Tiếng Việt | English

10/05/2022 - 11:20

Vụ kê biên khống, gây thiệt hại cho doanh nghiệp: Vẫn đang tạm đình chỉ điều tra

Vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và chiếm giữ trái phép tài sản xảy ra trong quá trình kê biên, lập phương án bồi thường tại dự án Cụm công nghiệp (CCN) Hải Sơn (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) xảy ra từ năm 2013 hiện vẫn tạm đình chỉ điều tra do chưa có kết quả định giá lại tài sản nhưng đã hết thời hạn điều tra.

Đây là một trong những vụ việc kéo dài chưa giải quyết xong do còn gặp vướng mắc và được các cơ quan chức năng huyện Đức Hòa thông tin, báo cáo tại cuộc làm việc với Đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy kiểm tra công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gần đây.

Theo hồ sơ, ngày 25/7/2014, Cơ quan điều tra Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Công Thủy về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ngoài Thủy còn có 2 người dân trong vùng thực hiện dự án cũng bị khởi tố bị can.

Đặng Công Thủy là nhân viên Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh, thời điểm năm 2013 được giao nhiệm vụ tổ trưởng tiến hành kê biên, lập phương án bồi thường cho các tổ chức, cá nhân có đất, tài sản trên đất thuộc phạm vi dự án CCN Hải Sơn, tọa lạc tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa do Công ty (Cty) TNHH Hải Sơn làm chủ đầu tư.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ, Đặng Công Thủy thiếu trách nhiệm trong kê biên, lập phương án bồi thường tài sản trên đất gây thiệt hại cho Cty TNHH Hải Sơn tổng số tiền hơn 4 tỉ 722 triệu đồng.

Bảng chiết tính bồi thường lập năm 2013 do Đặng Công Thủy lập được xác định vượt nhiều so với giá trị thật

Vụ án đã được tòa án 2 cấp ở tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Tuy nhiên, ngày 07/3/2018, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM xét xử lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 03/2018/HS-GĐT, ngày 07/3/2018 đã tuyên hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 28/2017/HSPT, ngày 23/01/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh và Bản án hình sự sơ thẩm số 115/2016/HSST, ngày 01/11/2016 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa để điều tra lại theo thủ tục chung.

Ngày 29/5/2018, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa ra quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra lại cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa để điều tra lại vụ án. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với 2 bị can; tiếp tục đề nghị truy tố bị can Thủy về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2, Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tuy nhiên, tại cuộc họp liên ngành tố tụng cấp tỉnh vào ngày 26/02/2021 đã chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện trưng cầu định giá lại tài sản bị thiệt hại để xác định chính xác giá trị thiệt hại do bị can Thủy gây ra.

Đến ngày 19/4/2021, Cơ quan điều tra huyện căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án do chưa có kết quả định giá lại tài sản nhưng đã hết thời hạn điều tra. Theo đó, đến nay, vụ việc vẫn còn kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm.

Về vụ việc trên, năm 2014, Báo Long An đã có bài phản ánh. Qua xác minh của cơ quan chức năng, thời điểm năm 2013, dự án CCN Hải Sơn (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa) do Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường) tiến hành kê biên, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).

Dự án CCN Hải Sơn khi đó có diện tích 246ha, có 649 hộ dân có đất nằm trong diện GPMB. Tổng số tiền bồi thường GPMB 505 tỉ đồng và thực hiện trong 2 đợt. Chủ đầu tư Cty TNHH Hải Sơn đã tiến hành ký kết hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh để tiến hành kê biên, lập phương án bồi thường GPMB. Sau đó, Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh phân công cán bộ Đặng Công Thủy tiến hành kê biên. Đến tháng 10/2013, Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh phối hợp chính quyền địa phương niêm yết công khai ra dân phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Ngày 04/12/2013, UBND huyện Đức Hòa có Quyết định số 19641/QĐ-UBND phê duyệt thực hiện đợt 1 của dự án là 188ha, có 449 hộ dân bị ảnh hưởng, số tiền bồi thường 395 tỉ đồng. Quyết định này sau đó không lâu đã được ngành chức năng thông báo cho người dân biết; đồng thời, công bố và trao các quyết định thu hồi đất, bồi thường của UBND huyện Đức Hòa và bảng chiết tính do Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh lập cho từng hộ dân.

Trong 2 ngày 18 và 19/12/2013, Cty TNHH Hải Sơn chi trả cho 93 trường hợp với số tiền 60,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó, Cty TNHH Hải Sơn phát hiện nhiều nghi vấn về việc kê khống để chiếm đoạt tiền của Cty nên đề nghị ngành chức năng kiểm tra lại tài sản trên đất của các hộ và xét lại mốc thời gian cất nhà trên đất nông nghiệp. Đúng như nghi vấn, kết quả phúc tra của đoàn công tác liên ngành huyện Đức Hòa phát hiện 29 trường hợp có giá trị tài sản trên đất, mốc thời gian xây dựng nhà bị kê khống không đúng so với thực tế. Những trường hợp này do ông Đặng Công Thủy (thời điểm đó là cán bộ Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh) lập bản kê biên.

Cụ thể, theo bản kiểm kê lúc đầu, có hộ dân có 573 cây mai vàng loại C, 8.600 cây mai vàng loại D, 564 cây xoài loại C, 200 cây xoài loại D, 351 cây thiên tuế loại D. Tổng số tiền hộ dân này được bồi thường, hỗ trợ đất và giá trị tài sản trên đất hơn 2 tỉ 247 triệu đồng (trong đó, tài sản trên đất 450 triệu 700 ngàn đồng). Nhưng sau khi đoàn kiểm tra, phúc tra lại thì thực tế lại ít hơn rất nhiều khi tất cả chỉ có 8.640 cây mai vàng loại E và 3 cây xoài loại D. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ cho hộ dân này, thực tế chỉ hơn 1 tỉ 764 triệu đồng (trong đó, tài sản trên đất chỉ có hơn 69 triệu 400 ngàn đồng).

Hay như một trường hợp khác, theo bản kiểm kê lúc đầu thì cây gỗ dầu có 500 cây loại A, 1.523 cây loại C, 1.523 cây loại D; cây mai vàng có 3.808 cây loại A, 19.040 cây loại B, 9.520 cây loại C, 5.712 cây loại D; còn cây xoài có 1.880 cây loại C,… Tổng giá trị tài sản được bồi thường, hỗ trợ hơn 4 tỉ 420 triệu đồng. Tuy nhiên, kết quả phúc tra của đoàn kiểm tra thì thực tế cây gỗ dầu chỉ có 37 cây loại A, 547 cây loại C, 1.143 cây loại D; cây mai vàng chỉ có 10 cây loại A, còn lại là loại C và không có cây loại D. Tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ thực tế chỉ gần 852 triệu đồng.

Bên cạnh đó, có những hộ dân, bản kê khai lúc đầu, nhà được xây trước ngày 01/7/2004 (được bồi thường) nhưng phúc tra lại thì thực tế được xây sau ngày 01/7/2004 (mốc thời gian này không được bồi thường).

Sau khi có kết quả phúc tra, UBND huyện Đức Hòa ra quyết định điều chỉnh đối với 29 trường hợp cho đúng với thực tế. Đồng thời, ngành chức năng có nhiều đợt vận động người dân nộp lại tiền đã nhận không đúng với giá trị thực tế cho Cty./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết