Tiếng Việt | English

20/05/2025 - 20:04

Bút tích 2 tác phẩm về dòng sông huyền thoại

Hơn nửa thế kỷ qua, 2 tác phẩm từ nhạc “Vàm Cỏ Đông” đến tân cổ giao duyên “Dòng sông quê em” được xem là một trong những biểu tượng âm thanh hay nhất khi nhắc đến những giai điệu hát về quê hương Long An "trung dũng kiên cường".

Đây không chỉ là niềm tự hào cho tác giả mà còn cho quê hương sông Vàm, khi có được những tác phẩm luôn gắn liền với đất và người Long An trong xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục - Tác giả của tác phẩm “Vàm Cỏ Đông” 

Soạn giả Huyền Nhung - tác giả của tác phẩm “Dòng sông quê em”

Bút tích bài hát “Vàm Cỏ Đông”

Bút tích bản thảo đầu tiên của bài hát “Vàm Cỏ Đông” được nhạc sĩ Trương Quang Lục viết vào năm 1966 từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Hoài Vũ. Đã 59 năm bài hát này đi cùng với quân và dân Long An trong đấu tranh và xây dựng quê hương. Nhưng ít ai biết được bản thảo đầu tiên ra đời trong hoàn cảnh như thế nào.

Bút tích đầu tiên của bài hát “Vàm Cỏ Đông” ra đời năm 1966

Khi viết bài hát này, nhạc sĩ Trương Quang Lục chưa từng đến với mảnh đất Long An và dòng sông Vàm Cỏ. Lúc ấy, ông đang tập kết ra Bắc. Mặc dù vậy, với nỗi niềm xem nơi nào cũng là quê hương mình, háo hức chờ tin thắng lợi nơi quê nhà trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông đã cho ra đời một tác phẩm rất hay.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục chia sẻ: “Tôi tập kết ra Bắc từ năm 1954 mà mãi đến năm 1966 mới sáng tác được một bài về miền Nam tương đối được người dân hưởng ứng. Có một điều kỳ lạ trong cuộc đời của tôi đó là tôi viết bài này rất nhanh, chỉ khoảng 1 tiếng 15 phút. Đó là sự "xuất thần" sau một thời gian "thai ngén cảm xúc" là phải viết về miền Nam”.

So với bản viết tay đầu tiên, các bản được phát hành sau này không thay đổi nhiều. Với giai điệu tình cảm, vừa hiện đại, vừa mang tính dân tộc, lúc mềm mại, uyển chuyển nhưng cũng có lúc hào hùng, như lời tự sự về vùng quê nghèo khó nhưng giàu tình nghĩa. Chính vì vậy, bài hát “Vàm Cỏ Đông” đã trở thành một trong những biểu tượng âm thanh hay nhất khi nhắc đến những giai điệu hát về quê hương Long An.

Với bài hát này, nhạc sĩ Trương Quang Lục đã nhận được Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông lần thứ III năm 2009 của tỉnh Long An. Sau năm 1975, bài hát còn được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh Long An.

Chứng nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông năm 2009 dành cho Nhạc sĩ Trương Quang Lục

Bút tích bài tân cổ giao duyên “Dòng sông quê em”

Bài tân cổ giao duyên “Dòng sông quê em” đã được soạn giả Huyền Nhung viết vào năm 1974, đến tháng 12/1975, bà mới chỉnh sửa thành bản hoàn chỉnh.

Cầm trên tay bút tích quý giá của bài ca đã tồn tại nửa thế kỷ, soạn giả Huyền Nhung đã nâng niu và gìn giữ như một báu vật của riêng mình. Soạn giả Huyền Nhung chia sẻ: “Bài Dòng sông quê em ra đời trên đất Bắc chứ không phải ở Long An. Khi viết bài này, tôi muốn kể về quê hương mình, gian khổ, hy sinh mà anh dũng, tình nghĩa mặn nồng như dòng sông quê em".

Bút tích của bài tân cổ giao duyên “Dòng sông quê em” ra đời năm 1974

Là một bài tân cổ giao duyên cách mạng đầu tiên được phát sóng sau ngày 30/4/1975, thời ấy, bài ca đã giải được "cơn khát" tột cùng của thính giả, bởi thể loại này được dân miền Nam yêu thích từ lâu mà những sáng tác của giới văn nghệ sĩ Sài Gòn viết trước giải phóng không được sử dụng lại.

Bài ca lại được 2 nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương Sài Gòn đó là Lệ Thủy và Thanh Tuấn trình bày nên càng thêm thu hút. Và từ ấy đến nay, bài “Dòng sông quê em” đã được người ngoài giới nghệ sĩ từ Bắc chí Nam thuộc lòng để ca trong các dịp họp mặt, lễ, tết nhiều nhất. Điều ấy đã thể hiện sức sống của một bài ca.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục chia sẻ thêm: “Cái hồi chiến tranh, khi tôi đi ở các địa phương phía Bắc, từ vĩ tuyến 17 trở ra thì đi đâu tôi cũng nghe bài tân nhạc Vàm Cỏ Đông của tôi. Nhưng sau giải phóng thời gian ngắn thì tôi lại nghe bài Dòng sông quê em của tác giả Huyền Nhung. Và sau đó, rõ ràng tôi đi đâu, cùng bài tân nhạc tôi cũng nghe bài tân cổ giao duyên, đó là một sự sáng tạo thứ 2 của tác giả ca cổ".

"Tôi nghĩ rằng trong văn học nghệ thuật phải có những sự sáng tạo tiếp theo, cho nên khi những người chưa nghe tân nhạc mà nghe tân cổ giao duyên, họ sẽ đi tìm cái bài tân nhạc nghe sau cũng là cái hay, vì bài tân cổ giao duyên cũng là sáng tạo thứ 2 để "chắp cánh" cho bài tân nhạc bay lên. Cho nên, tôi nghĩ trong văn học nghệ thuật có sự giao lưu và hỗ trợ lẫn nhau thì tác phẩm đến với quần chúng tốt hơn” - nhạc sĩ Trương Quang Lục nói.

“Dòng sông quê em” là một sự đồng điệu của những tâm hồn nghệ sĩ, mà trong đó có đầy đủ những thể loại văn học - nghệ thuật, tuy độc lập nhưng lại kết hợp với nhau một cách thật hòa quyện.

“Vàm Cỏ Đông” và “Dòng sông quê em” là những tác phẩm tạo dấu ấn khá sâu sắc trong đời sống văn học nghệ thuật, bởi sức sống bền bĩ và sự yêu mến của công chúng dành cho. Những tác phẩm này có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, là niềm tự hào của người dân Long An về truyền thống đấu tranh bất khuất của quê hương sông Vàm và cũng là niềm tự hào của văn học nghệ thuật tỉnh Long An vì đã góp phần làm giàu kho tàng văn học nghệ thuật của đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng. Thông qua các tác phẩm này, dù bất cứ nơi đâu, bất cứ ai cũng đều biết đến Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc.

Thiết nghĩ, bút tích của 2 tác phẩm này cần được lưu giữ trong bảo tàng của tỉnh nhằm góp phần lưu giữ và phát huy những giá trị của tư liệu, hiện vật về quê hương Long An, để thế hệ sau này được biết và cảm nhận về những giai điệu tự hào của quê hương một thời./.

Diễm Trang

Chia sẻ bài viết