Tiếng Việt | English

12/08/2021 - 01:50

“Tiếng loa biên phòng” tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Đồn Biên phòng (ĐBP) Sông Trăng (xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh đến tận xóm, ấp trên địa bàn biên giới với nhiều cách làm sáng tạo, tiết kiệm và hiệu quả.

Mô hình “Tiếng loa biên phòng” là cách tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế hiện nay

Những ngày này, người dân các xã biên giới của huyện Tân Hưng đã quen với hình ảnh những chiến sĩ quân hàm xanh chở theo phía sau xe máy một chiếc loa phát liên tục các nội dung tuyên truyền liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến tận xóm, ấp. Cùng với hình thức tuyên truyền “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hình thức tuyên truyền bằng Tiếng loa biên phòng rất thiết thực, hiệu quả, giúp người dân hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 và chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ, tỉnh, địa phương.

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc tuyên truyền tập trung đông người không còn phù hợp, tuyên truyền nhỏ, lẻ lại không phát huy hiệu quả. Mô hình Tiếng loa biên phòng được ĐBP Sông Trăng triển khai, thực hiện từ tháng 5/2021, đến nay, phát huy tối đa hiệu quả ở nơi có địa bàn rộng, đường đi lại khó khăn, hệ thống truyền thanh của xã chưa đáp ứng được nhu cầu. Chỉ với 1 chiếc loa di động, nội dung tuyên truyền được thu sẵn và xe gắn máy có thể di chuyển đến tất cả những nơi có người dân sinh sống để tuyên truyền những thông tin về tình hình và quy định phòng, chống dịch bệnh.

 Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh - Chính trị viên ĐBP Sông Trăng, cho biết: “Tranh thủ lúc sáng sớm và chiều tối, cán bộ, đoàn viên, thanh niên của đơn vị chở chiếc loa phía sau xe máy chạy dọc các tuyến đường ở các ấp trên địa bàn, phát những nội dung tuyên truyền được thu âm sẵn. Đối với những khu vực tập trung đông dân cư, cán bộ phụ trách Tiếng loa biên phòng chạy xe chậm, phát đi, phát lại nhiều lần các nội dung tuyên truyền để người dân nghe, hiểu và tự giác chấp hành”.

“Tùy vào tình hình thực tế, đơn vị sẽ xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp. Riêng trong giai đoạn hiện nay, đơn vị tập trung tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhắc nhở người dân không ra đường khi không thật sự cần thiết, không tụ tập đông người và giữ khoảng cách tối thiểu 2m; vận động người dân thực hiện “5K” và nếu có người thân từ nơi khác về thì báo cho chính quyền địa phương; tuyên truyền người dân không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép” - Thiếu tá Linh thông tin thêm.

Mặc dù mới triển khai nhưng mô hình Tiếng loa biên phòng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân. Chị Nguyễn Thị Châm, ngụ ấp Sông Trăng, xã Hưng Hà, chia sẻ: “Tôi thấy mô hình này rất thiết thực. Sau khi nghe các thông tin tuyên truyền từ loa di động, người dân ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch Covid-19, không tụ tập đông người, không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết”.

Bên cạnh tuyên truyền qua mô hình Tiếng loa biên phòng, ĐBP Sông Trăng còn cử cán bộ đến các địa bàn phụ trách, phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, Đồn phát hơn 800 tờ rơi tuyên truyền, 5.000 khẩu trang y tế, 80 chai dung dịch sát khuẩn cho người dân trên địa bàn 3 xã: Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B (huyện Tân Hưng). Ngoài ra, Đồn còn duy trì 5 chốt, 27 tổ công tác với hơn 80 cán bộ, chiến sĩ (biên phòng, quân sự, dân quân) vừa bảo vệ biên giới, vừa phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuyên truyền bằng loa di động là biện pháp phù hợp với tình hình thực tế, mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết