Tiếng Việt | English

16/05/2020 - 10:00

Mùa muồng muỗng trổ bông

Ngày hè, khi ánh nắng rải đều trên khắp những ngọn đồi, chiếu rọi miền quê xanh mướt, lũ trẻ con chúng tôi rủ nhau đi chăn bò. Đàn bò đi trước, lũ trẻ líu ríu theo sau. Khi những chú bò đã say sưa gặm cỏ, chúng tôi chia nhau ra đi tìm cây muồng muỗng. Mới chớm hè, những cây muồng muỗng bắt đầu trổ bông. Nụ hoa vàng, những bông nho nhỏ như bông hoa cau, đậu trên thân cây cao chừng hơn một mét. Muồng muỗng thường tập trung ở một góc, vàng rực lên, và rồi đơm quả. Quả nó to bằng đầu ngón tay út, vị chan chát, thơm thơm. Món ngon của lũ trẻ chúng tôi là được hái muồng muỗng, từng chùm một ngồi ở dưới gốc cây mát bóc ra thưởng thức.

Từ lúc những bông muồng muỗng nở cho đến khi đậu quả và già, cũng khoảng hơn một tháng. Đó là thời gian dài đằng đẵng đối với những đứa trẻ. Chúng tôi chia nhau từng mảnh đất, chỗ này của Kiên, chỗ kia của Mậm, chỗ kia là của Thu… Đứa nào cũng có phần ranh giới riêng của mình. Đánh dấu ranh giới là những cuộn dây dù trắng lấy từ bao buộc gạo của má. Đóng một cây cọc nhỏ, buộc dây vào rồi kéo thành hình.

Thời gian chờ đợi muồng muỗng già, chúng tôi rủ nhau xuống suối bắt cua đá. Những con cua to bằng bàn tay, đen bóng, bơi lập lờ dưới nước. Trời nóng, chúng bơi ra ăn rong rêu, rồi lại chui vào hang. Bàn tay đứa nào nho nhỏ sẽ không thể túm gọn được một con cua, lỡ bị nó cắn thì sẽ khóc suốt dọc đường về. Cua đá chỉ đẹp và to nhưng không ngon, thơm và béo như cua đồng. Thế nên mỗi lần bắt được, chúng tôi bỏ vào cái chum nhỏ rồi chơi chứ không nấu ăn. 

Hết bắt cua thì lại cởi trần tắm suối. Dòng suối trong veo, mát lạnh. Ở mấy phiến đá, nước chảy róc rách. Chúng tôi nô đùa thỏa thích. Lâu lâu cử một đứa lên đếm bò. Thấy con nào tách khỏi đàn đi kiếm chỗ khác ăn thì lùa nó về một góc. Cả con suối rộn vang tiếng nô đùa.

Những ngày muồng muỗng bắt đầu già, lũ chúng tôi mang theo một cái bao rồi chăm chú hái bỏ vào bao mang về. Phần còn lại thì ngồi ăn ngon lành. Muồng muỗng chín dai, ăn sần sật như hạt đác, vị chát nơi đầu lưỡi. Lũ trẻ cứ thế thi nhau ăn hết quả này sang quả khác, cho tới khi xẩm tối thì lùa bò về và mang bao muồng muỗng hái được về nhà. Những bàn tay đen đúa, thâm sì vì bóc quả. Rồi cái miệng, cái lưỡi đứa nào cũng đen thùi lùi, cứ lè ra trêu đùa nhau vang cả cánh rừng.

Ăn muồng muỗng xong, chúng tôi kéo nhau xuống suối, uống một bụng no nê nước rồi mới về. Khi muồng muỗng hết mùa, má đã gom đủ để ngâm một hũ to. Thỉnh thoảng mang ra, rim lên ăn với cơm. Những ngày đi học, rồi mùa mưa, đường đi chợ xa xôi, muồng muỗng rim nước mắm, một ít hạt tiêu, ớt, lá chanh, một chút đường và một ít nước sôi, đủ để làm nên một món ăn lạ miệng, ngon lành mùa lũ. 

Những cánh rừng bớt rậm rạp hơn do một số lâm tặc chặt phá, nắng gay gắt. Mỗi năm tới hè, muồng muỗng không mọc nhiều như trước nữa. Chúng tôi phải chui tận lên đỉnh đồi, giữa cái nắng như thiêu như đốt để gom muồng muỗng. Có khi đứa nào yếu yếu, say nắng lăn đùng ra giữa đồi. Cả lũ xúm xít lại, bê xuống suối làm hô hấp nhân tạo. Những chiếc lá muồng muỗng dài như lá tre, nhưng nhỏ và nhọn, có gai đầu mũi, nên thỉnh thoảng hết trò, chúng tôi lại ngắt lá, trêu đùa nhau bằng cách đâm chọt nhau đau điếng.

Có những mùa hè, chúng tôi ngồi bên nhau, vừa bóc muồng muỗng ăn, vừa kể chuyện tương lai xa xôi. Những cành muỗng vàng vơi dần trong tay. Đứa ước mơ làm bác sĩ, đứa làm kỹ sư, đứa làm giáo viên… Có đứa ngây ngô, chỉ muốn về quê chăn bò, chăn thật nhiều bò để được ăn thêm nhiều muồng muỗng, được nằm dưới tán cây lộng gió, nghe rừng hát chuyện xa xăm./.

Ngô Nữ Thùy Linh

 

Chia sẻ bài viết