Tiếng Việt | English

17/05/2017 - 10:07

Đau đầu vì rác thải

Bài 1: Rác sinh hoạt tràn lan ở nông thôn

Tình trạng rác sinh hoạt được người dân vứt bừa bãi ra môi trường đang là vấn đề nhức nhối, đau đầu của hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh Long An. Tại những cuộc tiếp xúc cử tri, người dân thường phản ánh thực trạng này.

Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và ý thức của mỗi người dân bởi rác thải là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sống và sức khỏe của con người.

Những thùng rác đầy được người dân bỏ cả ra ngoài nhưng không được thu gom xử lý thường xuyên là hình ảnh thường thấy ở các  địa phương khu vực Đồng Tháp Mười

Xả rác sinh hoạt bừa bãi ở nông thôn

Không chỉ ở các vùng đô thị, công nghiệp mà ở các xã vùng sâu, vùng xa cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Rác thải do một bộ phận không nhỏ người dân không có ý thức vứt ra khắp nơi. Có đủ loại từ túi nylon, xác động vật chết, rác thải từ sinh hoạt hàng ngày được xả trực tiếp ra ngõ xóm, đường đi đến kênh, rạch, ao, hồ,... chỗ nào tiện và gần là có thể vứt rác, đổ chất thải sinh hoạt bất chấp những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh hoạt hàng ngày.

Dọc theo các tuyến đường liên ấp, liên xã ở các huyện khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường, ở đâu, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh những túi nylon, những bao chứa rác thải sinh hoạt được vứt bừa bãi 2 bên lề đường, ném quanh các bụi rậm, có khu vực, rác thải sinh hoạt được chất thành từng đống bên vệ đường. Dọc các kênh, mương cũng không ngoại lệ, nhiều nơi, rác thải được đổ trôi lềnh bềnh trên mặt nước với mật độ càng ngày càng nhiều. Những bãi rác như vậy chủ yếu là do người dân thiếu ý thức tạo ra.

Thấy chúng tôi ghi hình bãi rác kiểu tự phát nêu trên, bà Nguyễn Thị Liên, ngụ xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, bức xúc nói: “Suốt dọc đoạn đường này chỗ nào cũng có rác, nhiều lắm, không chỉ rác, túi nylon mà người ta còn quăng cả xác động vật chết. Những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu!”.

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại đoạn đê bao thuộc khu phố 3, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng để tận mắt chứng kiến bãi rác bốc mùi rất khó chịu ngay cạnh khu dân cư.

Ông Trần Văn N., một hộ dân ở gần đó cho biết: “Bãi rác có từ lâu, ban đầu, người dân chỉ mang những túi rác sinh hoạt gia đình ra bỏ ven đường cạnh chân đê, rồi người này thấy người kia đổ rác ở đó mà không có ai phạt hay nhắc nhở gì nên cũng đổ theo. Lâu dần, có bất kỳ loại rác thải nào từ bao tải, túi nylon, lông gà, vịt, xác động vật chết đến bóng đèn, gạch ngói vỡ,... người ta cũng mang ra đó vứt khiến rác tràn ngập lấn cả xuống chân đê và gây mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân xung quanh”.

Quả thật, chứng kiến bãi rác ngổn ngang ngay bên vệ đường, sát khu dân cư, chúng tôi cũng phần nào hiểu được những bức xúc của người dân quanh đây khi hàng ngày phải sống chung với rác.

Tình trạng người dân đổ các loại rác thải sinh hoạt và vứt xác gia súc, gia cầm chết trực tiếp ra môi trường diễn ra khá phổ biến. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do một bộ phận người dân không ý thức được tác hại của việc đổ rác thải, vứt xác súc vật chết bừa bãi. Việc vứt rác tùy tiện của một số người dân kéo theo những hệ lụy tất yếu đối với môi trường sống, trong khi rác thải sinh hoạt hiện nay phần lớn khó tiêu hủy, cần phải được phân loại, xử lý đúng quy trình. Ở một số địa phương, việc thu gom rác đến trung tâm xã với hệ thống thùng rác được trang bị.

Tuy nhiên, các thùng rác không được sử dụng đúng mục đích của nó. Thùng bị đổ nằm chỏng chơ, đậy kín nắp mà không có rác; còn bên ngoài, rác được chất đống, tràn lan. Mặt khác, cũng không ít hộ dân do làm ăn, buôn bán, không muốn những thùng rác án ngữ mặt tiền, bốc mùi hôi nên thường tự ý di chuyển.

Thu gom, xử lý rác thải còn lắm gian nan!

Mặc dù, công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các huyện, thị đang dần đi vào nề nếp nhưng do lượng rác ngày càng tăng, trang thiết bị, năng lực thu gom hạn chế, dẫn đến nhiều bất cập. Hiện nay, việc thu gom rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình khu vực Đồng Tháp Mười mới chỉ tập trung tại các đô thị trung tâm và các khu vực trung tâm xã, còn vùng xa, vùng sâu thì việc thu gom, xử lý rác rất khó khăn.

Việc xử lý rác thải thủ công gây ô nhiễm môi trường

Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Hưng - Lê Thanh Lê: “Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên những năm qua, trên địa bàn huyện chỉ trang bị được khoảng 600 thùng chứa rác, các thùng chứa này được bố trí chủ yếu ở những nơi công cộng như các ngã ba, ngã tư trung tâm thị trấn và các xã. Hiện tại, trên địa bàn huyện Tân Hưng có 8/11 xã có hợp đồng với Công ty Công trình đô thị huyện tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, vận chuyển, tập kết về bãi rác tạm của huyện được hình thành hàng chục năm qua để xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt, dù cách này không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước.

Bên cạnh đó, tình trạng không bảo đảm vệ sinh môi trường ở nông thôn hiện nay, một phần là do, lượng lớn rác thải ở các vùng nông thôn chưa được thu gom, xử lý, chủ yếu người dân gom lại một chỗ, để khô rồi đốt hoặc cho phân hủy tự nhiên nên gây ảnh hưởng môi trường xung quanh”.

Còn theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Hưng, ước tính trung bình mỗi ngày, trên địa bàn huyện có khoảng 10 tấn rác thải được thu gom từ 7 xã, 1 thị trấn về bãi rác tạm của huyện và cũng xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Những năm qua, địa phương trang bị hàng trăm thùng chứa rác bố trí trên các trục đường chính, khu dân cư trung tâm và một số địa phương có ký kết dịch vụ thu gom rác nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa “mặn mà” với việc đóng góp phí vệ sinh môi trường. Việc thu phí vệ sinh ở thị trấn Vĩnh Hưng chỉ khoảng 70%, còn tại các xã chỉ được 50%.

Riêng một số xã không có hợp đồng thu gom rác thì việc thu gom rác chỉ mới nhen nhóm và thực hiện qua loa do nguồn hỗ trợ từ kinh phí sự nghiệp môi trường cho địa phương hàng năm ít.

Bà Nguyễn Thị L., ngụ ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng cho biết: “Trước đây, việc thu gom rác tại khu vực Cụm dân cư trung tâm xã được thực hiện thường xuyên, mỗi tuần 2 ngày vào thứ ba và thứ bảy; tuy nhiên, thời gian gần đây, việc thu gom chỉ được thực hiện duy nhất 1 lần/tuần nhưng đôi khi thời gian thu gom cũng không cố định dẫn đến tình trạng rác ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường trong khi xã được công nhận xã văn hóa - nông thôn mới từ vài năm nay”.

Trước thực trạng trên, theo Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng - Bùi Văn Hiệu: “Việc thu gom rác thải sinh hoạt tại địa phương mới chỉ được thực hiện tại những khu vực tập trung đông dân cư. Hiện tại, trên địa bàn có khoảng 40 thùng chứa rác, chủ yếu được đặt tại khu vực chợ và các trục đường chính của xã. Việc thu gom còn khó khăn nhất định do nguồn hỗ trợ từ trên rất eo hẹp. Và việc thu phí vệ sinh môi trường của các hộ dân cũng còn gặp rất nhiều khó khăn”.

Khó nhưng phải gỡ

Các cấp chính quyền huyện Tân Hưng trăn trở tìm biện pháp giải quyết, tháo gỡ để bảo đảm sự phát triển ổn định bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Hưng - Lê Thanh Lê cho biết: “Huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đối với việc bảo vệ môi trường, không vứt rác thải bừa bãi, với sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở, hướng dẫn các hộ dân thực hiện cách phân loại rác tại nhà. Cùng với đó, địa phương xây dựng hoàn chỉnh lò xử lý rác thải xa khu dân cư sinh sống gồm lò đốt, sân phơi, kho chứa, nhà ở công nhân với khả năng xử lý rác dự kiến khoảng 15 tấn/ngày và đang trong giai đoạn vận hành thử".

Lò đốt rác được xây dựng tại huyện Tân Hưng nhưng bằng công nghệ cũ khó đảm bảo việc xử lý rác thải trong tương lai

Còn tại huyện Vĩnh Hưng, bãi rác hiện hữu cũng trong tình trạng quá tải và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống xung quanh như bốc mùi khó chịu, ô nhiễm mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến năng suất lúa của các chân ruộng xung quanh. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Hưng, để khắc phục tình trạng trên, huyện cho nâng cấp và cải tạo bãi rác này với diện tích 1,5ha, hiện đang trong quá trình thi công, với khả năng tiếp nhận và xử lý rác từ 30-40 tấn/ngày.

Về lâu dài, để giải bài toán bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm do rác thải sinh hoạt ở các địa phương vẫn là việc nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

“Các tổ chức, đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tập quán, thói quen xả rác thải, chất thải tùy tiện của các hộ dân, nhân rộng các tuyến đường xanh, sạch, đẹp do phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh khu dân cư tự quản. Cùng sự nỗ lực của các cơ quan liên quan và địa phương thì bản thân mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành việc phân loại, đổ rác đúng nơi quy định; các cấp thẩm quyền cần có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi xả rác bừa bãi, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và nơi công cộng. Dù việc giải quyết tình trạng rác thải sinh hoạt ra môi trường còn gặp nhiều khó khăn nhưng có khó cũng phải gỡ” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường - Quách Cao Minh cho biết.

(còn tiếp)
Trung Kiên - Kiên Định- Tấn Lộc 

Bài 2: Rác thải nông nghiệp: Nguy hại nhưng chưa được xử lý 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích