Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em (SC), trong hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng trẻ em ở Việt Nam có thiết bị kết nối Internet (như máy tính, điện thoại thông minh, iPad…) đã tăng lên hơn 66%. Đáng quan tâm là số lượng trẻ em ở nước ta có cơ hội tiếp xúc với mạng Internet không chỉ nhiều mà còn khá sớm (từ 3-4 tuổi), nên các rủi ro trên mạng đối với trẻ em cũng nhiều hơn.
Dịch Covid-19 làm gia tăng thời gian, mức độ tiếp xúc với Internet của trẻ em.
Trẻ dễ bị mắc “bẫy” trên không gian mạng Internet
Tại nước ta, khoảng 2/3 trong số hơn 24,7 triệu trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Trung bình trẻ em sử dụng các thiết bị này từ 1 đến 3 tiếng mỗi ngày, để học tập và giải trí. Cụ thể, có khoảng 83% trẻ vào mạng Internet để học tập, nghiên cứu, khoảng 70% trẻ sử dụng mạng Internet cho việc xem phim, nghe nhạc, xem các chương trình giải trí, đọc tin tức, giao lưu, kết nối bạn bè và khoảng 58% chơi trò chơi điện tử trực tuyến.
Do Internet có một số đặc tính, nên không chỉ trẻ em, mà ngay cả người lớn cũng có thể gặp phải rủi ro. Ví dụ như đặc tính “Công khai” trên Internet, chỉ cần đăng tải một thông tin nào đó lên mạng, thì tính công khai sẽ khiến thông tin lan truyền rất nhanh, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới người khác cũng có thể đọc được. Hoặc đặc tính “Ẩn danh” cũng có thể khiến cho trẻ em bị mắc bẫy khi kết bạn với những kẻ cố tình muốn dấu danh tính, để lừa đảo, hoặc có ý đồ xấu hơn là bắt nạt, xâm hại trẻ sau khi làm quen trên mạng.
Chưa kể, các nguồn thông tin được đưa lên mạng mà trẻ em tiếp cận được, chưa chắc đã là các thông tin đúng, hoặc các em cũng khó phân biệt được đâu là tin đúng, đâu là tin sai thật, hoặc tin nhằm mục đích lừa đảo.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững, mạng Internet đem lại sự kết nối cho người sử dụng khi tham gia vào các mạng xã hội, các diễn đàn… nhưng bất cứ khi nào có ý định chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh,… của mình với những người bạn trên mạng, trẻ em đều cần biết rằng, các thông tin này có thể trở thành mối đe doạ với chính mình. Bởi vì, với đặc tính “vĩnh viễn”, chỉ cần các em đăng tải thông tin, ảnh hay clip lên mạng, thì nó sẽ tồn tại vĩnh viễn, dù sau đó các em đã tự xoá những thông tin, hình ảnh, clip đó đi. Do đó, trẻ em có thể gặp rất nhiều rủi ro, từ chính các đặc tính này của Internet.
“Với những đặc tính như “Công khai”, rồi “Kết nối”, “Ẩn danh”, “Vĩnh viễn”… thì bên cạnh những lợi ích Internet cũng đi kèm với những rủi ro mà trẻ em thanh thiếu niên của chúng ta rất dễ gặp phải. Ví dụ như là bị mất cắp thông tin, bị lừa đảo, bị bắt nạt trên môi trường mạng, rồi xem các thông tin độc hại, không phù hợp, tin sai lệch, thậm chí là bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng nữa. Ngoài ra, còn có những rủi ro khi tham gia cả những thử thách, thách thức nguy hiểm, ví dụ như trò chơi khăm Momo, hay là thử thách cá voi xanh, treo cổ dẫn tới cả trẻ nhỏ đã thiệt mạng. Đó là những cái vô cùng độc hại, rủi ro, mà không thể lường trước được”, bà Linh nhấn mạnh.
Việt Nam có chỉ số an toàn trực tuyến dành cho trẻ em thấp
Trước các rủi ro tiềm ẩn, khó có thể lường trước trên môi trường mạng, trẻ em đang cần được hướng dẫn, đào tạo, nâng cao kỹ năng khi tham gia các hoạt động có kết nối Internet. Bởi theo khảo sát của hãng Nielsen, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có chỉ số an toàn trực tuyến dành cho trẻ em thấp nhất thế giới.
Trẻ em có thể dễ dàng "mắc bẫy" các đối tượng xấu trên Internet.
Mặc dù các em có thể giỏi về công nghệ hơn người lớn, song vì còn non nớt, chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, nên trẻ em dễ bị mắc bẫy của kẻ xấu. Thực tế đã xảy ra không ít trường hợp, trẻ em bị xâm hại vì làm quen với những đối tượng xấu qua mạng xã hội hoặc bị gợi ý xem những hình ảnh, clip không phù hợp với lứa tuổi.
“Xâm hại tình dục trên mạng quả thực rằng đang là một vấn đề, khi mà chúng ta không thể tiếp tục bắt con em chúng ta là rời xa điện thoại thông minh, rời xa mạng xã hội. Cho nên cha mẹ cần đồng hành cùng con, nên chia sẻ với con và dạy con các kỹ năng. Cái đó là vô cùng quan trọng. Bởi không chỉ là câu chuyện bị xâm hại tình dục trên mạng thông qua những cái gọi là những clip đen, hay là bấm vào link này để xem… Đấy quả thực là những nguy cơ vô cùng nguy hiểm”, bà Linh nêu ý kiến.
Rủi ro trên mạng Internet là muôn hình, vạn trạng và khó có thể đoán định. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn với trẻ em, là khi gặp rủi ro trên mạng, rất ít khi trẻ chia sẻ với phụ huynh, hay thầy cô giáo. Thậm chí, đã có nhiều trẻ im lặng chịu đựng, dẫn đến stress, sau đó có hành động tiêu cực, gây hại cho chính bản thân. Đáng buồn là đã có không ít vụ trẻ tự tử khi không thể giải quyết được các rắc rối từ môi trường mạng.
Trang bị “vaccine số” cho trẻ
Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) cho rằng, cần sớm trang bị “vaccine số” cho trẻ em, để các em có thể tham gia mạng Internet an toàn. Một trong những hoạt động trong sáng kiến này là Cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin”, do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Vụ Giáo dục chính trị Công tác học sinh, sinh viên Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tổ chức.
Ông Trần Đăng Khoa, đại diện Cục An toàn Thông tin.
Ông Trần Đăng Khoa, đại diện Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cuộc thi học sinh với an toàn thông tin là một sân chơi rất bổ ích các em học sinh, giúp các em có thể trực tiếp tiếp cận với các thông tin. Bên cạnh đó, khi các em nâng cao nhận thức, sẽ giúp cho các em có thêm các kỹ năng, để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng.
“Tôi nghĩ rằng đây không chỉ là một cuộc thi mà nó còn là một sáng kiến, là một khởi đầu quan trọng và tiếp theo đó sẽ có rất nhiều sự kiện nữa trong các chương trình mà các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan cùng phối hợp nhằm thực hiện công tác bảo vệ thanh thiếu niên và trẻ em trên không gian mạng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Khoa nêu rõ.
Việc tham gia vào môi trường Internet là một điều tất yếu, khách quan mà chúng ta không thể thay đổi được. Do vậy, chúng ta phải có cách tham gia một cách an toàn nhất, thông minh nhất. Thay vì chuyện chúng ta ngăn cản, cấm đoán con tiếp xúc và sử dụng Internet, thì chúng ta nên trang bị các kỹ năng để cho con cái cũng như phụ huynh nhận biết được đâu là nội dung tốt, đâu là nội dung không tốt, đâu là những thông tin có thể dẫn đến là những hành vi lừa đảo… Đây cũng là một trong những hoạt động góp phần thực hiện Đề án về “Tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025” và “Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”.
“Phải tìm hiểu cả những kiến thức cách thức để cho chúng ta tự bảo vệ mình khi tham gia vào môi trường Internet và cả những kiến thức rất cơ bản về an toàn thông tin mạng, những kiến thức về pháp luật. Có như vậy, thì sau này, các con mới có thể tham gia vào môi trường mạng an toàn, hình thành ý thức tuân thủ pháp luật, nhận biết được các hành vi không đúng pháp luật, có thể trở thành công dân số trong tương lai”, ông Khoa cho biết thêm./.
Vân Anh/VOV.VN