Nước đá dùng liền phải đạt quy chuẩn QCVN 10:2011/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước đá dùng liền
Sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh
Tháp tùng cùng Đoàn công tác của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Long An, chúng tôi đến tìm hiểu về hoạt động sản xuất, kinh doanh nước đá tại một số cơ sở trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất nước đá Thanh Danh (ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An) chuyên sản xuất, kinh doanh nước đá cây và nước đá viên hơn 20 năm nay. Mỗi ngày, doanh nghiệp sản xuất hơn 1.000 cây đá (50kg/cây) và 600 bao đá viên (25kg/bao). Sản phẩm nước đá của doanh nghiệp được giao trên địa bàn TP.Tân An và một số xã lân cận của huyện Châu Thành.
Được biết, hàng năm, doanh nghiệp đều đạt điều kiện bảo đảm ATTP.Nguồn nước để sản xuất là nước giếng qua 2 lần xử lý bằng công nghệ RO, được kiểm nghiệm mỗi năm/lần.Đối với nước đá thành phẩm thì kiểm tra 6 tháng/lần. Anh Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc doanh nghiệp, cho biết: “Trong quá trình sản xuất, ngoài đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu, tôi chú trọng xử lý nguồn nước nhằm bảo đảm quy định của Nhà nước về ATTP”.
Còn Cơ sở sản xuất nước đá Hoàng Vinh (xã Long Trạch, huyện Cần Đước) có thâm niên sản xuất, kinh doanh nước đá cây gần 9 năm nay. Mỗi đêm, cơ sở sản xuất từ 600-700 cây nước đá. Anh Nguyễn Văn Tám - chủ cơ sở, chia sẻ: “Việc bảo đảm ATTP được chúng tôi thực hiện nghiêm túc, nhất là khâu xử lý nước nguồn nhằm tạo ra sản phẩm lưu thông trên thị trường có uy tín, chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”.
Không chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá chú trọng bảo đảm quy định về ATTP mà các đại lý bán lẻ cũng quan tâm, lấy thành phẩm từ những cơ sở có uy tín.Cụ thể như, Đại lý nước đá Lê Kim Phương (khu phố 2, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) kinh doanh nước đá hơn 15 năm nay.Mỗi ngày, đại lý bán từ 30-50 cây nước đá và khoảng 150 bao đá viên. Chị Lê Kim Phương - chủ đại lý, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên giao nước đá cho các quán cà phê, quán ăn trên địa bàn thị trấn Đức Hòa. Khi lấy nước đá về bán, tôi yêu cầu chủ cơ sở cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh sản phẩm đủ điều kiện về ATTP”.
Đại lý phân phối nước đá phải có dụng cụ bảo quản hợp vệ sinh
Tăng cường kiểm soát chất lượng
Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá chấp hành tốt quy định về ATTP, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện đúng quy định điều kiện trong sản xuất nước đá. Một số vi phạm thường thấy là sử dụng nguồn nước chưa qua xử lý hoặc quy trình xử lý chưa bảo đảm an toàn.
Các thiết bị, dụng cụ để sản xuất và tiếp xúc thực phẩm như bao bì chứa đựng khi sản xuất nước đá hoặc đóng gói nước đá bán cho người sử dụng chưa thật sự bảo đảm.Phương tiện vận chuyển nước đá còn sơ sài, không bảo đảm vệ sinh.
Chị Đỗ Thị Mai Loan (phường Tân Khánh, TP.Tân An) bày tỏ: “Sử dụng nước đá là thói quen của rất nhiều người. Đây được xem là thực phẩm hiện diện trong hầu hết các loại nước uống.Là người tiêu dùng, tôi mong muốn các đại lý phân phối chọn những cơ sở cung cấp có uy tín để tránh nguy cơ nhiễm bệnh từ nước đá kém vệ sinh”.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh - bác sĩ Phạm Văn Luân cho biết: “Thị trường hiện nay có 2 loại nước đá: Đá viên còn gọi là đá dùng liền, nước sản xuất qua xử lý đạt Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT sau đó qua xử lý RO rồi đưa vào sản xuất đá viên, đá thành phẩm đóng gói trong bao bì phải được công bố chất lượng. Nước đá cây hiện nay chủ yếu dùng bảo quản thực phẩm. Đối với nước đá cây, trong quá trình sản xuất, nhất là khâu cho nước vào khuôn nước đá, cần kiểm soát chất lượng để bảo đảm an toàn.
Việc bảo quản nước đá tại các nhà hàng, khách sạn, điểm buôn bán nhỏ, lẻ, kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ giải khát chưa hợp vệ sinh. Ngoài ra, điều kiện cơ sở, dụng cụ bảo quản nước đá cũng như phương tiện vận chuyển nước đá cây chưa bảo đảm vệ sinh.Nơi bảo quản, dụng cụ sơ chế lại nước đá cây của các đại lý (cưa đá cây thành viên nhỏ) chưa hợp vệ sinh.Đối với nước đá viên, rất hiếm cơ sở thực hiện đúng quy định việc đóng gói và sử dụng bao bì đã qua công bố”.
Hiện tại, Chi cục ATVSTP tỉnh quản lý trên 54 cơ sở xản xuất nước đá (nước đá cây và nước đá viên).Qua kiểm tra và tiến hành lấy mẫu nước kiểm nghiệm tại một số nhà máy sản xuất nước đá, Chi cục ATVSTP tỉnh phát hiện một số cơ sở chưa bảo đảm trong sử dụng nước nguồn để sản xuất. Nước dùng để sản xuất nước đá xử lý chưa đạt chất lượng, chưa đạt quy chuẩn dẫn đến việc nhiễm vi sinh, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Để bảo đảm ATTP, ông Phạm Văn Luân đề nghị: “Những nhà máy sản xuất và các đại lý phân phối nước đá cần phối hợp tốt trong việc sử dụng dụng cụ bảo quản nước đá, phương tiện vận chuyển phải được che chắn để tránh ô nhiễm từ bên ngoài. Đối với những nơi kinh doanh, tiêu thụ, dụng cụ bảo quản nước đá phải sạch sẽ khi cung cấp cho khách hàng. Tất cả nhà máy sản xuất nước đá, nhất là nước đá viên phải thực hiện tự công bố sản phẩm làm ra, sản phẩm phải được chứa đựng trong bao bì theo quy chuẩn phù hợp”.
Thời gian tới, Chi cục ATVSTP tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho chủ cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh nước đá trên địa bàn để có sự phối hợp trong sản xuất, kinh doanh nước đá an toàn phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.
Có thể nói, nước đá không hợp vệ sinh là loại thực phẩm trực tiếp gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.Vì thế, để có sản phẩm nước đá bảo đảm ATTP, đòi hỏi người sản xuất, kinh doanh phải nghiêm túc thực hiện đúng các quy định pháp luật.
Cơ sở sản xuất và kinh doanh nước đá cần chú ý:
- Bảo đảm điều kiện chung về ATTP cần tuân thủ các quy định tại Điều 19, 20, 21 Luật ATTP và các yêu cầu cụ thể sau:
a) Quy trình sản xuất thực phẩm được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng;
b) Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho sản phẩm không thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc;
c) Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dễ làm vệ sinh, không thôi nhiễm chất độc hại và không gây ô nhiễm đối với thực phẩm;
d) Có ủng hoặc giày, dép để sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm;
đ) Bảo đảm không có côn trùng và động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; không sử dụng hóa chất diệt chuột,
côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm.
- Về điều kiện con người, cần tuân thủ các điều kiện quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 19 Luật ATTP và khoản 2, Điều 4 của Chương II Nghị định 67/2016/NĐ-CP, ngày 01-7-2016 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2, Điều 2 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP, ngày 12-11-2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế quy định: “Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức ATTP và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.
- Nước đá dùng liền phải đạt quy chuẩn QCVN 10:2011/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước đá dùng liền./.
|
Ngọc Mận - Huỳnh Hương