Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa (VH), nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, cùng với kinh tế, xã hội, VH luôn được gìn giữ và phát huy, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực của phát triển.
79 năm trước, vào tháng 11/1946, Hội nghị VH toàn quốc lần thứ nhất trọng thể khai mạc tại Nhà hát lớn Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy đã khẳng định “VH phải soi đường cho quốc dân đi”. Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước lúc này, vai trò của VH đã được nhấn mạnh. Nhiệm vụ của VH là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của VH xưa và nay để xây dựng nền VH mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Và trên mặt trận VH, văn học, nghệ thuật phải góp phần giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.
Tiếp nối dòng chảy VH, 2 năm sau Hội nghị VH toàn quốc lần thứ nhất, Hội nghị VH toàn quốc lần thứ 2 diễn ra tại tỉnh Phú Thọ (năm 1948). Đây được xem là hội nghị Diên Hồng về VH nhằm vạch ra đường lối, nhiệm vụ và phương châm công tác VH. Hội nghị cũng là lời hiệu triệu tập hợp đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đường lối “kháng chiến hóa VH, VH hóa kháng chiến” đã đưa VH, văn nghệ hòa vào đời sống toàn dân thi đua “kháng chiến, kiến quốc”, tiến tới thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Hội nghị VH toàn quốc lần thứ hai vì thế là mốc son, đánh dấu sự trưởng thành về VH trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ những đường lối về VH, nhiều văn nghệ sĩ đã không đứng ngoài cuộc. Chính Hữu, Quang Dũng, Hoàng Trung Thông, Hữu Loan, Hoàng Cầm,... cùng nhiều văn nghệ sĩ khác đã trở thành chiến sĩ trên mặt trận VH với những tác phẩm ngợi ca tình đồng chí, đồng đội, phản ánh hiện thực chiến tranh và cổ vũ tinh thần chiến đấu của dân tộc.
Nếu trong thời chiến, VH đồng hành cùng nhân dân đánh giặc thì thời bình, VH lại tiếp tục được đặt ngang hàng với kinh tế, được xem là động lực của phát triển. Trên mặt trận VH “không tiếng súng”, đội ngũ văn nghệ sĩ với những tác phẩm văn học, nghệ thuật tiếp tục góp “vũ khí” vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã mở ra cho văn học, nghệ thuật một không gian mới - giai đoạn VH, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng, bắt nhịp, cổ vũ, đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong giai đoạn này, để dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật được coi trọng, các thử nghiệm, sáng tạo được khuyến khích, giao lưu VH được mở rộng, ngày 28/11/1987, Bộ Chính trị (khóa VI) ra Nghị quyết số 05-NQ/TW “Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và VH, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và VH phát triển lên một bước mới nhằm “khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính”. Đến ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Nghị quyết nhấn mạnh “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của VH, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.
50 năm từ ngày non sông thu về một mối, VH, trong đó có văn học, nghệ thuật luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm như thế. “Sức mạnh mềm” ấy như một mạch nguồn chảy mãi, góp phần tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng, nhận thức, hành động cho các tầng lớp nhân dân. Ở Long An, từ ngày thống nhất đất nước đến nay, dòng mạch chính trong sáng tạo văn học, nghệ thuật là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với nhân dân, phản ánh công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Đội ngũ văn nghệ sĩ còn bám sát khuynh hướng hiện thực cuộc sống, tập trung ca ngợi quê hương, đất nước, thành tựu trong công cuộc đổi mới, xây dựng hình tượng con người trên các lĩnh vực, xây dựng nông thôn mới, chủ quyền biên giới quốc gia, biển, đảo, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,... Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật là một thông điệp, một hình thức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách mềm dẻo nhưng hiệu quả, dễ đi vào lòng người.
50 năm từ ngày đất nước thanh bình, dù chịu ảnh hưởng của các giai đoạn phát triển, quá trình hội nhập quốc tế nhưng VH luôn là mặt trận vững vàng mà ở đó, văn học, nghệ thuật là trận địa vững chắc. Đó là minh chứng cho sức mạnh trường sinh của bản sắc VH dân tộc qua bao thời đại như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị VH toàn quốc lần thứ 3 (năm 2021) “VH còn thì dân tộc còn”. Và hiện nay, khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, dòng chảy văn học, nghệ thuật tiếp tục là “sức mạnh mềm”giữ gìn bản sắc, góp phần xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới./.
Long An