Tiếng Việt | English

08/12/2015 - 10:45

Vốn FDI đổ nhiều vào dệt may: Lọc kỹ để tránh họa về môi trường

Việt Nam có thể đón dòng vốn FDI chảy mạnh vào lĩnh vực dệt may, xơ sợi, nhưng cần cảnh giác với hệ quả về môi trường.

Nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra nhiều lợi thế của ngành dệt may Việt Nam khi hội nhập theo Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đó, WB đưa con số dự báo ấn tượng như: Dự kiến xuất khẩu thực tế hàng dệt may và phụ kiện của Việt Nam sẽ tăng khoảng 60% so với đường cơ sở vào năm 2035. Song, WB cũng cảnh báo nước ta cần cảnh giác với hệ quả về môi trường do các dự án liên quan dệt may có thể đem tới.

Cứ tăng thêm 1 tỉ USD xuất khẩu sẽ tạo thêm 200 nghìn việc làm

Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Đức của WB cho biết, ngành dệt may, phụ kiện và da (bao gồm cả giày dép) dự kiến sẽ hưởng lợi rất nhiều và tăng mạnh xuất khẩu. Bởi vì thuế suất các sản phẩm này tại các nước TPP thuộc hàng cao nhất, ví dụ Hoa Kỳ áp thuế 17,1% đối với sản phẩm từ Việt Nam, các nước châu Á tham gia TPP áp thuế 7,7% và các nước TPP khác áp mức 20,6%.

Ngành dệt may đang tạo nhiều việc làm cho nước ta (Ảnh minh họa: KT)

Vì vậy, dự kiến xuất khẩu thực tế hàng dệt may và phụ kiện của Việt Nam sẽ tăng khoảng 60% so với đường cơ sở vào năm 2035. Hoa Kỳ sẽ là đích đến chủ yếu trong khối TPP (20,9%) và mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất (218,8%). Tỉ lệ sử dụng lao động cao và chính sách hướng xuất khẩu mạnh làm cho dệt may và phụ kiện trở thành nguồn tạo việc làm quan trọng.

Hiệp hội Dệt may và phụ kiện Việt Nam (VITAS) ước tính, cứ tăng thêm 1 tỉ USD xuất khẩu sẽ tạo thêm được 150-200 nghìn việc làm. Vì vậy, đây là ngành chiến lược về xuất khẩu và tạo việc làm. Nhưng qui tắc xuất xứ có thể sẽ hạn chế đáng kể những tác động tích cực này.

Trong khi đó, TPP được dự báo sẽ làm cho nước ta nhập khẩu nhiều hơn, thể hiện mức độ hội nhập ngày càng cao vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhập khẩu hàng chế tạo, chủ yếu là sản phẩm trung gian (chiếm 2/3 nhập khẩu theo kịch bản cơ sở năm 2015) sẽ tăng mạnh hơn nhiều so với nông sản (10% nhập khẩu năm 2015) và dịch vụ. Trong đó, theo kịch bản cơ sở, nhập khẩu hàng dệt may, phụ kiện, và đồ da (14,9% tổng kim ngạch nhập khẩu) sẽ đạt mức trên 50% đường cơ sở.

Sự gia tăng nhanh chóng nhập khẩu hàng dệt may, phụ kiện và da giày như dự báo là thể hiện mức độ tăng sản lượng và xuất khẩu các loại hàng hóa này, vì chúng đòi

Phải tái cơ cấu theo hướng liên kết ngược

Mặc dù TPP chưa được ký kết chính thức, nhưng những thông tin cơ bản về Hiệp định này đã được công bố. Theo đó, qui tắc xuất xứ sẽ hạn chế sử dụng nguyên liệu từ các nước ngoài khối. Do các qui định ngặt nghèo như vậy nên nước ta sẽ phải nhập khẩu chủ yếu từ các nước trong khối. Trong đó, nhập khẩu vải và phụ kiện từ các nước TPP châu Á và Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng lần lượt 151,3% và 203,7%.

Các địa chỉ ngành dệt may VN đang nhập xơ sợi nguyên liệu

Là thành viên TPP, Việt Nam dự kiến sẽ thu hút nhiều đầu tư nước ngoài với chất lượng cao hơn nữa, nhất là các dự án FDI vào các cụm sản xuất thượng nguồn và được hưởng lợi nhiều từ TPP như dệt may, phụ kiện, da giày.

Thực tế hiện nay, nước ta đang phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Với qui chế xuất xứ nghiêm ngặt của TPP nên theo đánh giá của WB, “trước mắt Việt Nam sẽ không tận dụng được tối đa cơ hội do TPP mang lại”.

Đánh giá này cũng dễ lý giải, vì rằng các nhà sản xuất dệt may của nước ta đang sử dụng hầu hết xơ sợi nhập khẩu từ các nước ngoài TPP. Khoảng 60-90% vải được nhập khẩu từ các nước khác, chủ yếu là từ Trung Quốc và Đài Loan. Do đó, một phần lớn lượng hàng xuất khẩu hiện nay của nước ta sẽ không đáp ứng được các qui định về xuất xứ của TPP.

Chính vì thực tế này, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, ngành dệt may sẽ phải tái cơ cấu theo hướng liên kết ngược thì mới có thể tận dụng được tối đa lợi thế của TPP. Trước mắt, “đây là một thách thức lớn, nhưng dự kiến Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều nguồn vốn FDI vào khu vực thượng nguồn để mở rộng năng lực sản xuất. Một số doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang thực hiện đầu tư mạnh vào ngành xơ sợi tại Việt Nam”- chuyên gia Phạm Minh Đức bình luận.

Nguy cơ tăng vọt các hóa chất gây ô nhiễm tại Việt Nam
"Đầu tư vào các ngành thượng nguồn và phụ trợ, nhất là trong ngành dệt, phải đi kèm với kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường. Đầu tư vào ngành dệt may, nhất là công đoạn nhuộm và hoàn thiện vải có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường.
Bởi vì các ngành này không chỉ sử dụng rất nhiều nước mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng, thải ra một khối lượng lớn nước thải và chất gây ô nhiễm. Do vậy Việt Nam có nguy cơ sử dụng tăng vọt các hóa chất gây ô nhiễm. Để giảm nhẹ các tác động này Việt Nam cần có một loạt các chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường"- Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Đức của WB.

Quá trình tái cơ cấu ngành dệt may theo hướng liên kết ngược sẽ kích thích các doanh nghiệp trong nước, kể cả các doanh nghiệp nhỏ mở rộng chuỗi cung ứng trong nước và tích cực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu làm được như vậy sẽ đóng góp được nhiều giá trị hơn, học tập được nhiều hơn và tích tụ được nhiều tri thức hơn. Toàn bộ quá trình đó được hỗ trợ bởi sự gia tăng FDI.
Rõ ràng, câu chuyện hội nhập TPP không phải chuyện ngày một ngày hai mà là một chặng đường dài. Để vững bước trên con đường đó, chắc chắn ngành dệt may phải có chiến lược phù hợp với điều kiện thị trường mới mang tên “hội nhập TPP”. Nhưng chiến lược mà không có hành động thực tiễn hợp lý thì cơ hội chỉ là “rừng mơ phía trước”.

Thực tại, có tín hiệu đáng mừng là khu vực kinh tế tư nhân của nước ta đã có những phản ứng rất nhanh nhạy để tận dụng cơ hội do TPP mang lại. Hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang thực hiện đầu tư lớn vào ngành sợi Việt Nam. Ví dụ, Tập đoàn dệt may Texhong (Hồng Kông) đầu tư 300 triệu USD giai đoạn 1 một nhà máy sợi tại Quảng Ninh, công ty Kyungbang (Hàn Quốc) đầu tư một nhà máy kéo sợi 100% vốn nước ngoài giá trị 40 triệu USD tại Bình Dương, nhà máy dệt VINATEX Kiên Giang trị giá 150 tỉ đồng tại Bình Dương, và khoảng 1 tỉ USD FDI khác đang lên kế hoạch./.

Xuân Thân/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích