Tiếng Việt | English

18/03/2020 - 15:42

Hạn, mặn gây xáo trộn cuộc sống người dân

Bài 2: Cây ăn trái nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Tại Long An, hạn, mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân: Hơn 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn hécta cây trồng thiếu nước tưới, hàng trăm hécta lúa mất trắng. Bên cạnh đó, nắng hạn gây sạt lở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.Trước tình hình trên, chính quyền và ngành chức năng tỉnh triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Đối với cây ăn trái cũng có nguy cơ thiếu nước tưới do ảnh hưởng hạn, mặn.

Nhiều diện tích chanh trên địa bàn tỉnh nguy cơ thiếu nước tưới

Theo dự báo, toàn tỉnh có khoảng 6.520ha chanh (Bến Lức 4.649ha, Thủ Thừa 648ha, Đức Hoà 225ha, Đức Huệ 1.000ha) có khả năng thiếu nước tưới do ảnh hưởng hạn, mặn. Chủ động ứng phó hạn, mặn, huyện Bến Lức đã khuyến cáo nông dân trồng chanh trên địa bàn tiến hành trữ nước ngọt trong ao, mương, túi chuyên dụng và tưới tiêu tiết kiệm tùy theo điều kiện thủy lợi của từng vùng. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam thông tin: “Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ngành và UBND các xã, thị trấn tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô 2019-2020 trên địa bàn huyện. Đồng thời, phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tiến hành đo độ mặn trên các tuyến sông và một số tuyến kênh chính trên địa bàn huyện để kịp thời thông báo cho người dân chủ động trong sản xuất nhằm giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất”. Tại xã Bình Đức, Phó Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Văn Tài cho biết: “Chanh là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho nhiều nông dân trong xã. Hiện toàn xã có hơn 600ha chanh.Nếu tình trạng thiếu nước tiếp tục kéo dài thì nguy cơ chanh bị giảm năng suất và chất lượng rất lớn. Do đó, UBND xã kiến nghị các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát các họng kênh ra sông Vàm Cỏ Đông và có kế hoạch xây dựng các cống khép kín nhằm tăng khả năng tích trữ nước ngọt và kịp thời ngăn chặn khi hạn, mặn xảy ra”.

Với gần 2.200ha chanh đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, xã Thạnh Hòa là một trong những địa phương có diện tích chanh lớn nhất huyện Bến Lức. Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa - Phạm Văn Trài thông tin, hơn 10 năm trở lại đây, chanh là loại cây giảm nghèo của xã. Nhờ cây chanh mà nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo và khá giả.Đến thời điểm hiện tại, tuy UBND xã chưa ghi nhận bất kỳ vườn chanh nào bị ảnh hưởng bởi hạn và xâm nhập mặn nhưng trước những diễn biến phức tạp của hạn và xâm nhập mặn như hiện nay thì nguy cơ cây chanh bị ảnh hưởng là rất cao. Do đó, UBND xã đã lên kế hoạch và thường xuyên thông tin về tình hình hạn, mặn đến với người dân để chủ động trong sản xuất, bảo vệ cây trồng, giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất.

Ông Lê Văn Thao, ngụ xã Thạnh Hòa, chia sẻ: “Theo thông báo của UBND xã, khi độ mặn vừa tăng, tôi đã tranh thủ lấy nước vào các hầm đất và túi nhựa để dự trữ nhưng hiện chỉ đủ “cầm cự” đáp ứng nhu cầu tưới và xịt thuốc trong gần 1 tháng vì nước trong rạch nhanh khô cạn và cũng bị mặn xâm nhập”. Mặc dù UBND xã Thạnh Hòa đã hướng dẫn và khuyến khích người dân thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó với hạn và xâm nhập mặn như thường xuyên theo dõi độ mặn trên các sông để kịp thời lấy nước vào vườn, tận dụng các hầm đất, túi nhựa để tích trữ nước ngọt,… nhưng lượng nước tích trữ cũng không được nhiều, trời lại nắng nóng, nước nhanh bốc hơi. Những vườn chanh trên địa bàn xã tuy chưa có thiệt hại gì lớn nhưng tình trạng chanh chậm phát triển, trái kém chất lượng đã bắt đầu xuất hiện, nguy cơ người trồng chanh bị thiệt hại là rất cao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Quốc Doanh khuyến cáo, người trồng thanh long dùng rơm ủ gốc, bón phân để giữ nước cho cây trong mùa hạn, mặn

“Qua đây, rất mong các cấp, các ngành sớm có giải pháp để ngăn hạn, mặn theo từng vùng, từng khu vực để nông dân có thể thuận tiện và chủ động trong sản xuất. Đồng thời, xem xét việc cung cấp cho mỗi xã một thiết bị đo độ mặn để có thể xác định độ mặn một cách chính xác và nhanh chóng nhất, qua đó, kịp thời thông báo đến người dân, giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất có thể xảy ra” - ông Trài kiến nghị.

Tại thủ phủ thanh long - huyện Châu Thành, nông dân cũng gặp khó khăn về nước tưới.Toàn tỉnh hiện có 12.000ha thanh long, trong đó huyện Châu Thành chiếm trên 2/3 diện tích (khoảng 9.700ha).Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, toàn bộ diện tích trồng thanh long của huyện Châu Thành đều nằm trong diện bị ảnh hưởng của hạn, mặn kỷ lục năm nay. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Vạn Thành - Nguyễn Vạn Thành cho biết, tình hình thiếu nước tưới cho thanh long đang diễn ra khá gay gắt do sông Tầm Vu đã dần cạn nước. Thậm chí, mương, rạch nội đồng đã trơ đáy.Hơn 30ha thanh long của HTX đang thiếu nước tưới.Các thành viên HTX đang hạn chế nước tối đa.Để có nước tưới, người dân phải canh lấy nước ngọt chảy về từ phía Tiền Giang. Thời điểm này, nông dân đang đồng loạt xông đèn để thanh long ra trái chuẩn bị vụ tới, nếu thiếu nước tưới, chất lượng trái thanh long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu - Trương Quang An, khu vực này cũng đang diễn ra tình trạng thiếu nước tưới cục bộ cho thanh long. Hiện phần lớn hộ trồng thanh long không có nước dự trữ đang vô cùng lo lắng. Thời gian tới, nếu không có mưa, tình hình nước tưới cho thanh long ở Châu Thành thật sự nghiêm trọng, lúc đó, các cánh đồng thanh long đang xông đèn sẽ đồng loạt ra trái. Hiện chính quyền đang khuyến cáo người trồng thanh long dùng rơm ủ gốc, bón phân để giữ nước cho cây; tưới nước tiết kiệm khoảng 1 tuần/lần, mỗi lần 5-7 lít nước/gốc.

Ngoài ra, tại 2 huyện Tân Trụ và Thủ Thừa cũng có khoảng 1.220ha thanh long (Tân Trụ 975ha, Thủ Thừa 246ha) thiếu nước tưới nghiêm trọng./.

(còn tiếp)

Bài 3: Người dân thiếu nước sinh hoạt

Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết