Tiếng Việt | English

17/10/2022 - 10:40

Vun đắp niềm tin cho người nghèo

Trao sinh kế, tạo việc làm, xây nhà tình thương, tặng quà, nhận đỡ đầu, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước,... là cách tỉnh vun đắp niềm tin, ý chí giúp người nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.

Kết nối chăm lo cho người nghèo

Năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An thực hiện mô hình Đồng hành với PN bị bệnh nan y và trẻ em khuyết tật. Hàng tháng, Hội vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 15 PN bị bệnh nan y, mỗi người 200.000 đồng và 10 trẻ em khuyết tật nặng, mỗi em 100.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Quân (ấp 2, xã Long Khê) nghẹn ngào nói: “Con trai Nguyễn Thanh Hiền bị khuyết tật bẩm sinh, vợ Nguyễn Thị Tén bị tai biến cách đây 15 năm nên mọi sinh hoạt cá nhân đều cần người khác giúp đỡ. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chính chỉ dựa vào việc làm thuê “ngày có ngày không” của tôi. Vậy mà con bệnh, rồi đến vợ bệnh, tôi phải vừa đi làm, vừa chăm sóc vợ con. Nếu không có sự đồng hành, giúp đỡ của Hội LHPNVN xã, tôi sẽ không có đủ lòng tin, nghị lực để vượt qua khó khăn cho đến hôm nay”.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Khê, huyện Cần Đước thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho phụ nữ bị bệnh nan y

Thấy mô hình Đồng hành với PN bị bệnh nan y và trẻ em khuyết tật mang giá trị nhân văn sâu sắc, Hội LHPNVN huyện Cần Đước nhân rộng ra toàn huyện. Đến nay, các xã, thị trấn đều có phong trào nhận đỡ đầu PN bị bệnh nan y và trẻ em khuyết tật, mồ côi, trong đó 4 xã thành lập được mô hình Đồng hành với PN bị bệnh nan y và trẻ em khuyết tật.

Nếu không có sự giúp đỡ, động viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Khê, ông Nguyễn Văn Quân sẽ không có đủ lòng tin, nghị lực để chăm sóc vợ con

Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Cần Đước - Phạm Ngọc Mai thông tin: “Mang trên mình các khiếm khuyết, bị tai nạn giao thông, bị bệnh nan y,... không ít PN, trẻ em gánh chịu nỗi đau và sự mất mát quá lớn. Tuy nhiên, họ sẽ không đơn độc trong hành trình vượt qua khó khăn, bệnh tật mà luôn có sự đồng hành, sẻ chia của Hội LHPN các cấp. Hiện nay, các cấp Hội nhận đỡ đầu gần 40 PN bị bệnh nan y, trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật,...

Ngoài ra, Hội thường xuyên vận động các cá nhân, tổ chức tặng quà cho PN nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Số tiền hỗ trợ hay những phần quà tuy giá trị về vật chất không lớn nhưng thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực để vượt qua bệnh tật”.

Chính sự quan tâm của các cấp, các ngành đã giúp anh Lê Thanh Vũ có thêm niềm tin vượt qua bệnh tật để không là gánh nặng của xã hội

Sau khi bị tai nạn giao thông, anh Lê Thanh Vũ (phường 6, TP.Tân An) mất khả năng lao động, bệnh tâm thần nhẹ và thường xuyên bị động kinh nhưng chỉ ở một mình không ai chăm sóc. Chia sẻ khó khăn với hoàn cảnh này, phường đưa anh vào danh sách hộ nghèo để được nhận các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Hội Chữ thập đỏ phường cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên và tặng quà. Anh Vũ trải lòng: “Bị bệnh khiến tôi mặc cảm với mọi người lắm! Nhưng tôi tự nhủ bên cạnh mình vẫn còn nhiều người sẵn sàng dang rộng vòng tay để giúp đỡ, sẻ chia, vì vậy phải thật cố gắng để vươn lên, tránh làm gánh nặng cho xã hội”.

Những nghĩa cử từ chính quyền các cấp, sự vào cuộc kịp thời của các Hội, đoàn thể đã lan tỏa, nhân rộng tình yêu thương trong cộng đồng. Dễ dàng nhận thấy tinh thần “tương thân, tương ái” được “nẩy mầm, đơm hoa, kết trái”, góp phần đồng hành cùng những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống.

Có nghề, giảm nghèo mới bền vững

Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi dành cho người nghèo như tặng thẻ bảo hiểm y tế, xây nhà tình thương, miễn, giảm học phí,... Song, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước có chủ trương chuyển dần từ chính sách “cho không” sang “cho có điều kiện”. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai chia sẻ: “Dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất,... là những chính sách Sở đang ưu tiên thực hiện nhằm trao “cần câu” cho người nghèo thay vì “con cá”. Qua thời gian triển khai, thực hiện, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá của địa phương, tránh được tình trạng tái nghèo. Đến nay, tỉnh còn 1,3% hộ nghèo, bình quân mỗi năm tỉnh sẽ giảm từ 10-15% hộ nghèo”.

Dạy nghề và giới thiệu việc làm là một trong những biện pháp giảm nghèo hiệu quả, bền vững

Gia đình anh Đặng Công Thuận (khu phố 2, thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) từng là hộ cận nghèo, thu nhập chủ yếu từ việc làm thuê. Thấy anh Thuận có ý chí vươn lên thoát nghèo, thị trấn tạo điều kiện cho vay vốn phát triển sản xuất từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Giờ đây, gia đình anh vươn lên thoát nghèo, xây dựng được căn nhà khang trang, mua được 2ha đất. Anh Thuận bộc bạch: “Đối với người nghèo, việc được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất là điều kiện tốt để chúng tôi vươn lên thoát nghèo bền vững, bởi muốn thoát nghèo phải có việc làm và thu nhập ổn định”.

Theo khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đa số người nghèo đều thiếu kiến thức và không có kỹ năng lao động, sản xuất nên rất khó để thoát nghèo. Giúp người nghèo nâng cao trình độ, chuyên môn kỹ thuật và tay nghề là những biện pháp giảm nghèo thiết thực, sát với tình hình thực tế và hiệu quả nhất. Xác định rõ những nguyên dân dẫn đến nghèo và hạn chế của người nghèo, các cấp, các ngành tích cực mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn và giới thiệu việc làm trong các công ty, doanh nghiệp ngay sau khi học nghề.

Anh Đặng Công Thuận (thứ 3, phải qua) khẳng định: “Muốn thoát nghèo phải có việc làm và thu nhập ổn định”

Chị Lê Thị Hồng Thắm (ấp Tây Bắc, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh) nói: “Sau khi học nghề may công nghiệp, tôi được giới thiệu vào HTX May gia công Tường Xuyên làm việc, với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Ngày nào bận việc nhà thì tôi xin nghỉ hoặc đến trễ một chút, thời gian làm việc không bó buộc mà thu nhập ổn định, tôi rất mừng. Từng là hộ cận nghèo nhưng nhờ có việc làm, thu nhập ổn định nên gia đình tôi đã thoát nghèo mấy năm nay”.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai cho biết thêm: “Những năm qua, khẩu hiệu “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” luôn được các cấp, các ngành thực hiện bằng mệnh lệnh của trái tim. Nhân dịp Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2022 diễn ra từ ngày 17/10 đến ngày 18/11, thay mặt lãnh đạo Sở, chân thành cảm ơn những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm có nhiều hoạt động  ủng hộ, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả đối với người nghèo. Thời gian tới, Sở hy vọng tiếp tục nhận được sự đồng hành của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác chăm lo cho người nghèo, góp phần vun đắp cho họ có thêm niềm tin, nghị lực vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo”.

Công tác giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước xác định là một chủ trương lớn, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để phát triển bền vững, thể hiện truyền thống “tương thân, tương ái” tốt đẹp của dân tộc ta. Và thực tế khẳng định, nơi nào làm tốt công tác giảm nghèo, nơi đó phát triển mạnh về kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết