Sự việc gã khổng lồ mạng xã hội Facebook phong tỏa giới truyền thông tại Australia đã châm ngòi cho một cuộc chiến âm ỉ từ lâu. Song sự thỏa hiệp mới đây của Facebook với chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison liệu có đủ để dẹp yên những rắc rối mà mạng xã hội này đang phải đối mặt?
Điểm nóng mới trong việc siết chặt quản lý giới công nghệ
Theo Reuters, ông Rod Sims, Chủ tịch Ủy ban Tiêu dùng và Cạnh tranh Australia (ACCC), người đứng đầu ban soạn thảo đạo luật đàm phán truyền thông, cho rằng Chính phủ Australia đã thắng Facebook dù phải điều chỉnh dự luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền bản quyền cho báo chí.
“Những thay đổi mà chính phủ đã thực hiện là những điều không quan trọng lắm hoặc chỉ là để làm rõ những điều mà ít nhất trong suy nghĩ của Facebook, là không rõ ràng. Dù họ nói gì thì họ vẫn cần tin tức. Nó giữ mọi người trên nền tảng của họ lâu hơn và họ kiếm được nhiều tiền hơn”, ông Sims, kiến trúc sư của đợt cải tổ truyền thông gây căng thẳng với các công ty công nghệ lớn, cho biết.
Sự việc gã khổng lồ mạng xã hội Facebook phong tỏa giới truyền thông tại Australia đã châm ngòi cho một cuộc chiến âm ỉ từ lâu.
Sau màn gây chiến, tiếp đó là buộc phải thỏa hiệp của Facebook với giới truyền thông và chính phủ Australia, nhiều quốc gia đã lên tiếng sẵn sàng áp đặt quy định để đảm bảo quyền lợi cho các nhà xuất bản.
Tiếp theo Australia, có thể là Canada, một số nước châu Âu như Thụy Điển, Đan Mạch… chuẩn bị đưa ra luật mới cho phép các hãng tin đòi tiền khi nội dung báo chí của họ được chia sẻ trên các mạng xã hội.
Theo Financial Times, nhiều chính trị gia châu Âu cũng đang muốn noi gương Australia để hỗ trợ các nhà xuất bản và có thể tiếp tục điều chỉnh luật bản quyền như đã làm năm 2019.
Thông tin mới nhất cho thấy, không chỉ phải thừa nhận sai lầm sau sự việc vừa qua tại Australia, Facebook cũng lên tiếng cam kết chi ít nhất 1 tỷ USD cho ngành công nghiệp tin tức trong 3 năm tới. Ngược lại, với thỏa thuận cấp phép mới đây giữa Google và các nhà xuất bản Pháp, số tiền hãng này phải trả thấp hơn nhiều so với thỏa thuận dàn xếp với truyền thông Australia.
Dù động thái của Australia đối với các đại gia công nghệ mới chỉ ở những bước đi đầu tiên, thì trên thực tế, cuộc đối đầu giữa nước này với Google và Facebook về bản quyền tin tức đang được cả thế giới theo dõi sát sao.
Việt Nam cũng cần lộ trình hành động với Google và Facebook
Vụ việc xảy ra cũng là hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ cho các cơ quan báo chí mà cho bất kỳ các cơ quan, tổ chức nào đang phụ thuộc quá nhiều vào Facebook. Đồng thời vụ việc cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng vô cùng lớn, vượt qua biên giới quốc gia và tầm kiểm soát cúa các chính phủ của các công ty công nghệ. Từ sau vụ việc này, không chỉ các cơ quan báo chí mà các các tổ chức, cá nhân khác cũng sẽ phải tính đến các phương án để giảm thiệt hại khi quá phụ thuộc vào Facebook.
Theo thống kê chưa đầy đủ, 80% lợi nhuận quảng cáo trên thị trường Việt Nam hiện nay “chảy về túi” của Google và Facebook.
Mặc dù vụ việc chỉ diễn ra trong 1 tuần nhưng ảnh hưởng của vụ việc này là không nhỏ và quan trọng hơn là nó không chỉ tác động đến Australia mà còn để lại nhiều bài học cho các quốc gia khác.
Theo thống kê chưa đầy đủ, 80% lợi nhuận quảng cáo trên thị trường Việt Nam hiện nay “chảy về túi” của Google và Facebook. Mới nhất trong suốt năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, báo chí điện tử Việt Nam ghi nhận sự gia tăng mạnh lượng truy cập của người dùng nhưng lại sụt giảm nặng nề nguồn thu.
Các nền tảng xuyên biên giới, những “gã khổng lồ” công nghệ như Google, Facebook… phải chia sẻ nguồn thu với báo chí khi khai thác nội dung báo chí. Và báo chí Việt Nam cũng không nên ngồi im mà phải có lộ trình hành động, nhưng cần có sự hậu thuẫn của cơ quan chức năng.
Rõ ràng, việc đòi lại quyền lợi cho báo chí từ “miếng bánh” quảng cáo của Facebook, Google là điều không hề đơn giản. Thế nhưng, từ sự việc của Australia, có lẽ Việt Nam cần xác định mục tiêu và lên lộ trình hành động để giành lại chủ quyền số của quốc gia, thay vì để các “đế chế” như Google, Facebook được quyền quyết định người dân được tiếp cận với loại thông tin, tin tức nào./.
Theo VOV.VN(Ảnh: Reuters, CNN)