Cùng dành một tình yêu lớn với nghề
Vừa là vợ chồng, vừa là đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), BS Phạm Thanh Tùng - Trưởng khoa Chấn thương-Chỉnh hình và BS Trần Thị Cẩm Ngân, Khoa Sản - Phụ khoa, luôn thấu hiểu và cảm thông cho công việc của nhau. Nếu người này trực đêm, có việc đột xuất ở bệnh viện thì người kia choàng gánh việc nhà và luôn dành thời gian cho nhau để vun đắp hạnh phúc gia đình.
Vợ chồng bác sĩ Phạm Thanh Tùng và bác sĩ Trần Thị Cẩm Ngân cùng công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa
Yêu màu áo blouse và tấm lòng nhân ái của những người thầy thuốc, ngày đó, cậu học trò Thanh Tùng quyết tâm theo đuổi ngành Y, trở thành BS để khám, chữa bệnh cứu người. Ước mơ được thực hiện và gắn bó với ngành Y 25 năm, BS Thanh Tùng vẫn đam mê, nhiệt huyết cũng như nuôi dưỡng tình yêu nghề ngày càng lớn. BS Thanh Tùng tâm sự: “Theo ngành Y có thể giúp đỡ được nhiều người ở nhiều môi trường khác nhau. Chính điều đó thôi thúc tôi theo đuổi ước mơ để thỏa sức nghiên cứu và cống hiến cho xã hội”.
Khi khám, chữa bệnh, BS Thanh Tùng luôn cố gắng tìm hiểu tâm trạng của bệnh nhân, giải thích tình trạng bệnh dễ hiểu với thái độ hòa nhã. Là trưởng khoa, BS Thanh Tùng còn thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ các y, BS trong khoa, giúp mọi người cùng tiến bộ, nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân. “Nhiều lúc công việc áp lực hoặc việc cá nhân làm tâm trạng không vui nhưng khi bắt tay vào làm việc, tôi gạt bỏ cảm xúc tiêu cực qua một bên, tập trung làm nhiệm vụ chuyên môn. Đó không chỉ là sự chuyên nghiệp mà còn là trách nhiệm, y đức” - BS Thanh Tùng trải lòng.
Bác sĩ Phạm Thanh Tùng khám cho bệnh nhân
Những lúc mệt mỏi, áp lực công việc lớn, BS Thanh Tùng luôn được vợ là BS Cẩm Ngân bên cạnh động viên, chia sẻ. Những câu chuyện vui, khoảnh khắc hạnh phúc của nghề được kể nhau nghe. BS Cẩm Ngân thổ lộ: “Tôi cũng như chồng, yêu màu áo blouse. Tôi chọn sản - phụ khoa vì thích trẻ con và muốn góp sức giúp những sản phụ được "mẹ tròn, con vuông”. Nghe được tiếng khóc của những đứa trẻ mới chào đời, thấy các bé khỏe mạnh là niềm hạnh phúc của những BS Sản khoa. Những khoảnh khắc thật đẹp đó, tôi thường kể chồng nghe và cũng nghe anh kể về những ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân xuất viện,...”.
Cảm thông cho những mệt nhọc, chia sẻ niềm vui cho nhau, BS Thanh Tùng và BS Cẩm Ngân được tiếp thêm nhiều năng lượng tích cực, từ đó cùng nhau bồi đắp tình yêu nghề.
Khoảnh khắc hạnh phúc nhất đối với bác sĩ Trần Thị Cẩm Ngân là giúp các sản phụ được "mẹ tròn con vuông"
San sẻ mọi việc cùng nhau
Theo đuổi ngành Y tuy có nhiều khó khăn, vất vả nhưng BS Trần Anh Tài - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu và vợ là BS Nguyễn Thị Gọn, Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Thủ Thừa, luôn nỗ lực vượt qua. Bởi đó không chỉ là trách nhiệm với nghề mà mỗi người đều có “hậu phương” vững chắc. Hiểu tính chất công việc của đối phương, 2 BS luôn cảm thông, chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi cho "nửa kia" của mình hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc.
Bác sĩ Trần Anh Tài và bác sĩ Nguyễn Thị Gọn cùng trao đổi chuyên môn
BS Gọn tâm sự: “Với tôi, chồng cùng ngành là một lợi thế lớn. Hiểu công việc của tôi nên chồng luôn chia sẻ và cảm thông những lúc tôi bận rộn, áp lực. Việc nhà, chăm sóc các con, vợ chồng tôi không phân biệt nhiệm vụ của ai mà người nào rảnh, về nhà sớm thì người đó đảm nhận. Trong công việc, nhiều lúc tôi mệt mỏi thì chồng động viên, an ủi. Chồng trực đêm, tôi ở nhà chăm lo gia đình để anh an tâm làm việc. Vợ chồng tôi còn thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau về chuyên môn. Những vấn đề anh nghiên cứu được liên quan đến lĩnh vực của tôi là anh chia sẻ ngay và ngược lại”.
Nhờ luôn quan tâm, hỗ trợ và chia sẻ cho nhau từ lĩnh vực chuyên môn đến việc nhà nên BS Anh Tài và BS Gọn có thêm điều kiện thuận lợi trong quá trình làm việc và xây dựng được hạnh phúc gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Thị Gọn tư vấn, giải thích cho bệnh nhân
BS Anh Tài chia sẻ: “Tuy công việc của vợ chồng tôi bận rộn, nhất là tôi thường xuyên trực đêm nhưng chúng tôi vẫn duy trì bữa cơm gia đình. Các buổi sáng, buổi tối, vợ chồng tôi và 2 con gái thường ăn cơm cùng nhau. Nhờ vậy, gia đình luôn được gắn kết. Tôi và vợ cũng thường xuyên dành thời gian riêng với các con, dạy các con những điều hay lẽ phải, rèn luyện cho con ý thức tự giác, tự lập”.
BS Anh Tài và BS Gọn cũng sắp xếp thời gian để đưa, đón con đi học, hỏi thăm tình hình ở trường và kể các con nghe về chuyện nghề của cha mẹ. Nhờ những câu chuyện vui của từng thành viên được sẻ chia, gia đình thêm hiểu và yêu thương nhau hơn.
Cùng ngành, có cùng nỗi vất vả, khó khăn nhưng nhờ “nửa kia” luôn cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu và là “hậu phương” vững chắc nên các BS an tâm làm việc, nỗ lực phục vụ bệnh nhân. Đồng thời, việc cơ quan, việc nhà cũng được các BS dung hòa, san sẻ nên gia đình luôn giữ được hạnh phúc./.
An Nhiên