Tiếng Việt | English

21/06/2017 - 16:59

Tiếng nói của bạn đọc, lãnh đạo địa phương - Nguồn tin rất quan trọng

Bên cạnh những thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước thì những bài báo mang hơi thở cuộc sống, gần gũi với người dân luôn nhận được sự quan tâm của bạn đọc cũng như của các cấp ủy, chính quyền. Vậy làm thế nào để có những bài báo tốt từ thực tế cuộc sống?

Phóng viên Kiên Định

Bất cứ lúc nào, những người làm báo cũng luôn mong muốn và nỗ lực hết mình nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích, kịp thời, trung thực và chính xác nhất. Song, đôi lúc, trong các bài viết vẫn có những sai sót không đáng có.

Đó có thể là lỗi từ chính người viết khi không khai thác hết thông tin, cũng có thể do người viết còn thông tin một chiều, hay đôi khi là thông tin chung chung, chưa sát với thực tế địa phương, cơ sở, phản ánh chưa sâu, chưa mang đến cho độc giả hết những thông tin đáng lẽ người viết có thể khai thác. Vì vậy, người làm báo cần lắng nghe, cầu thị những góp ý từ chính bạn đọc. Và trên hết, phóng viên phải luôn sát với cơ sở, phản ánh đúng và chân thực bản chất vấn đề trong các bài viết.

Để thực hiện điều đó, trước hết, phóng viên cần gắn bó chặt chẽ với địa phương nơi mình được phân công, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở kịp thời thông tin về tình hình phát triển KT-XH,... của địa phương. Để bài viết sinh động, phản ánh đúng với thực tế thì việc phóng viên đến trực tiếp cơ sở lắng nghe nhân dân là điều rất cần thiết.

Bởi lẽ những chủ trương, chính sách, quyết định của các cấp chỉ thực sự hiệu quả, đi vào cuộc sống khi được chính người dân đánh giá. Người dân, cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở chính là một trong những thước đo đánh giá hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền từ nguồn tin chính họ cung cấp. Điều đó đòi hỏi mỗi phóng viên phải xây dựng cho mình những nguồn tin từ người dân, lãnh đạo địa phương, cơ sở.

Bên cạnh đó, để có một bài báo tốt, mỗi phóng viên phải thực sự nắm bắt được nhu cầu bạn đọc, tránh lối viết thiên về tuyên truyền mặt thuận lợi, kết quả mà không kịp thời phản ánh những mặt khó khăn, hạn chế. Việc phản ánh khó khăn, hạn chế, khuyết điểm cũng là một trong những yếu tố giúp cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở kịp thời đưa ra các biện pháp khắc phục, hạn chế khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ. Nhưng làm thế nào để chỉ ra được những mặt trái, những khuyết điểm của cấp lãnh đạo, quản lý?

Từ thực tế cho thấy, việc những tin bài có thông tin trái chiều, nêu lên những khuyết điểm, hạn chế hoặc những bài viết phản biện thường ít nhận được sự hợp tác trong việc cung cấp thông tin từ các cấp lãnh đạo. Do đó, đòi hỏi phóng viên phải biết khai thác những nguồn tin riêng của mình.

Đơn cử như khi chịu trách nhiệm thông tin, tuyên truyền ở huyện Vĩnh Hưng, thông tin sập cầu dây văng tại xã Vĩnh Bình chỉ sau 14 ngày đưa vào sử dụng, dù có nhiều mối liên hệ với các cấp chính quyền nhưng không một ai dám thông tin. Mà nguồn tin có được lại từ chính những người dân tại xã Vĩnh Bình.

Tiếp đó là vụ việc cầu dây văng Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa đang trong quá trình thi công bị trôi mố cầu, bản thân tôi sau khi nắm bắt thông tin đã trực tiếp liên hệ với Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa nhưng vị Chủ tịch UBND huyện vẫn một mực khẳng định không có chuyện trôi mố cầu. Mặc dù tới thời điểm tôi phản ánh vụ việc này, đến cả Sở Giao thông Vận tải tỉnh cũng không có thông tin. Tất cả thông tin liên quan đến 2 vụ việc trên đều xuất phát từ nguồn tin của người dân địa phương qua đường dây nóng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo, ngành chức năng một số địa phương vẫn còn trường hợp không từ chối nhưng cố tình chậm cung cấp thông tin, hoặc có nơi sợ cung cấp thông tin cho báo chí mà đẩy hết trách nhiệm cho người phát ngôn của cơ quan…

Chính vì vậy, để có một bài báo tốt, không còn cách nào khác mỗi phóng viên phải gắn bó với cơ sở, xây dựng cho mình một số cộng tác viên, nguồn tin đáng tin cậy để kịp thời nắm bắt thông tin và thể hiện qua các tin, bài đăng tải trên Báo Long An.

Đối với những người làm báo, hạnh phúc không phải là bài viết của mình được giật tít to, được đặt ở trang nhất hay ở vị trí trang trọng mà ở chỗ bài viết đó nhận được sự quan tâm của chính độc giả hay ý kiến phản hồi từ chính lãnh đạo địa phương, cơ sở nơi bài viết phản ánh. Một tin, bài báo có nội dung hay, đúng, trúng và có hình thức đẹp,... luôn là nỗ lực chung của những người làm báo Báo Long An muốn gửi đến bạn đọc./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết