Tiếng Việt | English

04/07/2017 - 14:44

Vứt rác thải không đúng nơi quy định - Bị xử phạt tiền triệu

Trong đơn phản ánh đến cơ quan chức năng, ông Ngô Minh Út, ngụ ấp Xoài Đôi, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An phản ánh về việc ông bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính với mức phạt quá cao - lên đến 3 triệu đồng do hành vi vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định.

Thiếu ý thức hay vẫn thờ ơ với quy định xử phạt

Khoảng 19 giờ, ngày 11/6/2017, ông Út điều khiển xe máy từ nhà chở theo túi rác sinh hoạt ra đến đầu Đường tỉnh 826, gần Trường Mẫu giáo Long Trạch để bỏ rác sinh hoạt thì bị tổ tuần tra địa bàn phát hiện.

Đội trưởng Dân phòng liên xã Long Trạch, Long Hòa, Long Khê - Nguyễn Văn Tuấn, người trong tổ tuần tra có mặt tại hiện trường vụ việc, cho biết: “Khi lực lượng chức năng bắt quả tang và mời ông Út về UBND xã để lập biên bản hành vi vứt rác, bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định và yêu cầu ông Út xuất trình giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, ông Út không đồng ý, khóa cổ xe máy và bỏ đi, không chịu hợp tác. Tổ tuần tra đợi hơn 30 phút nhưng ông Út không quay lại nên chúng tôi đưa xe máy về trụ sở Công an xã Long Trạch”.

Về hành vi vứt rác thải không đúng nơi quy định, ông Ngô Văn Út trần tình: “Tôi chuyển về địa phương sinh sống được gần 5 năm, nhưng thường xuyên đi làm xa nên chưa biết cụ thể nơi đổ rác sinh hoạt. Thấy mọi người đổ rác gần trường mẫu giáo nên tôi cũng đổ rác ở đó, chứ tôi không phải vô ý thức vứt rác bừa bãi, không giữ gìn vệ sinh môi trường. Tôi đã giải thích như thế nhưng lực lượng tuần tra không đồng ý và tạm giữ xe của tôi tại trụ sở Công an xã”.

Ghi nhận tại Đường tỉnh 826, đoạn xã Long Trạch, mặt dù có biển báo cấm đổ rác thế nhưng, tình trạng vứt rác bừa bãi trên đường vẫn xảy ra, gây ô nhiễm môi trường, mất vẻ mỹ quan

Theo ông Út, “trước khi áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì chính quyền địa phương cần phải họp dân hay tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân biết. Trong khi thời gian áp dụng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/02/2017, nhiều người, trong đó có tôi, do đi làm xa nên chưa biết”. Ông Út cũng thừa nhận hành vi của mình là sai nhưng ông cho rằng, không biết bãi tập kết thu gom rác sinh hoạt ở khu vực gần nhà là ở chỗ nào nên đành bỏ ở địa điểm trên như mọi khi để xe thu gom rác vận chuyển.

Đẩy mạnh tuyên truyền gắn xử phạt nghiêm

Ghi nhận của phóng viên tại Đường tỉnh 826, đoạn địa phận xã Long Trạch, tình trạng vứt rác bừa bãi trên đường vẫn xảy ra. Một số người dân vẫn ngang nhiên mang rác đổ ra đường mặc dù thùng chứa rác cách đó không xa.

Việc vứt rác, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Việc xử phạt nghiêm các hành vi trên là một trong những giải pháp tốt nhằm ngăn ngừa những thói quen xấu, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, xử phạt như thế nào mới là quan trọng, phạt ai, ai phạt?

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Long Trạch - Phan Văn Thành Xuyên cho rằng: “Trường hợp xử lý về hành vi vứt rác bừa bãi của ông Út là đúng quy định pháp luật. Xét thấy lỗi của ông Út vi phạm lần đầu và có làm đơn trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chính quyền địa phương xem xét mức xử phạt thấp nhất theo quy định là 3 triệu đồng. Từ khi Nghị định 155/2016/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/02/2017, chính quyền địa phương tiến hành lập biên bản và xử phạt hành chính 6 trường hợp, chủ yếu liên quan đến hành vi vứt, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại nơi công cộng”.

Cũng theo ông Xuyên: “Việc xử phạt như thế nào mới là quan trọng vì việc này không đơn giản chút nào, trong trường hợp phát hiện được người vứt rác không đúng quy định nhưng khi đến gần, người đó đã di chuyển, chẳng lẽ mình đuổi theo. Thậm chí, khi bắt được họ mà không có bằng chứng thì rất khó xử lý”. Cũng về vấn đề này, ông Xuyên cho rằng, việc tăng mức xử phạt đối với hành vi không đúng quy định tại nơi công cộng là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ tăng mức phạt tiền thôi là chưa đủ, vì hành vi này liên quan đến ý thức văn hóa của mỗi người dân nên cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết rõ để không vi phạm. Bên cạnh việc tăng mức phạt, chính quyền địa phương luôn tăng cường kiểm tra thường xuyên và kiên quyết xử lý chứ không làm hình thức cho có rồi bỏ “đâu lại vào đấy!”.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 01/02/2017, tăng mức phạt tiền đối với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích