Tiếng Việt | English

08/02/2016 - 20:51

An toàn vệ sinh thực phẩm ngày Tết

Trong những ngày Tết, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn được mọi người quan tâm nhiều, nhất là các bà nội trợ. Làm thế nào để có thực phẩm tươi ngon, đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe của gia đình mình để những ngày tết vui tươi, trọn vẹn luôn là… trăn trở chung của họ.


Thịt, cá được bày bán tràn lan, không qua kiểm dịch là mối tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Người tiêu dùng cần cẩn trọng. 

Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Long An - Phạm Văn Đấu cho biết: “Để đảm bảo ATVSTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Chi cục thường xuyên phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về VSATTP cho các tiểu thương tại các chợ, tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên ngành đối với những cơ sở chế biến thực phẩm như bánh mì, các lò sản xuất bún, nước đá; các hộ kinh doanh những mặt hàng thực phẩm như trứng gia cầm, sữa, rượu các loại… Phối hợp cùng ngành thú y các huyện kiểm tra các lò giết mổ thường xuyên. Điều đáng mừng là những cái Tết Nguyên đán vừa qua, trên địa bàn tỉnh Long An không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8.423 cơ sở, trong dịp Tết Bính Thân 2016, tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP, tuyến huyện tổ chức 28 đoàn kiểm tra và 203 đoàn kiểm tra tuyến xã, kiểm tra 5.732 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Chi cục sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về VSATTP nhằm nâng cao nhận thức về VSATTP cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, trong đó tập trung nhiều đến nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên để họ thật sự trở thành những người tiêu dùng thông minh trong vấn đề lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn”.

Qua khảo sát tình trạng buôn bán thực phẩm tại một số chợ, cho thấy: Hầu hết các cơ sở kinh doanh thực phẩm đều kinh doanh với quy mô nhỏ, lẻ, tự phát, nhất là những gánh, quán hàng rong. Đây là một hình thức kinh doanh vừa tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua. Người bán không phải đóng thuế và người mua cũng thuận tiện. Chỉ cần tấp vào lề đường là có thể mua được bất cứ thứ nào mình cần, từ rau, cải, cá, thịt đến các loại thực phẩm chế biến sẵn…

Chị Nguyễn Trần Minh Thảo, nhà ở phường 5, TP.Tân An cho biết: “Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân ở Bến Lức, có 1 đứa con nhỏ và sống chung với ba mẹ chồng. Mẹ chồng lại lớn tuổi không giúp gì được, sau giờ tan ca tôi tranh thủ chạy về nhà và ghé quán tạp hoá gần nhà mua thức ăn cho tiện. Dù biết ở đây thịt cá, rau cải không được tươi mới vì chủ quán thường lấy ở chợ rồi bán từ sáng đến chiều nhưng đâu có thời gian đi chợ, với lại đồng lương công nhân còn khó khăn nên tôi mua ở quán cho tiết kiệm”.

Ghé vào chợ Thuận Đạo, theo ghi nhận, rất nhiều người bán dùng chung dao, thớt để chế biến thức ăn cho cả sống và chín. Họ chỉ cần lau sơ qua bằng 1 chiếc khăn cũ. Có người dùng 1 cái bao nylon để bốc thức ăn cho khách, nhưng sau đó họ lại nhận và thối tiền bằng… tay không...

Như chúng ta đều biết, nếu để thực phẩm đến với người tiêu dùng một cách an toàn thì mặt hàng thực phẩm đó phải qua một quá trình khép kín từ sản xuất, kiểm tra an toàn đến phân phối và tiêu dùng.

Dịp Tết đến Xuân về, mỗi người hãy tự bảo vệ sức khoẻ của chính mình và gia đình, hãy là người “sử dụng thực phẩm thông minh”, để có một cái tết an vui, gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết