Chống dịch bằng... nghệ thuật
Cha đã trở về khi đất nước sạch bóng ngoại xâm
Dâng chiến công lên đấng sinh thành đã khuất
Nén đau thương con quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh
Để ngày trở về không thẹn với tình cha.
Bài ca cổ Chịu tang cha nơi tuyến đầu chống dịch của tác giả Nguyễn Phấn Đấu được nghệ sĩ (NS) Võ Hoàng Dư ca mở đầu cho chương trình biểu diễn trong Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Sáng tác bài ca vọng cổ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V do Long An đăng cai tổ chức. Bài ca cổ bộc lộ tấm lòng của một bác sĩ tuyến đầu không thể về chịu tang cha. Từng lời ca da diết đã khiến người xem chương trình lặng đi vì xúc động.
Trong cuộc thi, Long An có 3 tác giả đoạt giải với 3 chủ đề khác nhau. Nếu tác giả Nguyễn Phấn Đấu ca ngợi tinh thần chống dịch của tuyến đầu thì tác giả Trần Thịnh lại nói về quê hương miền Tây tươi đẹp với tác phẩm Về với đồng bằng và tác giả Hoàng Boul lại truyền tải tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong bài ca cổ Tự tình Dạ cổ hoài lang.
Các văn, nghệ sĩ nhận bằng khen đột xuất vì có thành tích tốt tại các cuộc thi văn học, nghệ thuật khu vực và toàn quốc
Cuộc thi được phát động và nhận tác phẩm dự thi trong giai đoạn đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát. Mọi hoạt động đều gặp khó khăn, cứ tưởng điều đó sẽ làm sụt giảm “tinh thần chiến đấu” của các VNS nhưng trên thực tế, các VNS, người sáng tác luôn miệt mài với công việc của mình. Đã có gần 400 tác phẩm của 171 tác giả dự thi. Trong 13 tác phẩm được trao giải có 3 tác phẩm nói về đề tài dịch bệnh.
Trong thời điểm giãn cách xã hội, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Long An ghi hình và phát sóng loạt chương trình nghệ thuật tuyên truyền phòng, chống dịch gồm nhiều tiểu phẩm và bài ca cổ. Hầu hết tác phẩm được biểu diễn trong chương trình đều do các tác giả, soạn giả của Long An sáng tác: Biện Hữu Hùng Dũng, Hoàng Boul, Trần Thịnh,...
Tác giả Trần Thịnh chia sẻ: “Đồng cảm trước những vất vả của lực lượng tuyến đầu và người dân trong dịch bệnh cũng như mong muốn đóng góp cho công cuộc chống dịch, tôi đã nỗ lực sáng tác nhiều bài vọng cổ, bài bản tài tử nhằm cổ vũ những người làm công tác chống dịch. Một số sáng tác của tôi được NS Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An biểu diễn, ghi hình. Một số tác phẩm khác, tôi dự thi các cuộc thi trong và ngoài tỉnh, có tác phẩm đoạt giải”.
Không chỉ riêng trên lĩnh vực sân khấu, các nhạc sĩ, họa sĩ, NS nhiếp ảnh cũng có nhiều hoạt động sáng tác nổi bật, đóng góp không nhỏ vào việc tuyên truyền chống dịch và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân. Trong số những tác phẩm đoạt giải cuộc thi Long An quê hương tôi năm 2021 có 2 tác phẩm nói về công tác phòng, chống dịch. Tác phẩm nhiếp ảnh Đồn Biên phòng Long Khốt phòng, chống dịch Covid-19 tại đường kênh Hữu Nghị của tác giả Tấn Lộc đoạt giải nhất.
Trong số những tác phẩm đoạt giải cuộc thi Long An quê hương tôi năm 2021 có 2 tác phẩm nói về công tác phòng, chống dịch (Trong ảnh: Tác phẩm Những mũi tiêm đầu tiên của tác giả Ngươn Kiết)
Ngoài ra, ở lĩnh vực âm nhạc, các nhạc sĩ: Nguyễn Thanh Hải, Phạm Hà, Tuấn An,... đều có sáng tác ca khúc tuyên truyền phòng, chống dịch và được người nghe nhiệt tình đón nhận. Đa số tác phẩm được sáng tác, phát hành trong giai đoạn chống dịch căng thẳng và tiếp tục hoàn thiện sau khi thiết lập cuộc sống “bình thường mới”. Có thể nói, các VNS đã luôn sát cánh cùng thực tế cuộc sống và đồng hành trong hành trình chống dịch gian nan.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh - Nguyễn Lành nhận xét: “Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng sức sáng tác của VNS tỉnh nhà không hề giảm. Đặc biệt ở lĩnh vực âm nhạc, năm nay, Chi hội Âm nhạc gặt hái nhiều kết quả vượt trội, có nhiều tác giả đoạt giải thưởng trong và ngoài tỉnh. Đề tài về chống dịch được nhiều VNS quan tâm sáng tác”.
Ở lĩnh vực âm nhạc, các nhạc sĩ: Nguyễn Thanh Hải, Phạm Hà, Tuấn An,... đều có sáng tác ca khúc tuyên truyền phòng, chống dịch và được người nghe nhiệt tình đón nhận(Trong ảnh: Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải ghi hình cho MV Khi Tổ quốc cần) (ảnh tư liệu)
Vun bồi tình yêu cái đẹp
Không chỉ tham gia sáng tác tuyên truyền chống dịch, giới VNS tỉnh còn đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo nghệ thuật, giữ gìn, nâng niu cái đẹp, giúp đời sống tinh thần của người dân phong phú hơn. Năm 2021, có 4 tập thể và 10 cá nhân thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích tốt trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ngoài ra, còn có các cá nhân được nhận bằng khen đột xuất vì có thành tích tốt tại các cuộc thi văn học, nghệ thuật khu vực và toàn quốc.
Không chỉ nỗ lực sáng tác, tham gia các hội thi và giành được giải thưởng cao, người làm nghệ thuật trong tỉnh còn sáng tạo trong quá trình làm nghề, phần nào đáp ứng nhu cầu thưởng thức cái đẹp của mọi người. Thời gian gần đây, bạn bè, người trong giới VNS tỏ ra thích thú với những tác phẩm đề thơ cho ảnh đẹp của soạn giả Diệp Vàm Cỏ. Ảnh đẹp được soạn giả chọn lọc từ các trang ảnh hoặc từ những chia sẻ của NS nhiếp ảnh, đặc biệt là NS nhiếp ảnh tỉnh nhà.
Cảm tác cái đẹp từ tác phẩm nhiếp ảnh, soạn giả đề thơ vào tác phẩm và đăng tải trên Facebook cá nhân. Ông thường dùng thơ thể song thất lục bát và thất ngôn tứ tuyệt với niêm luật chỉn chu và lời thơ ý nghĩa. Mỗi bức ảnh được đề thơ góp phần giúp người xem có thời gian dừng lại và cảm nhận sâu sắc hơn về vẻ đẹp, ý nghĩa của tác phẩm nhiếp ảnh. NS nhiếp ảnh Duy Bằng bày tỏ sự yêu thích với sáng tạo mới của soạn giả Diệp Vàm Cỏ. Theo NS, những lời thơ của soạn giả giúp bức ảnh thêm thăng hoa và ông cảm thấy mình được đồng cảm khi tác phẩm của mình được soạn giả Diệp Vàm Cỏ đề thơ.
Bằng tài năng của mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thái đã ghi lại cảnh đẹp quê hương và giới thiệu đến bạn bè qua nhiều hình thức (Trong ảnh: Tác phẩm Trên cánh đồng bất tận)
Cái mới và nâng niu cái đẹp dường như là mục đích chính mà những người làm nghệ thuật luôn hướng tới. Có người luôn tìm tòi điều mới, cũng có người quyết tâm tìm cái đẹp từ những điều thân thuộc và gần gũi. Đó chính là NS nhiếp ảnh Lê Hoàng Thái. Sinh sống tại vùng Đồng Tháp Mười, anh là người hiểu rõ vùng đất ấy hơn ai hết. Thương từng con cá, ngọn rau, những cánh rừng tràm xanh mướt, anh quyết tâm đem cái đẹp quê hương đến với mọi người.
Bằng tài năng của mình, NS nhiếp ảnh Hoàng Thái đã ghi lại cảnh đẹp quê hương và giới thiệu đến bạn bè qua nhiều hình thức: Đăng tải trên trang cá nhân, tham gia các cuộc thi, cộng tác với báo và tạp chí,... Những bức ảnh của anh về vùng Đồng Tháp Mười được người trong giới đánh giá cao và đoạt nhiều giải thưởng: Giải khuyến khích và Huy chương Đồng cuộc thi Nhiếp ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh xuất sắc cuộc Tuyển chọn ảnh đẹp du lịch Long An, ảnh triển lãm tại các cuộc thi toàn quốc và quốc tế mà mới đây nhất là 5 ảnh triển lãm tại The 1st HOPA.
Các VNS trong tỉnh đã chứng minh rằng, sáng tạo nghệ thuật là một hành trình không mỏi và nghệ thuật luôn đồng hành với cuộc sống đời thường để tôn vinh và giữ gìn những nét đẹp bình dị ấy./.
Văn, nghệ sĩ trong tỉnh luôn hướng về cái đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh nhà thông qua nhiều hoạt động khác nhau: Gìn giữ, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, giới thiệu nét đẹp quê hương đến bạn bè trong nước và quốc tế thông qua hội họa, nhiếp ảnh,... Văn, nghệ sĩ trong tỉnh là người am hiểu nhất về Long An nên khi đã tận tâm sáng tác về quê hương thì tác phẩm luôn có hồn và mang nét đặc biệt riêng. |
Quế Lâm