Tiếng Việt | English

24/08/2018 - 15:09

Nghệ thuật dân gian - nỗi niềm người “giữ ngọc”: Bài cuối - Gắng gượng với nghề

Mỗi một bộ môn nghệ thuật dân gian (hát bội, múa bóng rỗi) đều mang những giá trị truyền thống không gì thay thế được. Đó là biểu trưng cho đời sống tinh thần của người dân trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Giờ đây, số người còn theo đuổi, giữ gìn các bộ môn nghệ thuật này cũng thưa dần. Họ như những người “giữ ngọc”, cố gắng bảo tồn, lưu truyền giá trị nghệ thuật dân gian.

Nghệ nhân Lê Minh Hùng tâm sự, đến với nghề múa bóng rỗi là cái duyên nhưng cũng là cái nghiệp, dù có khó khăn cũng gắng gượng với nghề

Nghệ nhân Lê Minh Hùng tâm sự, đến với nghề múa bóng rỗi là cái duyên nhưng cũng là cái nghiệp, dù có khó khăn cũng gắng gượng với nghề

Thời vàng son của hát bội, múa bóng rỗi,... đã qua, những người làm nghề không còn nhiều “đất dụng võ” như xưa. Thế nhưng, họ vẫn gắng gượng bám nghề, vì đặt vào đó bao tâm huyết, đam mê và cái nghiệp trót mang!

Ai cũng có nghề tay trái

Xã hội phát triển, nhiều bộ môn nghệ thuật du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng “lấy lòng” khán giả. Những bộ môn nghệ thuật ấy không chỉ hay, hiện đại, mang tính giải trí cao mà còn “đánh trúng” vào thị hiếu người xem. Trong khi đó, những loại hình nghệ thuật truyền thống khá kén khán giả, đặc biệt thế hệ trẻ không hiểu ý nghĩa những câu hát, lời rỗi,... trong hát bội, múa bóng rỗi. Đó là những nguyên nhân làm cho những bộ môn nghệ thuật này dần mai một, những người làm nghề phải có thêm nghề tay trái để mưu sinh.

Là người múa bóng rỗi có tiếng và khá đắt “show” so với những người múa bóng rỗi trong tỉnh nhưng nghệ nhân Lê Minh Hùng (TP.Tân An) cũng không thể sống bằng nghề. Do đó, ngoài múa bóng rỗi, nghệ nhân Minh Hùng còn thổi kèn tây, hát phá quàn để kiếm thêm thu nhập. Ông tâm sự: “Hơn 40 năm làm nghề, lửa đam mê chưa bao giờ tắt. Có khi, lâu quá không được đi múa bóng rỗi, đến khi được mời, tôi vui đến mất ngủ, chỉ trông chờ đến ngày để đi. Nghề múa bóng rỗi có mùa. Đó là khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng tư âm lịch. Người ta gọi đó là mùa giao xuân. Những tháng khác hầu như rất ít cơ hội diễn. Bởi vậy, muốn theo nghề này thì phải đam mê và có thêm nghề tay trái để kiếm sống”.

Cũng như bộ môn múa bóng rỗi, nghệ sĩ (NS) hát bội ngày nay theo nghề vì niềm đam mê và tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống, không ai có thể sống với nghề, thậm chí các NS còn phải tự bỏ tiền túi để theo đuổi đam mê. Như chính NS Ngọc Mai, mặc dù xuất thân trong gia đình nhà nòi nhưng cũng phải tìm cho mình nghề nghiệp khác để mưu sinh. Bà và chồng vừa buôn gánh bán bưng, vừa tập hợp các anh chị em NS khác thành lập câu lạc bộ hát bội. Khi chồng bà qua đời, dù đơn độc, bà vẫn tiếp tục “hành trình”. Các con của bà, ai cũng theo nghề hát bội.

Vất vả để “nuôi” nghề!

Trong căn nhà nhỏ của NS Ngọc Mai, có lẽ nổi bật nhất chính là các đạo cụ, trang phục biểu diễn. Căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp nhưng từ quạt lông công đến mũ, áo vua chúa lấp lánh bà đều có. Vừa chỉ vào từng món đồ, NS Ngọc Mai vừa giới thiệu: “Đây là quạt lông công, đây là trường thương, áo mão. Thứ nào cũng đều được mua ở TP.HCM”. Theo NS Ngọc Mai, trang phục biểu diễn khá đắt tiền nên gần như toàn bộ thu nhập từ những lần đi hát được đầu tư vào trang phục, đạo cụ. NS Ngọc Mai chia sẻ: “Mình là phó chủ nhiệm câu lạc bộ nên ngoài trang phục biểu diễn, mình còn phải trang bị thêm phông màn, âm thanh, ánh sáng,...”.

Cuộc sống khó khăn dường như là điểm chung của những NS hát bội trong Câu lạc bộ Hát bội Long An. Muốn theo nghề, các NS buộc phải có một nghề nghiệp khác để có đủ kinh phí mua sắm phục vụ biểu diễn. NS trẻ Thanh Hiền kể: “Em là người mới theo nghề, vừa học, vừa diễn nên thu nhập chẳng bao nhiêu. Em đang làm ở TP.HCM, khi có đợt diễn em mới về. Chưa có nhiều tiền để đầu tư cho trang phục nên giờ em chủ yếu mặc đồ của đoàn!”. NS Thanh Hiền mới 18 tuổi nhưng tình yêu dành cho hát bội như đã ăn sâu vào máu. Em chọn đến với nghề như một cách nối nghiệp cha ông, chứ em cũng biết hát bội không thể là nghề chính của mình. Thanh Hiền nói: “Chắc tại em ăn cơm Tổ rồi nên không bỏ được!”.

Đó là lý do vì sao rất nhiều NS gắn bó với hát bội như duyên nghiệp mà không cách nào dứt ra được. Như trường hợp NS Hương Thanh Thảo, chị dành hầu như cả thanh xuân cho sân khấu hát bội. Với chị, hát bội không chỉ là nghề mà là nghiệp! “Vô nghề rồi là không bỏ được, trừ khi hết hát được như tôi...” - chị nói. Mặc dù NS Hương Thanh Thảo hiện mắc phải chứng bệnh về xương khớp, đi lại khó khăn, không thể tiếp tục đứng trên sân khấu nhưng mỗi lần câu lạc bộ đi biểu diễn, chị đều theo để được cảm nhận không khí của người NS.

NS Ngọc Mai kể: “Hương Thanh Thảo muốn khỏi bệnh cần phải phẫu thuật một lần nữa, chi phí khoảng 50 triệu đồng nhưng Thảo không có khả năng. Trước đây, Hương Thanh Thảo từng phẫu thuật một lần, vừa ra khỏi giường bệnh là Thảo lên sân khấu ngay. Do không có tiền tiếp tục phẫu thuật nên giờ Thảo không diễn được nữa!”. Được biết, trước đây, NS Hương Thanh Thảo vừa theo nghề hát bội, vừa buôn bán nhỏ ngoài chợ, thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống và “nuôi” đam mê hát bội. Từ khi bị bệnh, cuộc sống của chị lâm vào khó khăn, và niềm vui của chị là thỉnh thoảng nhìn ngắm lại những bức ảnh chụp ngày còn biểu diễn!

Theo nghệ sĩ Ngọc Mai, trang phục biểu diễn khá đắt tiền nên gần như toàn bộ thu nhập có được từ các lần đi hát đều được đầu tư vào trang phục và đạo cụ

Theo nghệ sĩ Ngọc Mai, trang phục biểu diễn khá đắt tiền nên gần như toàn bộ thu nhập có được từ các lần đi hát đều được đầu tư vào trang phục và đạo cụ

Những người như nghệ nhân Minh Hùng, NS Ngọc Mai, NS Hương Thanh Thảo,... đang tự mình gìn giữ những nét đẹp nghệ thuật truyền thống. Mặc dù cuộc sống khó khăn và các bộ môn nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều thách thức nhưng họ vẫn không từ bỏ. Chúng tôi xin phép trích dẫn ý kiến của Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian - Võ Trường Kỳ để khép lại loạt bài: “Nhà nước đừng bỏ những người yêu nghề như vậy. Vì họ đã và đang tự lực gìn giữ nghệ thuật truyền thống để trao gửi lại cho thế hệ sau”./.

Tôi nghĩ, nên có chính sách nuôi dưỡng các bộ môn nghệ thuật dân gian vì nó phản ánh bản sắc và là niềm tự hào dân tộc. Yêu cầu của hội nhập chính là giao lưu văn hóa, đôi khi du khách nước ngoài muốn tận mắt xem một chương trình nghệ thuật dân gian truyền thống của nước ta, tại địa phương ta. Nếu không gìn giữ thì ta sẽ không còn để giới thiệu “người thật, việc thật” cùng du khách và bạn bè quốc tế nữa”.

Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian - Võ Trường Kỳ

Ngọc Thạch-Phương Phương (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết


Tìm hiểu genz là gì Tìm hiểu mbti và cách áp dụng