Đường giao thông nông thôn phát triển nhanh
Hệ thống đường GTNT của tỉnh Long An tiếp tục phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông trục xã, trục ấp phát triển đồng bộ, bảo đảm giao thông đi lại thuận lợi đến trung tâm các xã. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 128/161 xã đạt tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, đạt 79,5%. Đặc biệt, ở một số địa phương khi phát động xây mới, nâng cấp đường GTNT, quyết tâm mở rộng mặt đường từ 5m trở lên nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).
Ý thức của người dân ở nông thôn khi tham gia giao thông được nâng cao
So với cách đây vài năm, xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng có nhiều đổi thay. Đường GTNT được bêtông hóa, nhựa hóa khang trang. Chủ tịch UBND xã Thái Trị - Bùi Đức Thọ chia sẻ: “Với sự đóng góp của người dân theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đến nay, 100% (9,55km) đường trục xã, liên xã được đầu tư nhựa hóa, 100% (11,6km) đường trục ấp, liên ấp được bêtông hóa, cứng hóa; các tuyến đường trục chính nội đồng được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa với các địa phương lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương”.
Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, nhiều tuyến đường liên xã, liên ấp ở các xã, kể cả xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Hưng được xây dựng, nâng cấp. Hệ thống GTNT được cải thiện góp phần giúp người dân giao thương. Bên cạnh đó, đời sống người dân tại vùng nông thôn được nâng lên, người dân có điều kiện mua sắm phương tiện xe máy để đi lại.
Tại huyện Châu Thành, các tuyến đường GTNT xanh, sạch, đẹp được xây dựng ngày càng nhiều. Các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên phối hợp người dân tổ chức phát quang điểm có cây cối che khuất tầm nhìn; vận động người dân đóng góp kinh phí lắp đặt đèn đường và xây dựng biển báo hiệu, gờ giảm tốc tại khu vực ngã ba, ngã tư nhằm bảo đảm ATGT và an ninh, trật tự.
Ý thức của người dân được nâng lên
Cùng với Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Tân Hưng làm nhiệm vụ trên tuyến đường liên xã (thị trấn Tân Hưng - Vĩnh Châu B), người dân lưu thông trên tuyến đường này khá đông (do vào lúc tan trường, phụ huynh rước học sinh) nhưng đều có ý thức chấp hành pháp luật về ATGT khá tốt. Khi lực lượng chức năng có hiệu lệnh dừng để kiểm tra giấy tờ thì đa số người điều khiển phương tiện giao thông có đầy đủ giấy tờ theo quy định.
Ông Võ Văn Huy (ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm và có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Khi đã uống rượu, bia thì không nên điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông
Ngoài ra, để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, ngoài việc tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng cũng tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị, đoàn thể tổ chức các hội thi tuyên truyền về ATGT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời, triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo đảm ATGT, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Chị Võ Thị Giang (ấp 2, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng) nói: “Để bảo đảm ATGT cho bản thân và người khác thì khi đi đường phải đội mũ bảo hiểm, có đầy đủ giấy tờ, như tôi là hội viên phụ nữ cũng được các đoàn thể của xã, huyện và công an tuyên truyền pháp luật về ATGT, các lỗi xử lý vi phạm khi tham gia giao thông”.
Đồng bộ các giải pháp
Đi kèm với sự phát triển hạ tầng GTNT là sự gia tăng của các loại phương tiện giao thông và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT của một bộ phận người dân chưa cao. Đi trên các tuyến đường GTNT, chúng ta dễ dàng nhận thấy đủ các kiểu vi phạm quy định về ATGT của người dân như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định; đặc biệt là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia,...
Theo Thượng tá Hà Văn Lợi - Phó Trưởng Công an huyện Tân Hưng, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn huyện thời gian qua giảm đáng kể nhưng vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là cầu, đường GTNT qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm cho người và phương tiện lưu thông. Ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình trạng vi phạm quy định về ATGT còn diễn ra. Mặt khác, do lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông, xử lý vi phạm còn mỏng, trong khi mạng lưới giao thông nông thôn rộng, thường chỉ bố trí tuần tra ở các tuyến trọng điểm, phức tạp.
Hệ thống đường giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư
Để lập lại trật tự, ATGT, nhất là các tuyến GTNT, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT trong mọi tầng lớp nhân dân; vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về ATGT.
Đồng thời, phát huy vai trò của lực lượng công an trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường GTNT. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, tập trung xử lý nghiêm những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như xử lý vi phạm nồng độ cồn, ATGT trên các tuyến đường GTNT, không đội mũ bảo hiểm, các trường hợp thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển phương tiện chạy lạng lách, đánh võng,.../.
Trung Kiên