestay đạt Giải thưởng Du lịch ASEAN. Các chủ homestay rất vui khi đạt giải thưởng này.

Chị Ngô Phạm Thùy Trang, chủ cơ sở homestay Sáu Thành ở huyện Long Hồ chia sẻ: "Khi đạt giải thưởng thì mình rất vui và tự hào, giúp mình có động lực phải nâng cao chất lượng phục vụ như tiêu chí về thân thiện, an toàn, sửa chữa cơ sở vật chất, chăm sóc lại cây xanh, sửa chữa tàu bè".

Nhờ triển khai đồng bộ các phương án khôi phục ngành du lịch nên năm 2022, khách đến tham quan tại tỉnh Vĩnh Long đạt hơn 1 triệu lượt, đạt 166% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế đạt 5.500 lượt, doanh thu đạt 480 tỷ đồng. Năm 2023, lượng khách du lịch đến Vĩnh Long tiếp tục tăng nhanh. Riêng 6 tháng đầu năm, Vĩnh Long đón gần 650.000 lượt khách, tăng 54,8% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt trên 400 tỷ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.


Làng nghề sản xuất gạch gốm Vĩnh Long thu hút đông đảo khách du lịch.

Ông Phan Văn Giàu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay Vĩnh Long đang tiếp tục triển khai nhiều đề án để phát triển ngành du lịch địa phương: "Chúng tôi đang tiếp tục thực hiện các đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt như đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đề án sử dụng công nghệ thông tin về du lịch đề án gắn kết giữa du lịch và bảo tàng… Quan trọng hơn là xây dựng đề án tái cơ cấu ngành du lịch Vĩnh Long, đang triển khai đề án Di sản đương đại Mang Thít, hay là đề án xây dựng bảo tàng nông nghiệp ĐBSCL".

Phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Vĩnh Long được nêu trong Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh vừa qua. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tập trung cao độ cho lĩnh vực du lịch, huy động tối đa các nguồn lực để khắc phục khó khăn sau dịch bệnh. Với khí thế này, du lịch Vĩnh Long sẽ khắc phục khó khăn và có bước phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2020-2025 và trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025; tạo đà phát triển đưa du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030./.

Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL

Chia sẻ bài viết