Cựu chiến binh Tám Nhỏ (Nguyễn Văn Nhỏ, ngụ ấp Cầu Ông Bụi, xã An Lục Long) không kìm được cảm xúc, ông nhìn xa xăm khi nhắc về Đội nữ pháo binh
Đội pháo binh đặc biệc ở Châu Thành
Về Ấp 7, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành hỏi về Đội nữ pháo binh, hầu như người dân nào cũng biết, mặc dù Khu tưởng niệm Đội nữ pháo binh nằm sâu trong ấp. Trước đây, khu tưởng niệm là khu đất hoang hóa, cây lá phủ kín, ít người qua lại, từng là địa điểm đóng quân của Đội nữ pháo binh. Năm 2009, khu tưởng niệm được đầu tư xây dựng và trở thành điểm đến giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên. Khuôn viên khu tưởng niệm được trồng hoa tạo cảnh quan xanh mát, tươi đẹp. Người dân Phước Tân Hưng nói riêng và Châu Thành nói chung luôn ghi nhớ, tự hào về tấm gương của những nữ anh hùng trên quê hương mình.
Nhấp ngụm nước trà, cựu chiến binh Tám Nhỏ (Nguyễn Văn Nhỏ, ngụ ấp Cầu Ông Bụi, xã An Lục Long) nhìn xa xăm khi nhắc về Đội nữ pháo binh. Ông là người tham gia Đội nữ pháo binh từ khi Trung đội mới thành lập đến ngày hoàn thành nhiệm vụ và từng là chỉ huy trưởng. Người cựu chiến binh trở lại quê nhà với mảnh đạn nằm trong phổi và những vết thương trên khắp cơ thể. Ở độ tuổi ngoài 70, có chuyện nhớ, chuyện quên nhưng ký ức về sự can trường, anh dũng của những đồng đội trong Đội nữ pháo binh thì ông không thể nào quên.
Ông kể như kể với chính mình: “Một ngày tháng 02-1968, Trung đội nữ pháo binh được thành lập tại nhà ông Bảy Tấn (ông Trần Văn Ngạn - PV), lúc đó là Huyện đội trưởng. Dưới trung đội là các tiểu đội. Chúng tôi có cối 82 và cối 61 chuyên thực hiện nhiệm vụ pháo kích vào các căn cứ địch”.
Mặc dù được gọi là Đội nữ pháo binh nhưng theo ông Tám Nhỏ, trong trung đội có 1 tiểu đội là nam bên cạnh lực lượng chủ yếu là nữ. Hầu hết các bà, các chị lúc ấy có tuổi đời còn rất trẻ, có người mới tròn 16 tuổi. Theo Sơ lược lịch sử Đội nữ pháo binh huyện Châu Thành, nhiệm vụ trọng tâm của Đội nữ pháo binh là trực tiếp chiến đấu ở chiến trường, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang ta tiến công địch. Bên cạnh đó, Đội nữ pháo binh còn tham gia công tác quần chúng, lao động, sản xuất giúp nhân dân. Có thể nói, nhiệm vụ của Đội nữ pháo binh thời điểm ấy rất nặng nề.
Ông Tám Nhỏ kể: “Theo chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi bắn pháo vào các căn cứ Mỹ quanh khu vực Châu Thành: Căn cứ ở Hiệp Thạnh, căn cứ ở Bình Tịnh, chi khu Bình Phước (Châu Thành theo tên gọi của địch thời điểm đó - PV), các đồn, bót,… Chúng tôi gây ra nhiều tổn thất cho địch nên bọn địch rất căm ghét, luôn tìm cách tiêu diệt Đội nữ pháo binh. Hồi đó, Mỹ treo giá cao lắm cho ai chỉ điểm được Đội nữ pháo binh đóng ở đâu. Do chúng tôi thay đổi địa điểm liên tục lại được dân che giấu nên tụi nó tìm không ra”.
Đội nữ pháo binh được xem là một lực lượng khá đặc biệt khi không có căn cứ cố định, địa điểm đóng quân là những nơi có địa hình, địa vật thuận lợi và được nhân dân đùm bọc. Không chỉ vậy, Sơ lược lịch sử Đội Nữ pháo binh huyện Châu Thành còn có đoạn ghi: “Về cơ bản, các nữ chiến sĩ chưa được học tập qua trường lớp chính quy, đa số còn trẻ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, chỉ được huấn luyện trong một thời gian ngắn, được truyền đạt những kiến thức cơ bản về lý thuyết và thực hành thao tác sử dụng vũ khí trong chiến đấu”.
“Thà chết chứ không chiêu hồi”
Mặc dù vậy, trong quá trình chiến đấu, Đội nữ pháo binh không lùi bước trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào. Lực lượng chủ yếu là nữ trong khi các khẩu cối đều rất nặng, chị em linh động tháo rời từng bộ phận chôn, giấu cẩn thận sau mỗi lần pháo kích địch. Mỗi lần di chuyển địa điểm, các nữ pháo binh thay nhau vác từng bộ phận của các khẩu cối, nhẹ nhất cũng hơn 20kg. Nhắc đến những vất vả, khó khăn đó, ông Tám Nhỏ không cầm được nước mắt, ông nghẹn lời: “Hồi đó vất vả lắm, nghĩ mà thương đồng đội. Tôi còn sống đây nhưng đồng đội hy sinh nhiều lắm”. Rồi ông khóc thật. Câu chuyện ngừng hẳn khi ông kể đến ngày Đội nữ pháo binh bị bao vây, pháo kích dữ dội tại điểm tập kết ấp 7, xã Phước Tân Hưng.
Đó là buổi sáng đầy ám ảnh khi Đội nữ pháo binh bị chỉ điểm, địch bao vây, bắn pháo tới tấp vào địa điểm đóng quân. Các chiến sĩ ta đã chiến đấu và hy sinh một cách anh dũng để lại tấm gương sáng cho các thế hệ sau. Theo trí nhớ của cựu chiến binh Tám Nhỏ và sách Châu Thành lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) chỉ có 3 người còn sống sau trận càn đó. Sau khi địch rút, các chiến sĩ của Đội nữ pháo binh đã anh dũng hy sinh, được đồng đội và người dân chôn cất.
Ông Tám Nhỏ kể: “Giặc bắn đạn, pháo xuống như mưa, chúng tôi không còn chỗ trú. Giặc kêu gọi đầu hàng nhưng chúng tôi đã nói theo cách mạng là thà chết chứ không chiêu hồi. Trong trận đó, có người hy sinh, có người bị bắt sống rồi cũng bị tụi nó giết. Có người bị tụi nó thiêu. Tụi nó muốn diệt sạch nhưng tôi may mắn thoát được. Sau đó, tôi ở lại di chuyển được 2 khẩu cối 82 và cùng bà con chôn cất đồng đội của mình. 2 khẩu cối 82 còn lại bị địch lấy mất”. Người cựu chiến binh lại lau nước mắt.
Sau đợt tập kích đó, Đội nữ pháo binh được bổ sung lực lượng và tiếp tục chiến đấu đến năm 1972 thì được sáp nhập vào Tổng đội Thanh niên xung phong của huyện. Thành tích chiến đấu, hy sinh của Đội nữ pháo binh là điểm son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của Châu Thành cũng như truyền thống của phụ nữ Việt Nam./.
Các chiến công của Đội nữ pháo binh Châu Thành trong quá trình chiến đấu: (Theo Châu Thành lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 -1975))
- Tiêu hao, tiêu diệt 475 tên Mỹ - ngụy.
- Diệt 12 khẩu pháo và 18 xe tăng, xe tải của địch.
- Đánh hư 7 khẩu pháo 105 ly ở căn cứ Bình Tịnh.
- Đánh hỏng 2 khẩu pháo ở Kỳ Son và quận lỵ.
- Đơn vị được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng II.
|
Thu Lam