Tiếng Việt | English

17/11/2020 - 11:27

Bài học sinh động về lịch sử hào hùng

Được khách tham quan đánh giá “như một bảo tàng thu nhỏ”, Phòng truyền thống Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Bến Lức thật sự là một địa chỉ đáng đến. Nơi đó lưu giữ những bài học sinh động về truyền thống lịch sử hào hùng của quân và dân Bến Lức. Hơn thế nữa, đó là tâm huyết của những người lính hôm nay đối với cha anh và cả thế hệ trẻ sau này.

Chiếc đàn Mandoline kỷ vật

Khoảng tháng 6/2020, cựu chiến binh Nguyễn Phúc Linh (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) có nghe thông tin về việc Ban CHQS huyện đang sưu tầm hiện vật chiến tranh để làm phòng truyền thống. Nhà ông Linh có cây đàn mandoline được Bộ Tư lệnh Thông tin miền của quân giải phóng cấp vào năm 1965 đến nay. Cây đàn đã cùng ông trình diễn không biết bao nhiêu tiết mục phục vụ đơn vị trong phong trào “tiếng hát át tiếng bom”. Đó là kỷ niệm của một thời tuổi trẻ hào hùng, đầy niềm vui, tự hào và cả những đau thương, mất mát.

Cựu chiến binh Nguyễn Phúc Linh trao cây đàn cho Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh để trưng bày ở phòng truyền thống (Ảnh đơn vị cung cấp)

Khi đất nước thống nhất, cây đàn lại theo ông trong từng chuyện buồn, vui của cuộc sống đời thường. Ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, ông xem cây mandoline ấy như một người bạn đường quan trọng chẳng bao giờ muốn rời xa. Vậy mà sau một thời gian đắn đo suy nghĩ, ông đã quyết định mang "người bạn thân thương" của mình tặng cho bộ đội. Trước đó, ông mang đàn đi sửa để tiếng đàn nghe hay hơn, đúng nhịp hơn sau bao năm “chinh chiến”. Sửa đàn rồi, ông liên hệ với Ban CHQS huyện Bến Lức và ngỏ ý tặng lại cây đàn cho Phòng truyền thống. Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh - Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Bến Lức, kể: “Hôm đó, tôi đến nhà bác nhận đàn. Bác đàn một bản cho tôi nghe trước khi trao lại cho tôi. Tôi biết, bác đã suy nghĩ rất nhiều, bởi với bác, cây đàn là một kỷ vật quý”.

Tại Phòng truyền thống của Ban CHQS huyện, cây mandoline được xếp trang trọng trong tủ kính bên cạnh những hiện vật thuộc giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Cùng với hình ảnh, tư liệu và hiện vật khác, cây mandoline trở thành bài học sinh động cho thế hệ trẻ về những năm tháng kháng chiến hào hùng của dân tộc nói chung và của quân, dân Bến Lức nói riêng.

Các hiện vật được trưng bày tại Phòng truyền thống Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức

Tâm huyết người lính hôm nay

Phòng truyền thống của Ban CHQS huyện Bến Lức là một căn phòng nhỏ nhưng mang ý nghĩa và tình cảm lớn lao. Phòng được hình thành từ ý tưởng và tâm huyết của những người lính hôm nay, muốn nhắc nhở thế hệ trẻ về những mất mát, hy sinh của cha anh vì nền hòa bình, độc lập. Mỗi một hình ảnh, hiện vật trong phòng truyền thống là một câu chuyện về quá khứ hào hùng, về tình cảm của người lính dành cho quê hương, đất nước. Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ: “Với các chú, các bác, hiện vật chính là kỷ niệm, tuổi trẻ nên để trao đi thực sự chẳng dễ dàng gì. Vậy nên chúng tôi, những người tiếp nhận hiện vật hết sức trân trọng từng chiếc bình toong, nón vải,... mà các cô, chú cựu chiến binh trao tặng cho phòng truyền thống”. Trong suốt 3 tháng, Thượng tá Nguyễn Văn Tuyền - Chính trị viên Ban CHQS huyện, Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh cùng đồng đội đã dành hết tâm sức cho việc hình thành phòng truyền thống.

Người dành thời gian đọc, nghiên cứu tài liệu, thiết kế, lên ý tưởng, người lại lên đường sưu tầm từng hiện vật, mỗi người một việc để phòng truyền thống được hình thành đúng như mong muốn. Mỗi giai đoạn lịch sử của quân và dân Bến Lức đều được minh họa cụ thể bằng hình ảnh, hiện vật, trích dẫn sách,... lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ và đặc biệt là danh sách các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các liệt sĩ của quê hương Bến Lức đều được ghi nhận tại phòng truyền thống.

Mở cửa đón khách tham quan vào ngày khánh thành ra mắt, phòng truyền thống đã khiến nhiều người bùi ngùi, xúc động. Chị Trần Thị Ngọc Thi (đoàn viên xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Đến phòng truyền thống, tôi cảm thấy vừa biết ơn, vừa tự hào về truyền thống của quê hương mình. Đối với tôi, đó sẽ là nguồn động lực to lớn để phấn đấu học tập, rèn luyện, góp sức xây dựng quê nhà”.

Được biết, phòng truyền thống được xây dựng với mục đích giáo dục truyền thống cho thế hệ sau nên Ban CHQS huyện Bến Lức luôn hoan nghênh khách đến tham quan, tìm hiểu. Thời gian tới, Ban CHQS huyện dự kiến sẽ làm quy chế phối hợp Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thường xuyên tổ chức các đoàn đến tham quan, tìm hiểu tại phòng truyền thống của đơn vị nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống, giúp mọi người hiểu rõ hơn và thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của quân và dân Bến Lức.

Những bài học sinh động và thực tế về lịch sử hào hùng của Bến Lức trong kháng chiến sẽ khiến bất kỳ một khách tham quan nào đến cũng bất ngờ, cảm phục và xen lẫn xúc động. Bởi, giá trị của phòng truyền thống ấy không chỉ nằm ở các hiện vật, hình ảnh, tư liệu sưu tầm được mà còn là tấm lòng và tâm huyết của người lính hôm nay./.

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết