Tiếng Việt | English

13/12/2018 - 14:11

Đức Hòa: Quán cơm "0 đồng" - Ấm lòng cho người có thu nhập thấp

Dù mới mở 6 tháng nhưng quán cơm chay "0 đồng" Phúc An tại khu đô thị Phúc An city, ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An rất đông khách. Mỗi ngày, quán phục vụ trên 200 suất ăn trưa. Quán sẵn sàng đón tiếp tất cả đối tượng, nhưng đông nhất vẫn là công nhân các công ty khu vực lân cận.

Quán cơm chay miễn phí cho người có thu nhập thấp

“Mấy tháng qua, kể từ khi biết quán cơm chay miễn phí, trưa nào, tôi cũng tranh thủ về đây ăn. Một bữa cơm từ 20 - 30 ngàn với nhiều người thì không đáng kể, nhưng với người nhập cư, xa gia đình mưu sinh như tôi lại là con số đáng quan tâm. Mỗi tờ vé số bán được lời chẳng bao nhiêu, tôi phải tiết kiệm để gửi cho vợ con ở quê”.

Đó là chia sẻ chân tình của anh Ngô Văn Hải, 49 tuổi, quê Phú Yên đến Long An làm việc được 5 năm, là “khách quen” của quán cơm chay từ thiện. Theo anh, quán rất sạch sẽ, món ăn ngon lại miễn phí nên anh đến ăn thường xuyên.

Hoàn cảnh tương tự anh Hải, vợ chồng anh Châu Tuấn Thanh (SN 1958) và chị Trần Thị Tiến (SN 1965), quê ở xã Tân Thanh, huyện Tân Bình, tỉnh Đồng Tháp cũng đến Long An mưu sinh. Trước đây, chị tự nấu ăn cho 2 vợ chồng để tiết kiệm chi phí. Từ khi biết quán cơm này, vợ chồng chị thường đến đây. Chị Tiến chia sẻ, món ăn ở đây ngon, dùng bữa xong vợ chồng chị có thời gian nghỉ ngơi trước khi bắt đầu làm việc vào giờ chiều. “Cuộc sống khó khăn, chúng tôi phải gửi con cho ông bà ở quê để đến Đức Hòa phụ hồ với thu nhập chỉ khoảng 180.000-280.000đ/ ngày. Do vậy, tôi muốn tiết kiệm thêm được đồng nào hay đồng đó!” – chị Tiến cho biết thêm.

Quán cơm được chăm chút rất kỹ từ việc tuyển đầu bếp có tay nghề đến cung cách phục vụ tận tình của nhân viên

Chủ quán cơm là ông Trần Đức Vinh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Trần Anh. Được biết, kinh phí hoạt động của quán do công ty ông chi trả. Nếu để mặt bằng (diện tích quán khoảng 500m²) cho thuê thì có thể thu về vài chục triệu/tháng. Tuy nhiên, ông muốn quán ăn phải ở vị trí mặt tiền để nhiều người biết đến. Dù là quán cơm từ thiện nhưng ông Vinh chăm chút rất kỹ từ việc tuyển đầu bếp có tay nghề đến cung cách phục vụ tận tình của nhân viên. Thỉnh thoảng, bạn bè của ông cũng đến đóng góp thêm cho quán như gạo, dầu ăn, gia vị….

Ông Vinh cho biết, việc mở quán cơm từ thiện là cách ông tri ân lại cộng đồng sau những thành công trong công việc. Ông mong muốn sắp tới có thể mở rộng mô hình hoạt động của quán cơm này. Điểm tiếp theo mà ông hướng đến là tại huyện Bến Lức./.

An Thuận

Chia sẻ bài viết