Tiếng Việt | English

15/06/2022 - 10:24

Áp lực từ điểm số hoàn hảo

Hè đến cũng là lúc học sinh (HS) cuối cấp phải đối mặt với áp lực của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học. Áp lực này càng thêm căng thẳng khi ngày thi đến gần. Nhiều em lo lắng đến mức quên ăn, quên ngủ và nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến căng thẳng, rối loạn lo âu. Nguy hiểm hơn, những áp lực này còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng HS bởi không phải em nào cũng chịu được áp lực và khi “giọt nước tràn ly” dễ dẫn đến những hành động nông nổi.

Phần lớn phụ huynh đều đánh giá khả năng của con mình qua điểm số và mong muốn con đạt điểm số hoàn hảo. Không cha mẹ nào không vui khi con được điểm cao, vào “trường chuyên, lớp chọn”. Tuy nhiên, điểm số cao luôn đi đôi với áp lực tâm lý. Chỉ vì mong muốn đạt điểm 9, điểm 10 mà nhiều HS rơi vào căng thẳng, thậm chí trầm cảm. Cha mẹ luôn muốn con mình đạt thành tích tốt mà quên rằng khả năng tiếp thu kiến thức của mỗi em là khác nhau và kết quả học tập cũng khác nhau. Nhiều phụ huynh vẫn cứ mang kết quả học tập của con mình để so sánh với các bạn khác, điều này càng tạo thêm áp lực cho con. Khi con bị điểm kém, có bao nhiêu bậc cha mẹ chia sẻ, an ủi con hay cứ trách “tại sao không cố gắng hơn?”, “ tại sao không lo ôn bài?”,...

Chính những điều này càng gây áp lực và nỗi sợ hãi cho con mỗi khi bị điểm thấp. Khi áp lực và những cảm xúc bị dồn nén sẽ dẫn đến những hành động bộc phát. Còn nhớ, vụ một nam sinh lớp 10 ở Hà Nội nhảy từ tầng 28 của một chung cư khiến nhiều người xót xa. Từ đó cho thấy, trầm cảm học đường đã âm ỉ từ lâu trong một bộ phận HS và khi áp lực quá sức chịu đựng sẽ dẫn đến những suy nghĩ và hành động bồng bột.

Không thể kiểm soát cảm xúc, lo lắng trước kỳ thi là tình trạng chung của rất nhiều HS. Áp lực mùa thi làm cho tình trạng căng thẳng, rối loạn tâm lý thêm nặng nề hơn, nhất là đối với những HS được gia đình kỳ vọng quá nhiều. Trong giai đoạn thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT, nhiều HS rơi vào trầm cảm do thời gian ôn luyện quá mức dẫn đến suy nhược cơ thể và lo lắng kết quả thi không được như mong muốn. Nếu kết quả thi không như mong muốn, các em có cảm giác tội lỗi, xấu hổ, mặc cảm và dẫn đến hành động tự trừng phạt mình vì đã không đáp ứng được những kỳ vọng của bản thân và gia đình. Lúc này, nếu không có sự chia sẻ, động viên của người thân sẽ dễ dẫn đến hành động đáng tiếc khi các em mất phương hướng và mất cả niềm tin trong cuộc sống.

Đã là kỳ thi tuyển thì sẽ có em đạt điểm cao, vào được ngôi trường như mong muốn và cũng sẽ có em không đạt nguyện vọng. Đó là việc sàng lọc, phân luồng HS để các em có hướng đi và sự lựa chọn khác phù hợp hơn. Chẳng hạn, sau khi tốt nghiệp THCS, không vào được ngôi trường THPT như mong muốn, HS có thể học nghề với hệ thống các trường nghề ngày càng được mở rộng và đa dạng các ngành học. Hay khi không đủ điểm để xét tuyển vào đại học, HS có thể học hệ cao đẳng, trung cấp,... Với sự phát triển của xã hội, các ngành dịch vụ đang có sức hút lớn. Đây cũng là sự lựa chọn cho những HS sức học không tốt có thể khởi nghiệp với những nghề dịch vụ.

Thành công không chỉ đến từ con đường đại học và đã có rất nhiều người thành công từ những hướng đi riêng của họ. Điều quan trọng là phải phát huy được sở trường của mỗi người. Muốn như vậy, cha mẹ hãy bỏ qua kỳ vọng về những điểm số hoàn hảo để con được phát triển theo đúng khả năng thay vì phải chịu áp lực quá lớn từ những kỳ thi. Mùa thi chính là lúc HS cần được sự quan tâm, động viên nhiều hơn nữa từ cha mẹ, thầy cô để vững tin “vượt vũ môn” và tìm được hướng đi phù hợp./.

Tâm Yên

Chia sẻ bài viết