Tiếng Việt | English

04/08/2015 - 05:36

Bao giờ Việt Nam có thị trường mỹ thuật

Những manh nha của thị trường mỹ thuật Việt Nam thì đã có vài chục năm nay. Có một thời, những gallery như gallery Tràng An của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, từng tuần nào cũng ít nhất có một triển lãm tranh của một họa sĩ có tên tuổi và số lượng tranh bán được từ gallery đủ nuôi cả một đội ngũ và thuê căn nhà trên con phố Hàng Buồm đắt đỏ. Thế nhưng, cùng với thời gian và cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường mỹ thuật các nước trong khu vực, cái gọi là thị trường mỹ thuật trong nước cứ èo uột đi, mãi vẫn cứ chỉ dừng ở mức “manh nha”. Việc làm thế nào để xây dựng thị trường mỹ thuật Việt Nam thật sự đến lúc này đã trở nên bức thiết.

Bài 1: CÁI GÌ CŨNG CÓ, CÁI GÌ CŨNG THIẾU

Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, “kiểm kê” lại tài sản, thì những nền tảng của thị trường mỹ thuật Việt Nam đều trong tình trạng “có như không”.


Cái gọi là thị trường tranh của Việt Nam hiện nay chủ yếu tồn tại trong các cửa hàng chuyên bán tranh chép.

“Nếu nói ở Việt Nam chưa có thị trường mỹ thuật thì không hẳn đúng. Mặc dầu đã có các hoạt động buôn bán trao đổi các tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam diễn ra từ nhiều năm nay thông qua vai trò của các nhà sưu tập, các gallery, nhưng trên thực chất ở Việt Nam chưa có thị trường mỹ thuật theo đúng nghĩa. Sự hoạt động của các gallery trong nước có thể xem là những hoạt động có tính chất đơn lẻ theo lề lối kinh doanh cá thể. Hầu như trong các hoạt động thương mại về mỹ thuật, chúng ta chưa thấy vai trò của Nhà nước, hay các tổ chức xã hội. Trong các văn bản pháp luật còn thiếu những chính sách khuyến khích sự phát triển của mỹ thuật nói chung, cũng như sự phát triển của thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự phát triển manh mún của thị trường mỹ thuật ở Việt Nam”.

Ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.

“Một thị trường mỹ thuật cần đảm bảo các yếu tố: Có Quỹ Mỹ thuật; có quy định các cơ quan, công sở nhà nước mua tác phẩm mỹ thuật để trưng bày, xây dựng nhiều công trình mỹ thuật công cộng phục vụ đời sống văn hóa của người dân; giảm thuế cho các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ cho các hoạt động mỹ thuật; tổ chức các hội chợ mỹ thuật; thành lập các trung tâm giám định và đấu giá tác phẩm; thành lập hiệp hội gallery Việt Nam; kêu gọi sự ủng hộ của các lãnh đạo đối với hoạt động mỹ thuật; khuyến khích thành lạp các bảo tàng mỹ thuật tư nhân và các nhà sưu tập tư nhân”, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết.

Trong các điều kiện “cần và đủ” ấy, thời gian qua Việt Nam đã xây dựng được một Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; nhưng sau một thời gian thì Trung tâm phải giải thể vì… không có đối tác nào đến làm việc, đặt yêu cầu giám định tác phẩm.

Việc mua bán các tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao, hầu hết là khách nước ngoài. Hầu như không có thị trường mỹ thuật nội địa, nếu có chăng thì chủ yếu là người Việt Nam mua các tác phẩm trang trí tư gia (ít giá trị nghệ thuật). Điều này đã dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám ra nước ngoài. Những tác phẩm có giá trị cao đều được người nước ngoài mua, người Việt khi có nhu cầu sẽ khó khăn để tìm lại, mua lại sau này.

Còn xa xôi hơn nữa, cách đây 30 năm, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm đã tổ chức hội thảo để vận động thành lập Hiệp hội Gallery, nhưng chính bản thân các gallery không hưởng ứng, bởi thấy không mang lại hiệu quả gì. Còn việc thành lập Quỹ Mỹ thuật thì đơn giản, nhưng việc làm thế nào tìm được đơn vị tài trợ kinh phí cho Quỹ thì lại vô cùng khó khăn. “Chưa kể, các chính sách đầu tư cho mỹ thuật, chính sách ưu tiên của Nhà nước dành cho các tập đoàn, doanh nghiệp để khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp có đầu tư cho mỹ thuật hầu như chưa có, nên các doanh nghiệp, tập đoàn cũng không mặn mà gì với lĩnh vực này; nếu có, cũng chỉ là quan hệ đơn lẻ với cá nhân họa sĩ”, một đại diện ngành mỹ thuật chia sẻ.

Cũng theo đại diện này, các giải pháp về hoạt động của bảo tàng, bảo tàng mỹ thuật, phát triển bảo tàng mỹ thuật trong đời sống mỹ thuật hôm nay, để bảo tàng trở thành nơi đi đầu trong các hoạt động sưu tầm, mua tác phẩm mỹ thuật… là điều mới chỉ được “manh nha” nghĩ đến mà chưa được cụ thể hóa thành văn bản. Bên cạnh đó, cũng chưa có chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phổ biến nghệ thuật trong cuộc sống đương đại hiện nay; chính sách cho việc sưu tập nghệ thuật tư nhân, hoạt động của gallery, thành lập, xây dựng các bảo tàng tư nhân về mỹ thuật… Vì lẽ đó, tất cả các hoạt động của mỹ thuật Việt Nam hiện nay là mang tính tự phát, chưa hề có một thị trường của riêng mình. Mà cho tới khi có thị trường, thì mỹ thuật Việt Nam vẫn đang trong tình trạng “không có được tiếng nói” trên thị trường khu vực và thế giới.

Bài cuối: Còn chờ đến bao giờ

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết