Tiếng Việt | English

17/12/2021 - 15:30

Bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm tại nhà và khu cách ly cho người mắc Covid-19

Dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm, duy trì sức khỏe, đặc biệt là với những người bệnh Covid-19, việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng là rất cần thiết, giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng. Ăn đủ bữa, đủ chất cũng là những yếu tố quan trọng giúp người bệnh đạt kết quả tốt, rút ngắn thời gian điều trị.

Các suất ăn tại Bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung được bảo đảm dinh dưỡng, bảo đảm an toàn thực phẩm

Các suất ăn tại bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung được bảo đảm dinh dưỡng, bảo đảm an toàn thực phẩm

Nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch

Đại dịch Covid-19 là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do virút SARS-CoV-2 gây ra. Người nhiễm Covid-19 thường có diễn biến thất thường và phức tạp. Ở giai đoạn đầu, bệnh diễn biến chậm và âm thầm không có triệu chứng, nhưng sau đó rất nhiều ca bệnh đột ngột diễn biến nặng, phải thở oxy, thở máy hoặc hỗ trợ tuần hoàn hô hấp, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm.

Trước đó, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn về chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà theo Quyết định số 4156/QĐ-BYT, ngày 28/8/2021. Theo đó, để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Những trường hợp người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà, việc thực hiện, tuân thủ chế độ dinh dưỡng thật sự cần thiết. Dinh dưỡng giúp hỗ trợ và cải thiện “hàng rào” bảo vệ cơ thể như tế bào miễn dịch, các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày làm tăng sức đề kháng.

Khi bị nhiễm, người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống, do vậy, cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng dẫn tới suy dinh dưỡng. Người nhiễm Covid-19 đều tăng nhu cầu dinh dưỡng do tăng tiêu hao năng lượng, nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, đúng cách, người bệnh sẽ suy dinh dưỡng nặng.

Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian thở máy, tăng chi phí điều trị. Việc cung cấp dinh dưỡng cho người nhiễm Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng tại nhà là rất cần thiết, giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng.

Tháp cân đối thành phần dinh dưỡng theo khuyến cáo của Bộ Y tếTháp cân đối thành phần dinh dưỡng theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Dinh dưỡng đầy đủ, cân đối và an toàn

Cũng theo Quyết định 4156/QĐ-BYT của Bộ Y tế, nguyên tắc chung về chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm Covid-19 mức độ nhẹ và không có triệu chứng là ăn bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm để duy trì thể trạng, thể chất bình thường; bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt khi có ăn giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi,...

Ngoài ra, người bệnh cần ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt nạc, cá,..., đậu, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng; tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng và uống đủ nước hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy. Trong đó, cần chú ý dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, lựa chọn thực phẩm an toàn cũng như chú trọng các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp nâng cao thể trạng.

Chị K.O. (phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An) chia sẻ: "Cả nhà tôi có đến 6 người mắc Covid-19 nhưng may mắn đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên được cách ly, điều trị tại nhà theo hướng dẫn của trạm y tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được hướng dẫn về việc bảo đảm dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, có sức khỏe để vượt qua dịch bệnh an toàn, nhanh chóng hồi phục".

Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1 (điểm Bệnh viện Phổi Long An) - Lê Văn Bảy cho biết: "Bệnh viện hợp đồng với đơn vị bên ngoài cung cấp thức ăn với tiêu chí đủ dinh dưỡng cũng như vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP), bảo đảm sức khỏe cho cả lực lượng y tế lẫn bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày có từ 100-130 suất ăn, những bệnh nhân nào không đủ sức, bác sĩ cũng chỉ định trước để đặt món như cháo, súp để dễ tiêu hóa nhưng vẫn phải đủ thành phần dinh dưỡng. Chúng tôi chọn đơn vị cung cấp uy tín, món ăn được thay đổi thường xuyên giúp y, bác sĩ, bệnh nhân ngon miệng và có đủ sức khỏe làm việc cũng như vượt qua bệnh tật".

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Đoàn Thanh Chiến cho biết: Đối với người bệnh ở bất kỳ lứa tuổi nào, dinh dưỡng đầy đủ kết hợp tâm trạng thoải mái, tinh thần lạc quan góp phần rất lớn giúp tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể lực cho người bệnh mau chóng phục hồi. Trong tháng 12 này (từ ngày 01 đến 20-12), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức hoạt động truyền thông khuyến cáo dinh dưỡng cho người mắc Covid-19 thực hiện theo nội dung chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến về công tác bảo đảm ATTP, ngày 24/11/2021 của Cục ATTP.

Theo đó, các địa phương sẽ truyền thông lưu động tại các khu vực đông dân cư và viết tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền tại khu vực cách ly. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng phối hợp Báo Long An thực hiện chuyên trang; phối hợp Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tổ chức truyền thông lưu động trên địa bàn toàn tỉnh. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các khu vực cách ly trên địa bàn thực hiện chế độ dinh dưỡng theo khuyến cáo; tăng cường phát thanh, viết bài, đưa tin và chỉ đạo trạm y tế xã, phường, thị trấn phát thanh tuyên truyền. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân cũng như cơ sở y tế trong việc thực hiện các chế độ dinh dưỡng tại nhà và khu cách ly cho những người mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh điều trị bệnh thì việc bảo đảm dinh dưỡng cũng đóng vai trò không thể thiếu giúp bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe, nhất là đối tượng người già, có bệnh nền, trẻ em, thai phụ./.

Khuyến cáo về dinh dưỡng tại nhà và khu cách ly cho người mắc Covid-19

1. Đảm bảo được cung cấp đủ thực phẩm mọi người cần ăn đủ 3 bữa chính.

Mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm như sau: (1) Ngũ cốc, khoai củ, (2) thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu, (3) dầu mỡ, (4) rau xanh và quả chín.

2. Cần cung cấp đủ protein, vitamin và chất khoáng để giúp hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, cần ăn đủ lượng thịt, cá, trứng (200-250g); rau xanh (300-400g) và quả chín (200 - 300g) mỗi ngày.

3. Trong trường hợp mệt mỏi, chán ăn, mất vị giác vẫn cần ăn đủ bữa và số lượng thực phẩm, có thể thay đổi cách chế biến thành các dạng thực phẩm lỏng như cháo, súp, chia làm nhiều bữa nhỏ hoặc thay thế bằng các loại sữa, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng từ 1 - 3 lần/ngày.

4. Đặc biệt lưu ý phòng suy kiệt, thiếu dinh dưỡng cho những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai bằng cách tăng cường chế độ ăn. Với người có bệnh nền thì phải thực hiện uống thuốc theo đơn của bác sĩ và chế độ ăn phù hợp với bệnh lý.

5. Uống đủ nước: Mỗi ngày uống vào khoảng 1,6 - 2,4 lít nước (tương đương 8 - 12 ly thủy tinh). Hạn chế sử dụng nước ngọt; đồ uống có cồn.

6. Đảm bảo vệ sinh ATTP; thực hiện ăn chín, uống chín. Đọc kỹ nhãn mác thực phẩm trước khi sử dụng.

Thực đơn tham khảo cho người mắc Covid-19 tại nhà và khu cách ly

Thực đơn tham khảo số 1

- Đối tượng: Bệnh nhân đái tháo đường, cân nặng cơ thể khoảng 50-55kg.

- Giá trị năng lượng: 1.500 - 1.600kcal/ngày.

- Bữa sáng (7 giờ): Cháo thịt, rau, củ: Gạo: 50g; thịt heo nạc: 35g; bí ngô: 50g; hành lá: 5g; dầu ăn: 2g.

- Bữa trưa (11 giờ): Cơm, cá trắm sốt cà chua, đậu phộng rang, rau muống luộc, ổi: Gạo: 75g (cơm 150g; tương đương 1 chén cơm); cá 70g (1 nửa khúc trung bình); dầu ăn 5ml; cà chua: 30g (1/4 quả to); hành lá, rau gia vị; đậu phộng rang: 15g (miệng thìa cán ngắn); rau muống: 150g (1/2 đĩa nhỏ hay 1 miệng bát con); tráng miệng: Ổi 100g (1 quả trung bình).

- Bữa phụ chiều (15h): Sữa: 1 ly sữa không đường 180ml (hoặc 150ml sữa dành cho bệnh nhân đái tháo đường).

- Bữa tối (18 giờ): Cơm, thịt kho trứng cút, đậu phụ chiên, su su luộc, canh rau cải, thanh long: Gạo: 75g (cơm 150g; tương đương 1 chén cơm); thịt heo: 70g (5 miếng); trứng cút: 2 quả; đậu phụ chiên: 30g (1/2 bìa): dầu ăn 2ml; su su: 100g (1/2 chén cơm hay 1/3 đĩa nhỏ); canh rau cải (rau cải: 50g tương đương 3 gắp nhỏ); tráng miệng: Thanh long 100g (1 miếng)

- Bữa phụ tối (21 giờ): Sữa: 1 ly sữa không đường 180ml (hoặc 150ml sữa dành cho bệnh nhân đái tháo đường).

Thực đơn tham khảo số 2

- Đối tượng: Người cao tuổi cân nặng cơ thể khoảng 50 - 55kg.

- Giá trị năng lượng: 1.600 - 1.700kcal/ngày.

- Bữa sáng (7 giờ): Cháo thịt nạc, rau xanh: Gạo: 50g; thịt heo nạc: 40g; rau xanh: 50g; hành lá: 5g; dầu ăn: 2g.

- Bữa phụ sáng (9 giờ): Sữa: 1 hộp sữa chua.

- Bữa trưa (11 giờ): Cơm, thịt gà ram, củ, quả luộc, canh rau dền, bưởi: Gạo: 50g; thịt gà: 100g; củ, quả luộc: 200g; muối mè: 10g; canh rau dền (rau dền 50g, dầu ăn 2ml); tráng miệng: Bưởi (2-3 múi).

- Bữa phụ chiều (15 giờ): Sữa: Sữa bổ sung dinh dưỡng/ sữa không đường (200ml pha theo hướng dẫn).

- Bữa tối (18 giờ): Cơm, thịt bò xào bí đỏ, đậu phụ chiên, canh rau cải, chuối tiêu: Gạo: 50g; thịt bò nạc: 70g: bí ngô: 200g; dầu ăn: 5ml; đậu phụ: 50g; canh rau cải (cải xanh: 50g); tráng miệng: Chuối tiêu (1 trái).

Thu Ngân

Chia sẻ bài viết