Tiếng Việt | English

22/04/2020 - 10:45

Thương mại điện tử “lên ngôi” trong mùa dịch

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều dịch vụ thương mại, nhất là nhà hàng bị ảnh hưởng hoạt động. Tuy nhiên, trong khó khăn, không ít chủ cơ sở chuyển đổi phương thức kinh doanh online. Đây cũng là cơ hội cho thương mại điện tử (TMĐT) phát triển.

Phương thức kinh doanh mới

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, dễ lây lan, tất cả các hàng quán kinh doanh ăn, uống đều tạm đóng cửa để thực hiện quy định cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 01-4 đến 15-4) và sau này là giãn cách xã hội. Tiểu thương kinh doanh tại các chợ ít, nhiều cũng bị ảnh hưởng doanh thu. Nhưng đối với họ, việc phòng, chống dịch mới là điều cần thiết lúc này. Trong khó khăn của dịch bệnh, kênh phân phối online được khuyến khích và không ít cửa hàng, quán ăn đã tận dụng để duy trì hoạt động kinh doanh.

Sở Công Thương phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, kênh bán hàng Lazada tổ chức tư vấn, hỗ trợ kinh doanh cho doanh nghiệp

Anh Nguyễn Quốc Phong - chủ quán cà phê Gia Phong trên đường Trần Phong Sắc, phường 4, TP.Tân An, cho biết, để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bắt đầu từ giữa tháng 3, quán chỉ phục vụ buổi sáng, buổi chiều vệ sinh, lau chùi tất cả bàn, ghế bằng dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, quán còn phun xịt dung dịch sát khuẩn lên sàn nhà, các vị trí có thể tiếp xúc với khách. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/4 đến nay, quán chuyển qua hình thức kinh doanh mới là bán hàng online. Anh Quốc Phong chia sẻ: “Những ngày cuối tháng 3, tôi chưa kinh doanh online, chủ yếu phục vụ khách đến dùng tại quán. Việc buôn bán online là tôi “bắt chước” nhiều quán tại TP.HCM nhằm duy trì kinh doanh, chờ đến khi dịch bệnh kết thúc. Ngày đầu kinh doanh theo cách này, chỉ vài người biết, ngày thứ 2 phục vụ chưa được 10 khách hàng. Nhưng đến thời điểm này, khách đã lên hơn 30 người. Hầu hết các cuộc gọi đặt hàng, sau 15 phút, khách sẽ nhận được”.

Sự xuất hiện của phương thức bán hàng qua mạng thông qua các trang web và sàn giao dịch điện tử,... đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiện ích mới, doanh số bán hàng theo hình thức thương mại điện tử ngày càng tăng cao. Việc mua sắm trực tuyến còn giúp khách hàng hạn chế đến những nơi đông đúc nhưng vẫn mua được những mặt hàng ưa thích khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ

Cơ sở Vườn Nhà Mình có địa chỉ ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, chuyên chế biến nhiều sản phẩm như trà, bánh, tinh bột hay tinh dầu làm đẹp cho phụ nữ từ cây chùm ngây. Anh Phạm Ngọc Anh Tuấn - chủ cơ sở, cho biết, hàng hóa được phân phối chủ yếu qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đặc biệt, khoảng thời gian sau tết, hội chợ triển lãm do nhiều tỉnh, thành tổ chức là cơ hội để quảng bá, bán hàng và xúc tiến thương mại. Tại các cuộc hội chợ, triển lãm, người tiêu dùng được giới thiệu sản phẩm, dùng thử và quyết định mua rồi trở thành khách hàng thường xuyên. Tuy nhiên, do dịch bệnh, hầu hết các hội chợ, triển lãm đều tạm dừng, anh chuyển sang hình thức kinh doanh online thông qua trang Facebook cá nhân, sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Tuy nhiên, kinh doanh như hiện tại chỉ phục vụ được lượng khách hàng cũ, chưa thể phát triển khách hàng mới do họ chưa từng biết đến sản phẩm.

Cẩn thận khi giao dịch

Theo Thu Thủy - chủ cửa hàng trà sữa Xì Phố, đường Hùng Vương, TP.Tân An, để chủ động phòng, chống dịch, người dân ít ra đường mua sắm, đặc biệt là ăn uống ở bên ngoài, khiến doanh thu bán hàng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Thu Thủy chịu khó đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, tích cực giới thiệu cửa hàng trên mạng xã hội, giao hàng tận nơi đến khách không mất phí. Nhờ vậy, hiện cửa hàng không chỉ bán được trà sữa mà còn bán được thức ăn vặt và cả thức ăn sáng. 

Người tiêu dùng có thể mua hàng hóa ở mọi không gian qua hình thức thương mại điện tử

Còn theo anh Nguyễn Quốc Phong, từ khó khăn, sự ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà anh có thêm kênh bán hàng mới. Sau đợt dịch bệnh, chắc chắn, anh không chỉ tập trung 1 kênh bán hàng duy nhất tại quán mà tiếp tục đẩy mạnh hình thức kinh doanh online. Bởi theo anh, thị trường này đang tiềm năng, phục vụ nhu cầu người dùng bận rộn, không đủ thời gian đến quán. Theo dự tính, anh sẽ chính thức đăng ký bán hàng trên kênh Lazada và nhờ chuyên viên của Sở Công Thương tư vấn, hỗ trợ cách đăng ký và khai thác bán hàng. Giải thích lý do bán hàng trên kênh Lazada, anh Quốc Phong cho rằng, như vậy để tạo lòng tin với khách hàng bởi kênh bán hàng này có uy tín, hầu hết sản phẩm bán ra đều phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về chất lượng và xuất xứ hàng hóa, an toàn thực phẩm. 

Thông tin từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thương mại điện tử là một “miếng bánh” lớn, nếu doanh nghiệp tận dụng tốt có thể phát triển vượt bậc. Năm 2019, doanh thu bán lẻ của cả nước đạt gần 162 tỉ USD nhưng bán lẻ truyền thống chiếm đến 70%, các kênh bán lẻ hiện đại như website, các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch hàng hóa,... hiện tại đang chiếm hơn 22%. Chỉ số thương mại điện tử tỉnh Long An năm 2019 đạt 36,9 điểm (tăng 2,7 điểm so với năm 2018), xếp hạng 30/54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các tỉnh còn lại không tham gia xếp hạng).

Theo nhiều cơ sở kinh doanh, chủ yếu là thực phẩm, hiện nay, nhờ việc chuyển mình theo xu hướng mua của khách hàng nên nhiều quán vẫn kinh doanh ổn, tuy không nhiều như lúc trước. Điều này cho thấy, các cửa hàng đã có biện pháp "sống chung" với dịch, duy trì kinh doanh bằng nhiều cách khác nhau như miễn phí vận chuyển, khuyến mãi, giảm giá,... Đồng thời, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, theo khuyến cáo từ các cơ quan chức năng, chủ quán bảo đảm an toàn tại cơ sở kinh doanh bằng cách bắt buộc nhân viên đeo khẩu trang, trang bị dung dịch rửa tay sát khuẩn trước và sau khi giao hàng cho khách và thường xuyên vệ sinh đồ đạc để khách hàng an tâm mua sắm.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, có thể khẳng định, việc ứng dụng TMĐT để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, hàng hóa là một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh, nhất là trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến TMĐT, chưa có nhiều kiến thức và đặc biệt là chưa biết cách khai thác các hệ sinh thái sẵn có của TMĐT để phát triển. Thời gian qua, Sở đã phối hợp Hiệp hội TMĐT Việt Nam, kênh bán hàng Lazada tổ chức tư vấn, hỗ trợ kinh doanh TMĐT cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong tỉnh. Đây là cơ hội để đơn vị kinh doanh tham gia và nâng cao doanh số bán hàng theo hình thức TMĐT. 

Theo bà Châu Thị Lệ, vẫn còn những rào cản khiến hoạt động TMĐT hay kinh doanh online nói riêng chưa phát triển mạnh. Đó là do hàng hóa chưa đạt chuẩn, giữa hình ảnh sản phẩm quảng cáo và thực tế khi giao cho khách hàng không giống nhau khiến người mua lo lắng, thiếu tin tưởng và không lựa chọn mua hàng online. Đặc biệt, vấn đề thanh toán trực tuyến là rào cản lớn bởi dễ rủi ro. Khi chọn mua hàng qua TMĐT, người tiêu dùng nên chọn đơn vị bán hàng có địa chỉ cụ thể, có mã số thuế và hình thức trả tiền sau khi nhận hàng. Đặc biệt, người mua hàng nên giữ lại hóa đơn bán hàng để dễ dàng xử lý khi có tranh chấp./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết