Tiếng Việt | English

25/03/2019 - 19:27

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Văn Cảnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi

Chiều 25/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Văn Cảnh chủ trì cuộc kiểm tra triển khai công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Văn Cảnh yêu cầu tiếp tục tuyên truyền về an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi; khẩn trương phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 01/02 – 23/3, bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) xảy ra tại 379 xã, 75 huyện của 21 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là hơn 53.570 con. Dự báo khả năng các tỉnh miền Nam Trung bộ bị nhiễm DTHCP là rất lớn do việc vận chuyển heo sống, sản phẩm từ heo, các phương tiện vận chuyển khác đi từ vùng dịch.

Trước tình hình trên, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng, chống với mục tiêu chủ động ngăn chặn, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả DTHCP. Đồng thời, xây dựng kế hoạch với những tình huống cụ thể khi chưa phát hiện dịch bệnh và biện pháp xử lý khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời (hiện nay có 8 chốt), có 80% heo vào cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh thông qua các chốt; bố trí các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an cùng các lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, sản phẩm heo để vào địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngành chức năng bố trí lực lượng trực xuyên suốt tại các trạm kiểm dịch, cửa khẩu; tăng cường phun thuốc khử trùng, khử độc các xe vận chuyển heo.

80% heo vào cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh thông qua các chốt kiểm dịch

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh, tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn nhiều khó khăn. Cụ thể, tại một số chốt kiểm dịch tạm thời trên Quốc lộ 1, lực lượng chuyên ngành rất khó yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Các sản phẩm chế biến từ thịt heo (chả lụa, nem chua,…) hoặc thịt heo đông lạnh không dừng tại chốt trong khi đây cũng là một trong những nguồn lây lan dịch bệnh rất lớn. 

Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch của các địa phương chưa triệt để; trong tháng, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 2 ổ dịch (1 ổ dịch lở mồm long móng tại hộ chăn nuôi Nguyễn Thị Hoàng, ngụ phường 6, TP.Tân An; 1 ổ dịch tai xanh và dịch tả lợn cổ điển tại hộ ông Đoàn Văn Tó, ngụ xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) và phát hiện bệnh lở mồm long móng tại các điểm thu gom heo thuộc TP.Tân An và huyện Châu Thành.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh yêu cầu các ngành liên quan tiếp tục thông tin, tuyên truyền cho người chăn nuôi về an toàn dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi. Khi dịch bệnh xảy ra phải báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06 ngày 06/3/2019 của UBND tỉnh về triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTHCP.

Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải có báo cáo thực hiện nội dung theo Chỉ thị 06 (2 tuần/lần) và tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống DTHCP nói riêng và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nói chung; thực hiện tốt đợt tiêm phòng tai xanh, lở mồm long móng và Tháng Tiêu độc khử trùng./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết