Tiếng Việt | English

19/01/2022 - 16:26

Ấn Độ - Thị trường tiềm năng của thanh long Việt Nam

Ngày 19/01, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp Bộ Công thương, 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Thuận và các cơ quan xúc tiến thương mại tại Ấn Độ tổ chức Hội nghị trực tuyến Xúc tiến thanh long Việt Nam sang thị trường Ần Độ.

Phó Giám đốc Sở Công thương - Châu Thị Lệ phát biểu tại hội nghị

Ấn Độ là nước nhập khẩu 95% thanh long từ các nước, trong đó, Việt Nam chiếm khoảng 80%. Theo đó, năm 2019 - 2020, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ đạt trên 11 ngàn tấn, kim ngạch trên 9,8 triệu USD. Năm 2020 - 2021, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với năm trước. Trong 7 tháng đầu năm tài chính 2021 - 2022, Ấn Độ nhập khẩu thanh long từ Việt Nam đạt kim ngạch gần 6 triệu USD, tăng 211% so với cùng kỳ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, diện tích trồng thanh long của tỉnh khoảng 12.000ha, sản lượng hàng năm khoảng 350.000 tấn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có năng lực kho, sơ chế có thể xuất khẩu với số lượng lớn. Tỉnh Long An mong muốn qua hội nghị này sẽ có nhiều mối quan hệ hợp tác giao thương giữa các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp Ấn Độ về mặt hàng thanh long.

Diện tích trồng thanh long của tỉnh khoảng 12.000ha, với sản lượng 350.000 tấn/năm

Để xuất khẩu thanh long bền vững sang thị trường Ấn Độ, đại diện Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực giữ thị phần tại thị trường tiềm năng này; phải đoàn kết chặt chẽ để cùng tạo nên uy tín cũng như sự cạnh tranh trên thị trường; tiếp tục nâng cao chất lượng trái thanh long, cải tiến mẫu mã bao bì;...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể chế biến các sản phẩm khác từ thanh long cũng như đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối lớn, điều kiện tuy có khắt khe nhưng sẽ bền vững hơn.

Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ là thị trường rộng lớn, có nhu cầu cao về hoa quả, trái cây, nhạy cảm với các biến động về giá cả. Vì vậy, việc giá thanh long Việt Nam giảm do phía Trung Quốc không thu mua có thể nghiên cứu đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường Ấn Độ.

Phía Đại sứ quán khẳng định sẽ nỗ lực quảng bá, kết nối tiêu thụ trái thanh long cũng như sản phẩm chế biến từ trái thanh long cho doanh nghiệp trong nước. Cùng việc nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn xuất khẩu thì việc đa dạng thị trường là giải pháp quan trọng để bảo đảm xuất khẩu thanh long bền vững cho Việt Nam nói chung và Long An nói riêng./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết