Tiếng Việt | English

30/10/2022 - 09:40

3 thanh niên sáng chế máy vớt lục bình

Từ trăn trở của người bạn làm cán bộ tại thị trấn Đông Thành về vấn nạn lục bình dày đặc trên các tuyến kênh, rạch ở địa bàn thị trấn nói riêng và huyện Đức Huệ, tỉnh Long An nói chung, anh Trần Thanh Trang (39 tuổi), anh Nguyễn Huỳnh Bảo (38 tuổi) và anh Nguyễn Tấn Đạt (38 tuổi), cùng ngụ khu phố 1, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ bắt tay mày mò, tìm các nguyên vật liệu để thiết kế, sáng chế máy vớt lục bình.

Thử nghiệm máy vớt lục bình trên dòng kênh thuộc địa bàn thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ

Hiện tại, máy vớt lục bình cơ bản hoàn thiện và bước đầu hoạt động tốt. Anh Trần Thanh Trang chia sẻ: “Thấy ý tưởng này hay nên chúng tôi thống nhất với nhau thực hiện, tính đến nay đã hơn 2 tháng.  Trong quá trình sáng chế máy vớt lục bình, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hễ trục trặc ở khâu nào, chúng tôi sửa ngay, nhờ vậy, máy đã hoàn thành khoảng 95%”.

Anh Trang, anh Bảo và anh Đạt đều không có chuyên môn và cũng không am hiểu về kỹ thuật chế tạo máy nhưng với suy nghĩ giúp địa phương giải quyết tình trạng lục bình sinh sôi trên các kênh, 3 anh đều cố gắng để sáng chế thành công chiếc máy vớt lục bình. Chiếc máy vớt lục bình gồm đầu máy cày, xà lan, hệ thống trục vớt, trục nghiền và trục ép với chiều ngang 2,4m, chiều dài 7,5m và trọng lượng gần 5 tấn. Tính đến thời điểm hiện tại, các anh đã đầu tư trên 200 triệu đồng để làm máy vớt lục bình. Khi vận hành, chỉ cần 1 người điều khiển máy, 1 hoặc 2 người thu gom lục bình bỏ vào bao. Sau khi ép lục bình, các anh vận chuyển lên bờ, đem bán cho người dân có nhu cầu mua xác lục bình để đắp gốc, bón phân cho các loại cây trồng. Sau khi được nghiền và ép, xác lục bình còn khoảng 20% nước, mỗi bao có trọng lượng từ 15 - 20kg, bán giá 15.000 đồng/bao. Anh Trang cho biết: “Nếu vớt liên tục trong khoảng 1 giờ thì có thể thu được từ 30 - 50 bao xác lục bình”.

Dù chưa hoàn thiện 100% nhưng qua những lần thử nghiệm cho thấy, chiếc máy vớt lục bình do anh Trang, anh Bảo và anh Đạt sáng chế đã mang lại những hiệu quả bước đầu. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu giúp chính quyền địa phương và người dân tiêu diệt lục bình, khơi thông dòng chảy cho các tuyến kênh, rạch trên địa bàn. Ngoài ra, xác lục bình sau khi vớt, nghiền và ép còn được người dân dùng làm phân hữu cơ để tăng năng suất cho cây trồng mà không gây ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao./.

Kim Tiến - Tấn Hữu

Chia sẻ bài viết