Tiếng Việt | English

10/12/2020 - 09:00

Bạo lực học đường từ những góc nhìn

Tuần qua, vụ một nữ sinh ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang tự tử để phản đối hình thức kỷ luật của nhà trường gây bức xúc trong dư luận. Càng bức xúc hơn khi cô giáo chủ nhiệm của em có những lời lẽ “bóng gió”, miệt thị học sinh (HS) của mình trên mạng xã hội. Câu chuyện một lần nữa buộc ngành Giáo dục và cả xã hội nhìn lại cách giáo dục của mình.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Thầy cô phải hiểu tâm lý học sinh

“Ở tuổi mới lớn, các em có những biến đổi về tâm, sinh lý nên hơn ai hết, giáo viên (GV) phải tìm hiểu và có cách ứng xử phù hợp. Là một GV, tôi thấy cách hành xử của cô T.H. - GV chủ nhiệm lớp 10A4, Trường THPT Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, là không đúng. Chưa biết rõ thực hư thái độ của cô trước đó đối với em HS, nhưng rõ ràng những chia sẻ của cô trên mạng xã hội là một điều xúc phạm đến em. GV như người cha, người mẹ thứ hai của HS. Mỗi hành động của GV đều có ảnh hưởng nhất định đến HS nên phải cư xử đúng mực, đúng với trách nhiệm của mình” - Đó là chia sẻ của cô Phạm Thị Tường Vi - GV Trường THPT Nguyễn Trung Trực (TP.HCM), về vụ việc.

Chưa rõ những vi phạm của em HS này là gì nhưng theo gia đình chia sẻ thì do em không tham gia đầy đủ các lớp phụ đạo của trường và mặc áo dài quá mỏng nên bị nhà trường nêu tên trong buổi chào cờ đầu tuần, đồng thời chịu hình thức kỷ luật. Không đồng ý với hình thức kỷ luật của trường, em HS đã phản ứng lại bằng cách uống thuốc tự tử (nhưng được cứu sống) và để lại thư tuyệt mệnh. Việc em tự tử là sai nhưng nếu không chịu uất ức và bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề thì liệu em có hành động dại dột như vậy không?

Nói về vấn đề này, cô T.T. (GV Trường THCS Tân Lập, huyện Tân Thạnh) bày tỏ: Tôi nghĩ, việc miệt thị HS như thế cũng là một hình thức bạo lực học đường, bởi các em sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Khi HS phạm lỗi, có nhiều cách giáo dục hiệu quả hơn là nêu tên dưới cờ hay lên mạng xã hội nói “bóng gió”. Nếu cô chủ nhiệm chủ động liên lạc với gia đình để tìm hiểu và cùng giải quyết vấn đề thì có lẽ sự việc đau lòng sẽ không xảy ra.

Chúng em cần được thầy cô lắng nghe và chia sẻ

Ở tuổi mới lớn, các em muốn được chia sẻ với gia đình và thầy cô về những suy nghĩ, tình cảm của bản thân, muốn được người lớn đối xử một cách nhẹ nhàng, quan tâm. Ở tuổi này, các em thường có những suy nghĩ, hành động sai lệch cần được uốn nắn, định hướng và cha mẹ, thầy cô là người đóng vai trò định hướng. Hương Giang (HS Trường THPT Chuyên Long An) chia sẻ: Chúng em mong muốn nhận được sự quan tâm chân thành từ thầy cô, cha mẹ. Nếu chúng em phạm sai lầm cũng mong được nhắc nhở nhẹ nhàng chứ không phải bị la mắng, chì chiết. Qua vụ một nữ sinh ở An Giang tự tử vì chịu áp lực về tinh thần, chúng em mong người lớn sẽ hiểu chúng em hơn, có thể nhắc nhở, khuyên răn riêng để chúng em thấy được khuyết điểm chứ đừng nêu tên dưới cờ vì như thế sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và rất mặc cảm.

Phê bình là cách để HS nhận ra lỗi của mình và có hướng khắc phục, sửa chữa chứ đừng áp dụng hình thức kỷ luật để các em cảm nhận mình bị bỏ rơi, thầy cô ác cảm với mình, từ đó các em càng ngỗ nghịch hơn. Phương pháp giáo dục rất quan trọng. Vì vậy, khi xử lý vi phạm, nhà trường phải dựa trên cả tình và lý để không xảy ra trường hợp đáng tiếc./.

Hoàng Anh

Chia sẻ bài viết