Sẽ không quá, nếu nói việc được biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội từ lâu đã là ước mơ của nhiều nghệ sĩ. Không chỉ bởi bề dày lịch sử, văn hóa và sự sang trọng từng được mặc định trong lòng khán giả, mà mức giá thuê sân khấu cao ngất cũng chính là một rào cản nhất với các nghệ sĩ trong các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Vậy, liệu với chủ trương mới của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khuyến khích các đơn vị nghệ thuật khai thác thường xuyên địa điểm “vàng” này để biểu diễn những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, có mở ra cánh cửa cho các tác phẩm sân khấu truyền thống, tác phẩm nghệ thuật hàn lâm, kinh điển đến được với Nhà hát Lớn Hà Nội.
Bước chân vào bên trong sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội là ước mơ của nhiều nghệ sĩ. (Ảnh:KT)
Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam chia sẻ: “Đây là một chủ trương, một định hướng, cũng là một phương cách để chuyển những thông điệp nghệ thuật đến với công chúng. Ý muốn của chúng tôi, không chỉ là diễn một đêm. Tuy nhiên điều kiện có cho phép chúng tôi diễn không, còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí”.
Trên thực tế, đã từ lâu sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội thiếu vắng các chương trình biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật hàn lâm hay nghệ thuật truyền thống. Ngược lại, nhiều ca sĩ nhạc nhẹ từ nước ngoài trở về như Tuấn Vũ, Giao Linh….lại bước vào Nhà hát lớn không mấy khó khăn. Bởi đêm diễn của các ca sĩ này bao giờ cũng được bán vé giá cao. Thế nên câu chuyện của “Lá đỏ” chỉ là một phần của thực trạng.
Dẫu các đơn vị nghệ thuật có cố gắng cho ra được một tác phẩm (tạm gọi là đỉnh cao) thì khả năng đến được với sân khấu Nhà hát Lớn cũng rất hiếm hoi. Bởi điều quyết định là khán giả. Không chỉ các loại hình nghệ thuật “hàn lâm” như ballet, nhạc kịch mà ngay cả sân khấu kịch hiện đại cũng khó chen chân lên sàn diễn Nhà hát Lớn. Đơn cử như một loạt các vở kịch được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao về chất lượng nội dung lẫn hình thức như “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam, “Công lý không gục ngã”, “Tất cả là con tôi” của Nhà hát Tuổi Trẻ… cũng chẳng mấy khi dám chơi sang, mang lên Nhà hát Lớn biểu diễn.
Lý do đơn giản là giá thuê Nhà hát khá cao, dao động từ 35 - 50 triệu đồng/1 đêm. Nếu không có những dự án hợp tác, tài trợ biểu diễn, việc tìm kiếm khán giả với một mức giá tương xứng để lấy thu bù chi ở Nhà hát Lớn là điều không dễ dàng.
Ông Trương Nhuận, Giám đốc nhà hát Tuổi Trẻ cho biết: “Cơ chế thị trường cũng có mặt tích cực, mặt khác cũng có những mặt hạn chế, tác động tiêu cực đến quảng bá. Nếu như không có sự hỗ trợ tốt về mặt cơ chế thì có thế nó sẽ bị thui chột, hoặc chỉ tạo ra những sản phẩm mang tính thương mại là chính chứ không hướng tới được những sản phẩm đích thực về mặt nghệ thuật. Đồng thời với những buổi biểu diễn những tác phẩm nghệ thuật sân khấu đỉnh cao ấy thì sẽ có được giá vé hợp lý, nguồn thu tốt”.
Còn với những môn nghệ thuật truyền thống thì sao? Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, được diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn – biểu tượng của văn hóa Việt Nam, là mơ ước của biết bao thế hệ nghệ sĩ sân khấu truyền thống như tuồng, chèo hay cải lương. Ngay tại rạp Hồng Hà, điểm diễn quen thuộc của nghệ thuật tuồng Việt Nam, thì các vở tuồng kinh điển như: “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”; “Phật Hoàng Trần Nhân Tông”… mời người ta đến xem còn khó, huống chi bắt người ta bỏ tiền ra xem với giá vé cao tại Nhà hát Lớn.
“Bởi đơn cử như chương trình xiếc “Làng tôi” đình đám một thời, khán giả phải bỏ ra từ 600.000 – 2.000.000 đồng/vé để được thưởng thức tại sân khấu Nhà hát Lớn, thì liệu, có mấy ai dám mạnh tay chi ra chừng ấy tiền để xem tuồng, chèo, cải lương hay kịch nói tại đây? Nhất là đã từ lâu, thị hiếu của khán giả Việt Nam đã không còn mấy mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống này. Chị Nguyễn Thị Hòa, ở Ngã Tư Sở, Hà Nội cho biết.
Có thể nói, sự định hướng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang khơi dậy hy vọng cho hoạt động nghệ thuật sân khấu đỉnh cao ở Nhà hát Lớn, là một trong những định hướng tạo được sự hứng khởi đối với nghệ sĩ, diễn viên và các nhà hát. Tuy nhiên, cần có những đề án, kế hoạch cụ thể cho các đơn vị nghệ thuật. Nếu không, việc biểu diễn thường xuyên các loại hình nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đỉnh cao tại “địa điểm vàng” Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ không dễ dàng, dù có sự ủng hộ của Bộ chủ quản! ./.
Ngọc Ngà/VOV