Mang vác nặng hành quân
Chiều biên giới một ngày đầu tháng 10, bầu trời âm u với những đám mây đen trôi lững lờ báo hiệu những cơn mưa có thể trút xuống bất cứ lúc nào. Dù thời tiết bất lợi nhưng không ngăn được không khí chuẩn bị cho một buổi hành quân rèn luyện của Đại đội Bộ binh huyện Thạnh Hóa.
16 giờ, trực ban Đại đội cất tiếng còi kèm theo khẩu lệnh: “Đại đội Bộ binh huyện Thạnh Hóa tổ chức hành quân rèn luyện”. Sau 5 phút, cán bộ, chiến sĩ có mặt đầy đủ cùng với quân, tư trang cá nhân và vũ khí.
Kiểm tra quân, tư trang cá nhân và vũ khí trước khi hành quân bộ
Chỉ huy Đại đội và các trung đội trưởng kiểm tra quân, tư trang và vật dụng được mang theo trong ba lô hành quân. Trong đội hình, hàng ngũ chỉnh tề, công tác gói buộc ba lô và vũ khí trang bị đã hoàn thành.
Thượng úy Lê Phú Cường - Đại đội trưởng Đại đội Bộ binh huyện Thạnh Hóa, hạ đạt mệnh lệnh hành quân: “Mệnh lệnh hành quân, hành quân chiến đấu. Đường hành quân, đường mòn, đường cấp phối,...”.
Trước khi cơ động, Đại đội trưởng cho bộ đội chạy tại chỗ. Đây là bước đầu tiên để kiểm tra khả năng gói buộc của bộ đội, nhằm bảo đảm các vật dụng không bị rơi rớt khi hành quân, mặt khác, vừa bảo đảm bí mật, an toàn trong suốt quá trình cơ động.
Dù chưa hành quân nhưng mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Việc mang vác nặng đòi hỏi mỗi đồng chí phải dồn sức lên đôi vai và đôi chân.
Theo Thượng úy Lê Phú Cường, để bộ đội có thể thực hiện tốt nội dung hành quân mang vác nặng là cả một quá trình rèn luyện. Thời gian đầu, khối lượng mang vác là 20kg, sau đó tăng dần lên đến 30kg. Việc tăng dần khối lượng giúp cơ thể chiến sĩ thích ứng với trọng lượng mang vác.
“Đây là một yêu cầu được đặt ra trong tập luyện. Bởi trong thực tế, trong tình huống đánh trận thật thì bộ đội phải mang vác rất nhiều vật chất, vũ khí trang bị phục vụ chiến đấu” - Thượng uý Lê Phú Cường nói.
Phát huy tính tập thể khi hành quân
Hành quân không phải đơn thuần là đi bộ. Cái khó là đội hình phải theo một hàng dọc cự ly lên đến hàng cây số. Khoảng cách giữa người với người 2-2,5m và bảo đảm tốc độ hành quân. Bên cạnh đó, có những địa điểm, bộ đội phải cơ động nhanh một quãng đường ngắn. Vì vậy, mỗi cá nhân phải biết phân phối sức trong suốt chặng đường.
Các tổ, tiểu đội cũng phải giúp đỡ nhau trong hành quân khi cần thiết. Đồng thời, đơn vị phải có các phương án xử lý tình huống phát sinh trong hành quân. Để truyền đạt mệnh lệnh cho toàn đội hình, người chỉ huy dùng khẩu lệnh truyền miệng thông báo từ người đứng đầu đội hình cho đến người cuối cùng. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ phải chấp hành nghiêm kỷ luật hành quân.
Cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bộ binh huyện Thạnh Hóa trên đường hành quân mang vác nặng
Trung sĩ Trần Minh Luân - chiến sĩ Đại đội Bộ binh huyện Thạnh Hóa, chia sẻ, thời gian đầu, bản thân cảm thấy rất mệt. Đôi vai sưng tấy như bị tảng đá nặng đè lên, còn đôi chân căng cứng cơ, người thì đau ê ẩm. Nhưng sau một thời gian rèn luyện, cơ thể trở về trạng thái bình thường.
Theo Trung sĩ Nguyễn Mạnh Kha - Khẩu đội trưởng Khẩu đội Đại liên, Đại đội Bộ binh huyện Thạnh Hóa, khẩu đội đại liên có thân súng nặng 17kg, chân súng nặng 14kg. Việc mang vác rất cồng kềnh. Để hoàn thành cự ly hành quân, các bộ phận của súng được tách rời, giao cho từng cá nhân mang vác. Riêng thân súng được quấn vải mềm xung quanh, vác trên vai để không bị cạnh súng làm đau. Cùng với đó, Khẩu đội chia cự ly thay phiên nhau vác chân súng và thân súng. Có như thế sẽ bảo đảm các cá nhân trong Khẩu đội có khoảng thời gian hồi phục cơ thể, không bị rớt đội hình.
Hành quân mang vác nặng là bước rèn luyện giúp bộ đội có thể chủ động thực hiện tốt tình huống sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ. Để bộ đội phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt qua gian khổ, công tác động viên tư tưởng bộ đội là nhiệm vụ quan trọng.
Theo Thượng úy Nguyễn Cao Thành Công - Chính trị viên Đại đội Bộ binh huyện Thạnh Hóa, hành quân đường dài rất dễ gây ra tâm lý căng thẳng. Đặc biệt, khi cơ thể đã mệt mỏi thì mang thêm một vật dụng dù nhỏ vẫn có cảm giác nặng nề, dễ tạo tâm lý buông xuôi. Để bộ đội hoàn thành tốt nhiệm vụ hành quân rèn luyện, đội ngũ cán bộ luôn bám sát, động viên. "Đặc biệt là phát huy tính tập thể trong hành quân. Nếu lỡ những đồng chí bị đau chân hoặc sức khỏe yếu thì quá trình hành quân, các tiểu đội sẽ cắt cử người giúp đỡ như phụ mang súng, túi gạo,...” - Thượng úy Nguyễn Cao Thành Công chia sẻ.
Cứ thế vượt qua nhiều vất vả, thử thách, các chiến sĩ Đại đội Bộ binh huyện Thạnh Hóa sau 3 giờ hành quân đã hoàn thành chặng đường dài 20km trở về đơn vị khi trời tối mù. Dù mệt nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ đều cảm thấy hài lòng, phấn khởi khi hoàn thành chặng đường đầy thử thách./.
Lê Đức - Biện Cường