Trẻ em bị thương trong một vụ đánh bom được điều trị tại bệnh viện ở tỉnh Ghazni, Afghanistan, ngày 07/7. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 12/8, các Công ước Geneva năm 1949 sẽ kỷ niệm 70 năm ngày ra đời tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ.
Đây là dấu mốc quan trọng đối với các văn kiện vốn tạo thành nền tảng của Luật Nhân đạo Quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Geneva, các Công ước Geneva năm 1949 gồm 4 công ước gắn với quyền của thường dân, tù binh chiến tranh và quân nhân bị thương và bệnh tật.
Cụ thể, đó là Công ước về cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; Công ước về việc cải thiện tình trạng của những thương binh, bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc lực lượng hải quân; Công ước về việc bảo hộ thường dân trong chiến tranh; và Công ước về bảo vệ tù binh trong chiến tranh.
Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis nhấn mạnh: "Trong bối cảnh sau Chiến tranh Thế giới thứ II, năm 1949, các quốc gia đã chấp thuận các Công ước Geneva vì những giá trị đạo đức phổ quát mà những văn kiện này chuyển tải, thể hiện cam kết mang tính toàn cầu vì nhân loại, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong các cuộc xung đột vũ trang."
Các Công ước Geneva năm 1949 tạo thành nền tảng của Luật Nhân đạo Qquốc tế, bộ quy tắc thiết lập các tiêu chuẩn nhân đạo tối thiểu của con người cần phải được tôn trọng trong mọi tình huống xung đột vũ trang.
Các quy tắc này phản ánh sự cân bằng phải có giữa các nguyên tắc về mặt quân sự và nhân đạo, cấm các bên tham gia xung đột gây ra đau thương, thương tích hoặc hủy diệt không thực sự cần thiết để đạt được mục đích quân sự.
Các Công ước cũng nghiêm cấm các bên tham gia cuộc chiến nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng như các trung tâm y tế hay giáo dục.
Các Công ước Geneva phải được tất cả các bên áp dụng và tôn trọng trong mọi cuộc xung đột vũ trang, bất kể động cơ tiến hành chiến tranh. Điều này liên quan đến các cuộc xung đột vũ trang phi quốc tế, nói cách khác là xung đột, thù địch giữa một quốc gia và một nhóm vũ trang hoặc giữa các nhóm vũ trang.
Việc thông qua điều khoản liên quan đến các cuộc xung đột vũ trang phi quốc tế nói trên vào năm 1949 là một bước đột phá quyết định vì các hiệp ước về nhân đạo quốc tế trước đây chỉ đề cập đến các tình huống chiến tranh giữa các quốc gia.
Nhờ các Công ước Geneva năm 1949, hàng triệu sinh mạng đã được cứu sống trong 7 thập kỷ qua. Ngoài ra, thông qua việc giảm thiểu hậu quả chiến tranh, các Công ước Geneva tạo điều kiện cho hòa bình lâu dài, ổn định và thịnh vượng trở lại.
Chủ tịch Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế Peter Maurer khẳng định: "Các Công ước Geneva năm 1949 thuộc số ít các điều ước quốc tế ghi nhận sự tham gia của đông đảo các quốc gia. Cụ thể, đến nay, các Công ước Geneva năm 1949 đã được tất cả các quốc gia trên thế giới phê chuẩn."
Đây là một trong những công cụ pháp luật được chấp thuận một cách rộng rãi nhất trên toàn thế giới và phản ánh thành tựu của chủ nghĩa đa phương.
Hiện nay, các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế vẫn còn tồn tại, điều này càng nhấn mạnh vai trò quyết định của các công ước này.
Thách thức hiện hữu đối với cộng đồng quốc tế là đảm bảo tôn trọng Luật Nhân đạo Quốc tế, bảo vệ, đối xử với mọi cá nhân bằng tinh thần nhân đạo, trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang.
Năm 2016, Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến để tìm hiểu quan điểm của cộng đồng về Luật nhân đạo quốc tế. Cuộc thăm dò ý kiến cho thấy 2/3 số người được hỏi cho rằng cần áp đặt giới hạn cho chiến tranh. Tấn công nhằm vào các trung tâm y tế là hành động không thể chấp nhận được.
Các cuộc chiến trên thế giới hiện tại cũng đặt cộng đồng quốc tế trước nhiều thách thức khó có thể đưa ra giải pháp thích đáng. Nhu cầu nhân đạo thường bị xếp xuống thứ yếu với lý do an ninh nội bộ.
Trong giai đoạn 2011-2019, một phân tích do Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế và Thụy Sĩ thực hiện cho thấy sự khó khăn trong việc thuyết phục các quốc gia chấp thuận các quy tắc mới về xung đột vũ trang và giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận hiện tại.
Tuy nhiên tất cả đều thống nhất ở một điểm. Đó là các quy tắc hiện hành đều chính đáng và quan trọng. Luật nhân đạo quốc tế là một thành tựu thời đại, cộng đồng quốc tế phải bảo vệ thành tựu quan trọng này.
Kỷ niệm 70 năm ký kết các Công ước Geneva là cơ hội để tất cả các quốc gia tiến hành các biện pháp cụ thể, tiếp tục cam kết vì nhân loại, đảm bảo thực thi Luật nhân đạo quốc tế.
Trong khuôn khổ các hoạt động kỉ niệm 70 năm các Công ước Geneva 1949, một triển lãm ảnh vinh danh các các phụ nữ trong các cuộc xung đột sẽ được tổ chức bên bờ Hồ Geneva.
Hai cuộc hội thảo cũng được dự kiến tổ chức vào ngày 12/9 tại trụ sở Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế ở Geneva.
Ngoài ra, Luật nhân đạo quốc tế cũng sẽ là tâm điểm tại Hội nghị quốc tế Phong trào Chữ thập Đỏ, dự kiến diễn ra vào tháng 12 này tại Geneva.
Đây là sự kiện diễn ra 4 năm một lần, tập hợp Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế, các đại diện của 191 hiệp hội quốc gia thành viên Phong trào Chữ thập Đỏ và tất cả các quốc gia tham gia các Công ước Geneva năm 1949 trên thế giới./.
Theo TTXVN